Nhặt đêm
Thằng bé chạy trốn tôi. Lần nào thấy tôi nó cũng muốn núp vào một chỗ nào đó. Thân hình dài lều khều, làn da trắng bóc ít khi tiếp xúc với nắng. Nó luôn là một sự chú ý trong tôi. Nó luôn sợ ánh mắt của tôi. Có lẽ vì tôi nghiêm khắc quá chăng?
Tôi dạy nó học vào các buổi tối vì gần nhà. Những đêm ấy, lúc học chưa xong mà đã gần chín giờ đêm, ánh mắt nó bắt đầu bồn chồn. Tôi muốn ôn cho xong phần bài tập nên vẫn nán lại đôi chút. Thằng bé xin về trước.
Ảnh minh họa
Và bắt đầu đêm. Tiếng leng keng của những người nhặt rác, họ len lỏi đâu đó trong ngõ hẻm và những con đường. Đâu đó tất cả những bịch rác đều có nơi có chỗ. Những bịch rác được gói gọn gàng, những bịch rác bị vất lung tung và cả những bịch rác bị moi móc. Trong hẻm nhỏ luồn lách, để lấy bịch rác, họ phải dừng xe lại ở một chỗ khá rộng và từ đó đi bộ vào từng hẻm, nếu là dốc núi thì cũng phải leo lên. Đêm mùa hạ và cả những đêm mưa. Không có đêm nào ngơi nghỉ.
Tôi thường bỏ rác muộn, thường là sau buổi dạy cho mấy nhóc gần nhà. Bữa cơm muộn vào buổi tối, rửa chén bát xong các thứ thì mới bắt đầu gom hết mọi thứ đổ rác. Tôi ít khi bỏ rác vào trong hộp carton, dù nhà còn đống carton mỗi khi đặt hàng mua sách họ thường bỏ sách vào thùng giấy nhỏ. Tôi cũng chẳng muốn giữ chúng lại trong nhà làm gì nhưng khổ một chuyện, nếu tôi dồn hết rác vào trong hộp carton đó thì sáng hôm sau tất cả rác của tôi sẽ ở lại, tung tóe ngay bên lề đường, nhầy nhớp đến khó chịu. Lâu dần cũng thành thói quen, tôi thường chất đống carton lại rồi cho bà nhôm nhựa gần nhà.
Tôi biết vì sao và cũng vì ai. Đó là những người sống bằng nghề moi rác. Giữa lòng thành phố, họ sống bằng nghề này. Họ thường moi rác vào ban đêm để lấy những chai nhựa lon nhựa và những đồ có thể bán nhôm nhựa được. Những thùng carton hay những giấy tờ sách vở ai bỏ lẫn vào trong rác đều bị moi mà lấy ra. Sau đó bịch rác tung tóe khắp cả. Nhiều lần thấy và nhiều lần biết nên tôi cũng chỉ gói rác đơn giản, gọn nhẹ rồi để một mép bên nhà. Ban đêm, nếu đi chơi khuya về dễ thấy những người moi rác trên chiếc xe đạp bắt đầu buổi làm của mình. Một chiếc xe đạp thôi mà bao nhiêu là tác dụng, yên sau, rổ xe, chỗ tay lái, tất cả những chỗ nào có thể cột lại, móc lại đều được tận dụng đến mức tối đa. Và thường trừ những người quen biết, chỉ nhìn bộ đồ và dáng người là nhận ra ngay. Còn lại họ là những người khuất mặt đâu đó trong tất tả đời thường. Bộ đồ rộng thùng thình, bàn tay bàn chân đều mang tất, gương mặt khuất sau lớp khẩu trang dày cộm và thêm một chiếc mũ vào ban đêm, nón che vào ban ngày. Thế là họ đi. Những thùng carton loại lớn được xé ra và xếp gấp lại, đặt phía trước rổ xe đạp, những đồ nhựa lon nhựa thì bỏ trong bì đen, treo một bên mép tay lái. Cứ như thế, tôi thường hình dung ra cuộc sống bấp bênh của họ, và những đêm trời mưa bão, rác trôi nổi ngoài lề đường, có phải một phần là bởi bàn tay những người moi rác đêm, thường tìm kiếm những gì còn sót lại trong rác, rồi sau đó bỏ đi…
Dù sao đó cũng chỉ là một công việc mưu sinh. Công việc đó khiến thằng bé thường trốn tránh tôi như đứa con gái mới lớn thẹn thùng. Nó không muốn gặp tôi là bởi, tôi đã thấy nó trong một lần nhặt đồ trong đống rác. Gia đình thằng bé có mẹ làm nhôm nhựa, ba làm thợ hồ. Nhôm nhựa thì mẹ nó làm ban ngày, ban đêm làm thêm trên chiếc xe đạp, dạo khắp một vòng thành phố moi rác. Dạo một vòng thành phố, nghe ra có vẻ lãng mạn, nhưng làm sao để thấy được cần phải đạp một vòng thật nhanh trước khi tới giờ lấy rác và còn cạnh tranh với những người moi rác khác nữa. Đây đâu phải nghề của riêng ai.
Thằng bé biết mẹ vất vả kiếm từng đồng bạc lẻ đóng tiền học, quần áo, sữa sùng cho nó nên nó thường tranh thủ tầm giờ đêm đi làm cùng mẹ, cũng trên một chiếc xe đạp, một cái mũ và không thể thiếu khẩu trang. Thường những người moi rác ít khi moi ở gần nhà. Và cũng vì đứa con. Chẳng muốn nó cảm thấy xấu hổ vì cái nghề của mẹ nó. Nhưng xấu hổ gì cơ chứ. Đấy là nỗi buồn thân phận khi không có một khởi đầu thật tốt, cũng chẳng có điều kiện học hành, để đến khi lập gia đình rồi, trắng tay, không vốn làm ăn… Mà nhôm nhựa với nhặt rác đêm chỉ cần có công là có thể sống được qua ngày rồi, dù vất vả và chẳng có thời gian cho gia đình. Thằng bé suốt ngày đứng ở quán cơm tiệm. Cả nhà ai cũng đi nhôm nhựa, có đâu bữa cơm hoàn chỉnh. Thỉnh thoảng mới ăn chung cùng nhau, dù là cơm hộp, nhân lúc chất hàng đầy cả sân, chuẩn bị đem ra đại lý. Nhưng ngày hè nóng bức chèn vào những bao hàng, có lẽ đằng sau những khẩu trang trùm kín cả đầu kia là những nếp nhăn xô vào nhau, hay là tiếng thở dài, hay chẳng là gì cả, vì tất cả đã dần trở thành thói quen.
Thằng bé vẫn trốn tôi. Tất nhiên nó không thể trốn khi qua nhà tôi học ban đêm. Nhưng cái cúi đầu của thằng nhỏ có cái gì tội tội. Nó đã nói với tôi, mẹ nói, người ta sẽ khinh thường gia đình mình khi biết mình làm cái nghề này. Nó không dám nói với các bạn, cây thước nhựa này, cây compa này là của mẹ nó cho khi moi rác ban đêm, đôi khi còn cả đồ chơi nữa… Ngay từ nhỏ nó đã mặc định là mình sẽ giấu tất cả mọi chuyện. Giấu luôn chuyện nó phải đi làm thêm phụ mẹ. Cái dáng cao lều khều cùng làn da trắng, bộ đồ đùi thể thao, nó có thể nhặt được bao nhiêu lon nhựa mỗi đêm nhỉ. Tôi ước gì mình đừng nhìn thấy và cũng đừng để thằng nhóc phát hiện ra tôi biết nó đang phụ mẹ. Một nỗi niềm nào đó len lên mà không biết làm cách nào ngăn lại. Có thể, nó nghĩ bạn của nó là chiếc xe đạp muốn lỏng ốc và banh hết tất cả bộ phận ra, là chiếc khăn bịt mặt, là những lần cúi đầu nếu có lỡ đi qua chỗ quán ăn mà bạn bè thường lui tới… Trốn đêm, trốn đêm, lẫn mình vào đêm để nhặt nhạnh cũng từ đêm.
Khi những người nhặt rác đêm xong công việc, đạp xe về nhà cũng là lúc những người dọn rác xuất hiện. Trong mỗi một bì rác thật chứa quá nhiều điều. Mức sống, cách sinh hoạt của một căn hộ, mỗi gia đình. Những vụn vặt từ cuộc sống của thằng nhỏ và những người làm việc như mẹ nó. Những công nhân lao công, dọn rác. Những bì rác nằm im bên cạnh phố phường ngủ say chờ hôm sau tỉnh dậy với gương mặt mới.
Có lần tôi hỏi thằng bé, sao dạo này không thấy đi học đêm. Thằng nhỏ nói, mẹ con bị nhiễm trùng phải nhập viện. Thì ra đôi bao tay vải ấy không cẩn thận đã chạm trúng những mảnh gương vỡ trong một bì rác lớn. Cô thấy rát rát tay mà không để ý. Đêm đó trở trời, mưa. Tay chân líu quíu dọn những lon nhựa đồ nhựa lỉnh kỉnh rồi tỉ mẩn sắp xếp lại, hơi bốc lên từ những bì rác, đêm càng lúc càng sâu. Về đến nhà thì vết thương đã nhiễm trùng. Thằng bé bỏ học ban đêm, chạy vào viện chăm mẹ. Chẳng biết khi nào mẹ nó mới thôi trốn đêm để không còn moi đồ nhựa từ trong rác. Cũng chẳng biết khi nào đứa nhỏ sẽ không trốn tránh tôi mỗi lần gặp mặt. Những khi như thế, tôi cứ mường tượng, dưới cái màn đêm này, còn những công việc nào vất vả nữa, còn những người nào nữa lụi cụi, lặm cặm mà mưu sinh. Những vất vả đó, những cặm cụi đó dẫu chẳng kiếm được bao nhiêu vẫn là đồng tiền chân chính từ bàn tay người mẹ chắt chiu qua ngày tháng, dành cho con mình. Chẳng biết đến khi nào, chiếc khăn bịt mặt ấy sẽ không còn là một nỗi niềm không muốn ai nhìn thấy mình hay nhận ra mình, và biết đến khi nào những bịch rác kia sẽ nguyên vẹn không còn moi móc thêm lần nào nữa. Cuộc sống từ những đêm, cuộc sống từ những ngày, có lẽ, thường là những lần trốn nỗi buồn của nhau, để mà sống, mà khác hơn…
Tôi dặn thằng nhóc có đống carton tôi để dành ở nhà, khi nào rảnh thì qua lấy, nó dạ, và vẫn không dám nhìn tôi. Có khi đó là cái tính của trẻ mới lớn, hay suy nghĩ, hay lo lắng chứ nếu qua được tuổi đó rồi, nó sẽ thấy nghề của mẹ mình, cũng là một nghề như bao người, chỉ là không có thời gian dành cho mình và con cái nhiều hơn thôi. Đêm vẫn là đêm. Và đêm còn nhiều những thân phận nổi trôi. Bì rác nằm im bên mép nhà, ngoài đường, tưởng vô tri, đôi khi mang lại niềm vui nào đó cho những người moi rác, và nếu đó là đêm không mưa, thì quả là một ngày kết thúc có phần hạnh phúc.
Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Thùy Trang
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhocnghethuat/2019/12/15/36c6db/