Nhặt được CCCD gắn chip, có nên rao lên mạng để tìm chủ nhân?

Có thể làm mờ hoặc che những thông tin cá nhân như số định danh cá nhân, địa chỉ, ngày tháng năm sinh rồi hãy đăng lên mạng tìm chủ nhân của những giấy tờ bị thất lạc.

Thời gian gần đây, bạn bè, đồng nghiệp và một số người thân quen của tôi ở quê thường đăng thông tin trên Facebook cá nhân để tìm kiếm người đánh rơi giấy tờ tùy thân (thẻ CCCD). Kèm theo thông tin chia sẻ, họ thường đăng luôn hình ảnh, mã số CCCD, ngày tháng năm sinh và địa chỉ của khổ chủ.

Có thể người đăng Facebook mong muốn thông báo rộng rãi để nhanh chóng tìm được khổ chủ. Tuy nhiên, chính việc công khai hết thông tin cá nhân nơi công cộng hứa hẹn khả năng khổ chủ đã khổ còn khổ hơn.

Thông tin cá nhân bị lộ trên mạng xã hội có nguy cơ bị lợi dụng để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Tội phạm mạng có thể sử dụng hình ảnh CCCD để vay tiền trên các App; đăng ký thuê bao trả sau, sau đó thực hiện các cuộc gọi quốc tế, cuộc gọi trong nước với thời lượng dài; đăng ký mã số thuế ảo, tạo tài khoản ngân hàng rồi lừa người chuyển tiền.

Dù việc đăng lên mạng xã hội là có ý tốt nhưng việc không làm mờ hay che giấu những dòng thông tin quan trọng thì cũng là việc làm không đúng quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các tổ chức. Với cá nhân, mức phạt sẽ là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng...

Do vậy thiết nghĩ khi nhặt được giấy tờ tùy thân, đặc biệt là giấy CCCD có gắn chíp, bạn hãy đến cơ quan công an hoặc UBND phường xã nơi nhặt được để họ là cầu nối cho "vật hồi cố chủ". Các cơ quan này có thể đăng tải rộng rãi trên fanpage của tổ chức mình, hoặc đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông để khổ chủ biết.

Hoặc trường trường hợp địa chỉ của khổ chủ gần nơi làm thất lạc giấy tờ thì người nhặt có thể dành chút thời gian tìm đến tận nơi để giao lại giấy tờ. Khi đó, người đánh rơi giấy tờ sẽ rất vui, cảm động.

Khi phát hiện thông tin giấy tờ tùy thân của mình hoặc người khác bị lộ, lọt và đang được sử dụng vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, chúng ta cần kịp thời báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Đây cũng là cách để chúng ta hạn chế tối đa những rủi ro, rắc rối có nguy cơ xảy ra trong tương lai.

NGUYỄN ĐƯỚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhat-duoc-cccd-gan-chip-co-nen-rao-len-mang-de-tim-chu-nhan-post793169.html