Nhật Bản xây dựng nông nghiệp thuận thiên ra sao?

Sau vài thập kỷ chuyển đổi với sự tham gia của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ cùng với sự hợp lực tích cực của người dân, Nhật Bản đã định hình ra những mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ theo hướng thuận tự nhiên mà một nước nông nghiệp như Việt Nam có thể tham khảo học hỏi.

Tỷ trọng nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn chưa quá 1% trên cả nước Nhật. Tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản hiện đang thúc đẩy nông nghiệp xanh theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường với mục tiêu đạt 1 triệu hecta nông nghiệp hữu cơ, chiếm chừng 25% diện tích vào năm 2050.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật đang thúc đẩy việc tạo ra các khu vực sản xuất theo phương pháp thuận thiên, hữu cơ trên khắp Nhật Bản với mục tiêu tạo ra 100 đô thị xanh vào năm 2025 và 200 đô thị xanh vào năm 2030.

Gian nan gầy dựng cộng đồng nông sản sạch

Sau gần hai giờ bay từ Tokyo đến Kumamo phía Nam nước Nhật, tôi đến tham quan mô hình nông nghiệp sinh thái của ông Sawamura, giám đốc công ty Higo Ao Kai. Tại đây người viết bài được chứng kiến trực tiếp những gì ông theo đuổi để tạo nên một thương hiệu lớn về nông nghiệp hữu cơ tại Nhật.

Con đường làm nông nghiệp hữu cơ của ông Sawamura đã trải qua một giai đoạn dài với nhiều khó khăn. Có những giai đoạn tưởng như không vươt qua được, nhưng nhờ sự hợp lực của chính quyền và người tiêu dùng công nhận, ông đã vươn lên và khẳng định thương hiệu của mình.

Trang trại nông nghiệp hữu cơ tại Ohito (Nhật Bản)

Trang trại nông nghiệp hữu cơ tại Ohito (Nhật Bản)

Công ty Higo Ao Kai là nơi duy nhất trồng cà chua hữu cơ (organic) quanh năm, rất được ưa chuộng nhờ sự khác biệt về chất lượng và mùi vị.

Điều cốt lõi của nông nghiệp tự nhiên là phân bón cho cây, kết hợp các sinh vật bản địa và cây cỏ tại địa phương. Khi thấy công ty môi trường dọn dẹp cỏ ven bờ sông, ông Sawamura đến xin đem về làm phân bón.

Vài năm sau, thấy cơ hội tốt, ông thuê mảnh đất rộng, xin chính quyền địa phương đổ cỏ tại mảnh đất này cho cỏ hoai tự nhiên làm phân bón cho mọi người dân khi có nhu cầu. Những người nông dân yêu thích công việc nông nghiệp thuận thiên quy mô nhỏ thì trực tiếp đến tự lấy phân về.

Con người để cho đất bạc màu, xơ cứng ô nhiễm, sức khỏe của mình bị ảnh hưởng từ những thuốc diệt cỏ, phân hóa học bón cho cây, làm cho chất lượng cuộc sống kém đi.

Tuy nhiên, sẽ không ý nghĩa khi những người nông dân không cùng chung hoài bão, tiếp tục sử dụng thuốc diệt cỏ và phân hóa học. Ông Sawamura đã đến từng nhà thuyết phục và cùng một số bạn bè làm nông nghiệp hữu cơ. Mô hình được nhiều người ủng hộ nhưng sau đó bỏ đi vì sản lượng không tăng và thời gian thu hoạch lâu hơn.

Đến năm 2001 còn lại 6 gia đình trồng quít và rau cùng đồng hành, ông thành lập công ty Higo Ayumi no Kai canh tác hữu cơ tận dụng các nguyên liệu địa phương. Sau hàng chục năm phát triển, giờ đây chất lượng nông sản đã bắt kịp ý tưởng, người tiêu dùng đến tận nơi mua nông sản rau quả do hợp tác xã sản xuất.

Hoa trái, cũng như con người, cần được chăm sóc nuôi dưỡng bằng những thức ăn sạch. Ông Sawamura đưa chúng tôi đi xem nơi tự chế biến phân hữu cơ của mình. Phân được làm từ các nguyên liệu tại địa phương như cám gạo, đất đỏ, và các loại bột cá, vỏ sò, tôm, cua… bã cải dầu, lúa xanh và đất ruộng làm một hỗn hợp có mùi thơm nhẹ.

Người viết bài này tận mắt thấy các vại thủy tinh chứa nước ngâm lên men các loại như rong biển, cải xoong, măng cùng với đường vàng nhập từ Philippines. Ngoài ra, còn có chiết xuất thảo dược Trung Quốc được làm từ quế, cam thảo…Nước này được pha loãng để tưới và tăng dinh dưỡng cùng sức đề kháng cho cây.

Hiện tại ông đang có 6 công nhân Việt Nam đang làm việc trực tiếp tại công ty của mình. Ông mong rằng các bạn trẻ sẽ hoc hỏi kinh nghiệm nơi đây để tương lai có thể phát triển mô hình này cho Việt Nam.

Nông trại kiêm trường dạy nông nghiệp hữu cơ

Khi đến Tokyo tôi được giáo sư Tomy Ogata, đại học Chuo giới thiệu đi tham quan trang trại Organic Earth Caretaker của người học trò cũ, anh Tatsuya Uchida. Giáo sư Ogata mong muốn sẽ tiếp sức hỗ trợ giúp đỡ cho Việt Nam nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn trong tương lai.

Trang trại hữu cơ này nằm tại thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa, cách Tokyo chừng 90 cây số. Nơi đây, năm 2017, ông lập một trường nông nghiệp bền vững, dạy về nông nghiệp tự nhiên và nông nghiệp hữu cơ, giúp các học sinh biết được thực tế so với lý thuyết được dạy ở trường.

Ông Uchida cho biết công ty có 7 hecta đất, sản xuất nhiều sản phẩm: khoai tây, khoai lang, hành tây, dưa chuột, cà chua, bắp cải, cải thảo, củ cải, cà rốt…không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.

Hàng sản xuất 50% bán trong siêu thị và số còn lại giao trực tiếp đến 40 khách hàng đăng ký trước mỗi tuần ba lần. Giá hàng giao trực tiếp quy đổi chừng 500.000 đồng Việt Nam cho 10 túi các loại. Khi khách mua hàng có thể ủng hộ thêm cho trường nông nghiệp bền vững số tiền 160.000 đồng, nhằm thúc đẩy công việc giáo dục nông nghiệp cho thế hệ trẻ.

Trang trại hữucũng là điểm du lịch xanh

Giáo sư Hitokoto Noriyuki từ Đại học Tokyo Joho University mời người viết bài đi thăm trang trại nông nghiệp hữu cơ Ohito tại thành phố Izunokuni, cách Tokyo 150 km.

Đây không chỉ là nơi trồng trọt mà còn là trung tâm đào tạo các phương pháp trồng rau tự nhiên. Học sinh được thực hành trực tiếp trên cánh đồng, giúp họ học hỏi tích lũy kinh nghiệm thực tế và tiếp cận với các kỹ thuật canh tác tiên tiến.

GS Hitokoto và người quản lý nơi bán hàng nông nghiệp bán tại trạm dừng nghỉ. Ảnh: Trần Đình Lâm

GS Hitokoto và người quản lý nơi bán hàng nông nghiệp bán tại trạm dừng nghỉ. Ảnh: Trần Đình Lâm

Nơi đây có một siêu thị nhỏ trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tất cả sản phẩm tại đây đều mang nhãn hiệu của bộ Nông nghiệp Nhật Bản (MOA), đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.

Một điểm đặc biệt của trang trại là du lịch xanh. Khách tham quan không chỉ được ngắm cảnh mà còn học hỏi về sản xuất xanh và bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ trái đất.

Tiếp đó Giáo sư Hitokoto đưa chúng tôi tham quan trạm dừng nghỉ Nousanbutsu chokubaijo gần Mishima, nơi trưng bày nhiều hàng hóa do nông dân sản xuất, rất phong phú và đa dạng. Tại đây từng sản phẩm đều ghi tên nông dân trên bao bì. Các loại gạo địa phương rất được ưa chuộng dù giá cao hơn bình thường.

Theo giáo sư Ikemoto, muốn nông nghiệp hữu cơ phát triển đòi hỏi chính phủ phải có chính sách bao cấp cho người dân. Cần có trợ lực từ nhà nước để nông dân có thể yên tâm sản xuất sản phẩm hữu cơ chất lượng và giữ gìn môi trường sinh thái an lành cho trái đất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong vài thập kỷ qua, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ ở Nhật Bản có sự chuẩn bị chu đáo từ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ cùng với sự hợp lực tích cực của người dân.

Quá trình bền bỉ đó được chia sẻ với một triết lý hướng tới cộng đồng, tạo cho con người một cuộc sống chất lượng, giảm thiểu bệnh tật do tích lũy những hóa chất độc hại trong quá trình chăn nuôi trồng trọt, đồng thời giữ gìn trái đất không bị xơ cứng bạc màu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam để tránh những rủi ro cho tương lai và đem lại cuộc sống hạnh phúc thật sự cho con người.

(*) Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

Trần Đình Lâm (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-xay-dung-nong-nghiep-thuan-thien-ra-sao/