Xác thực sinh trắc học với giao dịch trên 10 triệu đồng: Đảm bảo an toàn cho khách hàng

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước từ 1/7, chuyển tiền trên 10 triệu đồng/một lần phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay (sinh trắc học); tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, các ngân hàng cần phải phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng đã được ngân hàng lưu trữ với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an quản lý.

Trên cơ sở đó, khi phát sinh giao dịch có giá trị từ 10.000.000 đồng/lần trở lên, buộc phải thực hiện đối sánh sinh trắc học của người đang thực hiện giao dịch với cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng mà ngân hàng đang lưu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật, áp dụng xác thực sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Theo đó, khi các ngân hàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng phải nhận biết được người đang sử dụng tài khoản thanh toán là chính chủ.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, ngay sau khi Quyết định 2345 được ban hành, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương triển khai xây dựng lộ trình áp dụng, rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp. Các giải pháp do doanh nghiệp thực hiện đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu thập dữ liệu khách hàng để so khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến thời điểm này, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động, 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng định danh và xác thực điện tử công dân (VNeID).

Các tổ chức tín dụng đã khẩn trương, tích cực triển khai áp dụng xác thực sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Ảnh TL minh họa

Các tổ chức tín dụng đã khẩn trương, tích cực triển khai áp dụng xác thực sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Ảnh TL minh họa

Việc ban hành Quyết định 2345 là cần thiết, phù hợp với thực tiễn nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến, phòng chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo, cân đối với sự trải nghiệm khách hàng xuyên suốt.

Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.

Theo thống kê của NHNN, 70% số lượng giao dịch của Việt Nam là dưới 1 triệu đồng. Số lượng tài khoản có giao dịch trên 10 triệu đồng trung bình chỉ chiếm khoảng 11% số lượng giao dịch hàng ngày (số người dùng thực tế thì còn thấp hơn vì một người có thể có nhiều tài khoản). Như vậy, những giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm không nhiều, nên không nhiều khách hàng bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng thực hiện có lộ trình để không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng; những giao dịch nhỏ lẻ không bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bên cạnh các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty vận hành hệ thống thanh toán như NAPAS cũng phải tham gia vào quá trình này để phát hiện các giao dịch rủi ro.

“Khi thanh toán chúng ta quan tâm đến mức độ tín nhiệm trên điểm tín dụng đó để đánh giá người nhận tiền, người chuyển nhận. Đây là những vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam” - ông Dũng chia sẻ.

Phó Thống đốc NHNN phân tích thêm, nếu không may bị lấy mất thông tin của khách hàng, tội phạm có thể chiếm máy đó, nhưng với việc áp dụng Quyết định 2345, khi giao dịch phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền.

“Điều này khá quan trọng, khi chiếm đoạt thông tin kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nhưng các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học, khi đó, tội phạm không thể cài được sang máy khác để chiếm đoạt tiền” - ông Dũng nhấn mạnh.

Đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chíp hoặc khách hàng là người nước ngoài, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng cần phải đăng ký thông tin sinh trắc học với ngân hàng. Khách hàng chỉ cần đến quầy giao dịch đăng ký 1 lần duy nhất.

Yến Lynh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xac-thuc-sinh-trac-hoc-voi-giao-dich-tren-10-trieu-dong-dam-bao-an-toan-cho-khach-hang-153151.html