Nhật ký bỏ việc, ở nhà chăm con (kỳ 3): Con khôn lớn, mẹ cũng trưởng thành
Cảm giác đầu tiên khi phát hiện ra mình mang thai đứa con thứ 2 của tôi là hoảng sợ: Một đứa con tôi đã lao đao, hai đứa thì làm sao tôi lo nổi?
LTS: Chị Minh Ái, một bà mẹ 2 con sống tại Gò Vấp, TP.HCM đã kể lại câu chuyện từ bỏ công việc hấp dẫn để ở nhà làm bà mẹ bỉm sữa thực sự. Vì lý do nhạy cảm, chúng tôi không đăng thông tin cá nhân của chị. Hy vọng những trải nghiệm rất thật của bà mẹ chọn "thất nghiệp" thay vì đi làm như bạn đồng trang lứa này sẽ giúp các bố mẹ có thêm cái nhìn trọn vẹn về hành trình Trở Thành Mẹ.
Mang thai lần 2 và những ngày tất bật
Sau những lo sợ phút đầu, cảm giác vui mừng lại đến ngay sau đó, và nỗi hân hoan này cứ lớn dần. Tôi đã 33 tuổi, cũng đâu còn nhiều thời gian để lần lữa. Con gái tôi sẽ có em, sẽ có người cùng chơi, đó chẳng phải là món quà lớn mà tôi có thể tặng con sao?
Tôi đã không còn ngu khờ như 3 năm trước, tôi biết mình phải mạnh mẽ và chuẩn bị chu đáo cho tương lai của mẹ con mình. Tôi không cả nghĩ, lo xa quá nữa, chỉ chăm chú vạch kế hoạch chi tiết và chăm lo sức khỏe cho mình. Vợ chồng tôi bàn với nhau sẽ để riêng ra một khoản 200 triệu đồng, để phòng lúc sinh xong tôi phải ở nhà chăm con thì vẫn đủ sống trong một năm.
Tôi vẫn đi làm đến tận lúc sinh, việc nhà tôi vẫn làm tùy sức, còn lại chồng tôi sẽ đảm nhiệm. Anh cũng chăm con gái cả, chơi với con nhiều hơn để con mến bố, khi tôi ở cữ bé sẽ không quá hụt hẫng. Gia đình tôi đi đâu cũng có nhau, đi khám thai tôi cũng đưa bé theo cùng, để bé quen với việc mẹ mang bầu và mình sẽ có em.
Ngày sinh nở, mẹ tôi cũng ở quê bay vào cùng tôi đi bệnh viện và sẽ ở lại chăm mẹ con tôi đến khi em bé đầy tháng. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm, tự lo liệu cho mình đến tận khi y tá bảo ngồi lên xe đẩy để đẩy vào phòng sinh. Con trai tôi chào đời suôn sẻ, được bác sĩ cho da tiếp da ngay với mẹ. Tôi ôm con bằng một tay, tay kia vẫn vướng dây truyền dịch, lòng thầm cảm tạ ơn trên đã cho mẹ con tôi may mắn chu toàn, tự hứa mẹ sẽ mạnh mẽ nuôi nấng hai chị em con nên người.
Hôm sau chồng tôi đưa con gái vào nhận “thằng đệ”. Con gái rất hãnh diện được chụp hình cùng em. Hai hôm sau tôi được về nhà, tôi cũng đã biết cách kích và duy trì nguồn sữa mẹ cho con và chăm con thành thạo hơn lần trước. Tôi thuê thêm giúp việc theo giờ để mẹ tôi và tôi đỡ vất vả.
Mẹ bỉm sữa vẫn quay cuồng tất bật với hai đứa con nhỏ, nhưng tôi đã biết vui với từng việc nhỏ mình làm, mặc kệ thế giới ngoài kia chứng khoán đỏ xanh, nước người ta bầu tổng thống, hay ai đó thử tên lửa hạt nhân. Bây giờ tôi lại được hưởng chế độ thai sản, nên suốt 6 tháng nghỉ đó mẹ con tôi vẫn no đủ, thậm chí bay về ngoại ở chơi cả tháng thật xông xênh.
Bà ngoại lúc này không còn khỏe như xưa, nên khi tôi quay trở lại làm việc, bà nội bé nhận trông giúp bé cho tôi. Tôi lại quay về với thời gian biểu dậy lúc 5h lo cơm nước nấu ăn cho con, tối sẵn sàng bật dậy phục vụ ông con bỉm sữa. Vất vả thế nên tôi xuống ký vèo vèo, áo quần cũ mặc được tuốt, chả phải sắm sửa gì thêm.
Những thử thách vẫn không ngừng đến
Khó khăn lại đến khi con trai được 9 tháng, cháu nhất định không chịu ăn cháo nữa. Tôi quyết định áp dụng phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) cho con, nhưng bà nội lại không dám cho cháu ăn như thế vì sợ hóc.
Tôi suy nghĩ và quyết định đặt lợi ích của con lên trên tất cả. Vì tôi biết xây dựng kỹ năng ăn uống lành mạnh và niềm vui ăn uống cho con là tiền đề cho một cuộc sống hạnh phúc khỏe mạnh về sau. Tôi vẫn còn 200 triệu chưa tiêu cơ mà! Tôi quyết định xin công ty cho xin nghỉ không lương 3 tháng ở nhà chỉ để tập con ăn thô giỏi, cũng là dịp cho bà nội nghỉ “xả hơi” sau 3 tháng chiến đấu với ông tướng nhỏ lắm trò.
Sau 3 tháng được rèn luyện, anh chàng đã ăn thô lão luyện, tuy vẫn thuộc dạng còi nhưng mẹ cứ kệ cái cân, miễn là con vui tươi khỏe mạnh là đủ rồi. Sau đợt này, bà ngoại cũng bay vào hỗ trợ bà nội để mẹ cháu yên tâm đi làm.
Lại chiến đấu mỗi ngày đến khi bạn ấy được 18 tháng thì mẹ cho đến trường cùng chị gái luôn. Bà nội, bà ngoại hết nhiệm kỳ bịn rịn chia tay cháu về quê. Từ lúc này mẹ “cân” hết hai bạn, cứ ốm đau thì mẹ lại ở nhà chăm, khỏe thì đi học. Việc nhà ba và mẹ chia nhau, mẹ giữ hai em thì ba đi hút bụt, xong xuôi thì coi ngó hai siêu quậy cho mẹ lau nhà…
Nhiều hôm mệt quá thôi thì cứ mặc kệ mà đi ngủ, nhà cửa bề bộn tí cũng không sao. Khi nào vui khỏe thì mẹ làm đầu bếp, không thì mẹ phất cờ cho đi ăn tiệm, cả nhà còn hò reo vui sướng hơn ăn cơm nhà.
Đến khi anh chàng được 24 tháng thì lại một lần nữa thử thách mẹ. Anh ốm nặng hai trận liên tiếp sụt mất cả mấy ký lô. Nghỉ làm chăm con đến ngày thứ ba thì tôi thấy mình kiệt sức. Tôi biết ba năm qua mình đã là một cỗ máy chạy không ngưng nghỉ. Tôi đã quá mệt rồi!
Tôi quyết định buông công việc, ở nhà chăm con đến khi nào con thực sự cứng cáp tôi sẽ lại xin việc đi làm. Phút giây đó tôi không thấy sợ thất nghiệp, tôi có lòng tin rằng rồi lại sẽ có việc cho mình làm. Chỉ cần con lớn khôn, khỏe mạnh, tôi tin rằng mọi việc sẽ lại đâu vào đó thôi. Số tiền 200 triệu dự phòng kia cũng vẫn còn cơ mà!
Video: Bà mẹ Trung Quốc tiết lộ bí quyết nuôi con bại não đỗ đại học Havard
Một lần nữa, tôi lại nhận được sự thông cảm từ sếp và đồng nghiệp. Họ tiếp tục cho tôi 3 tháng nghỉ không lương. Tôi mừng đến rơi nước mắt. Tôi cho cả hai bé tạm nghỉ học mẫu giáo, ở nhà ăn cơm mẹ nấu, sáng mẹ dắt đi dạo phơi nắng.
Con gái lớn lúc này đã 5 tuổi, tôi tập cho cháu đi xe đạp hai bánh, buổi tối khi ba đi làm về tôi dành 20 phút học cùng con trên phòng riêng để rèn thói quen học tập, chuẩn bị sang năm vào lớp 1. Trong hai tháng mẹ ở nhà chăm con, hai bạn rất vui, ăn ngủ ngon và lên cân tốt. Cả gia đình cũng cùng nhau đi chơi được mấy nơi. Tận đến lúc đó, tôi mới hiểu việc ở nhà chăm con không đến nỗi đáng sợ, miễn là chúng ta chấp nhận lựa chọn đó và thu xếp cho ổn thỏa mà thôi.
Hành trình hơn 5 năm làm mẹ đủ để tôi hiểu con, hiểu mình và hiểu cuộc đời
Sau hai tháng, con cũng đã hồi phục sức khỏe, công ty nhắn tin hỏi tôi đã sẵn sàng đi làm lại chưa? Tôi quyết định trở lại với công việc, các con lại đến trường. Buổi sáng cả nhà cùng nhau đi học, đi làm, chiều chồng tôi đón hai con, tôi xong việc đi xe buýt từ công ty về nhà, ăn uống dọn dẹp xong tôi lại cùng con gái học bài một tí rồi cả nhà chơi đùa trước khi đi ngủ. Ơn trời chúng tôi đã vui vẻ như thế được hai tháng nay, tôi chỉ mong hai bé luôn vui khỏe để ba mẹ yên tâm cày cuốc tạo dựng tương lai.
Hành trình hơn 5 năm làm mẹ của tôi là như vậy, cảnh nào tôi cũng đã trải qua, để hiểu con, hiểu mình, hiểu cuộc đời. Tôi đã bỏ bớt sự cầu toàn, tôi đã không còn khóc lóc buồn đau vì dư luận hay một lời nói vô tâm ác ý. Tôi biết cách “tâm sự” với chồng, để anh hiểu và ủng hộ mình (dù chúng tôi mãi vẫn là một đôi khắc khẩu bị định mệnh buộc chặt vào đời nhau).
Tôi hiểu những thử thách của hành trình làm mẹ, có những việc ta chỉ có thể trông đợi ở mình (như khi sinh nở, khi một mình ôm con trong cơn sốt) để giữ bình tĩnh, không bấn loạn. Tôi hiểu bên tôi còn những “quyền trợ giúp” mà tôi hãy nhận lấy và đền đáp lại với cuộc đời. Tôi mãi biết ơn mẹ tôi, mẹ chồng tôi và những người thân yêu trong gia đình đã giúp sức cho tôi trong hành trình này.
Bây giờ có ai hỏi tôi nên ở nhà chăm con hay đi làm kiếm tiền, tôi sẽ chân thành trả lời rằng cách nào cũng được, tôi ủng hộ mọi quyết định của người mẹ. Chỉ có người mẹ mới biết điều gì cấp bách nhất cho mình trong hoàn cảnh của họ. Dẫu họ có quyết định như thế nào, thì mỗi lựa chọn đều có rất nhiều khó khăn đi kèm. Tôi thực sự đồng cảm và chỉ mong những người mẹ chiến binh hãy bền bỉ trong hành trình ấy.
Theo tháng năm, con khôn lớn, chúng ta cũng trưởng thành, có phải không các mẹ?