Nhật ký hành trình du lịch mùa dịch bệnh Covid-19

Người Việt ở nước ngoài còn sợ Covid-19 hơn cả người Việt trong nước. Sợ lây bệnh, sợ phiền phức và sợ nhất là nghe đồn, ai về Việt Nam trở lại, sẽ bị cách ly… Cái sợ lan nhanh hơn dịch bệnh.

Sau hai tuần thương thảo, thuyết phục, động viên như anh em gọi đùa là "tinh thần Hiệp định Paris 1973” và hai lần dời ngày khởi hành, cuối cùng đoàn vẫn lên đường vào sáng sớm ngày 17/2, giữa tâm bão của mùa dịch cúm Covid-19.

Hành trình gồm hai chặng. Chặng đầu tiên từ TP. HCM khám phá “Cung đường biển Nam Trung bộ” từ Bình Thuận ra Huế trong chín ngày. Chặng tiếp theo “Trải nghiệm văn hóa Tây Bắc” từ Hà Nội trong năm ngày. Do tình hình dịch bệnh, chặng Tây Bắc được thay bằng Tây Nam Bộ.

Thành phần đoàn có 60% là người Việt ở nước ngoài và 40% là người Việt trong nước. Gặp khách, tôi mới hiểu, người Việt ở nước ngoài còn sợ Covid-19 hơn cả người Việt trong nước. Sợ lây bệnh, sợ phiền phức và sợ nhất là nghe đồn, ai về Việt Nam trở lại, sẽ bị cách ly… Cái sợ lan nhanh hơn dịch bệnh. Nhiều nước chưa có đường bay thẳng, khách phải quá cảnh qua Hồng Kông hoặc Quảng Châu trước khi về Việt Nam. Thế là hủy chuyến đi.

Lượng khách chỉ còn 2/3 so với dự kiến, vẫn tỉ lệ ban đầu. Số người bình tĩnh, lạc quan, chủ động phòng chống vẫn đông hơn. Hình như ở đâu cũng vậy. Nhìn ai cũng thấy trẻ và đáng yêu hơn bình thường. Không ai đeo khẩu trang vì không cần thiết, không muốn góp phần vào việc làm khan hiếm mặt hàng này. Chỉ có việc rửa tay bằng thuốc sát khuẩn và xà phòng là phải làm thường xuyên. Ngay cửa lên xuống xe, có sẵn.

QL 51 vắng vẻ hơn rất nhiều, không thấy xe du lịch.. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

QL 51 vắng vẻ hơn rất nhiều, không thấy xe du lịch.. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Trước lúc ăn sáng, đoàn dành một phút tưởng nhớ về cuốc chiến tranh Vệ quốc ở biên giới phía Bắc 41 năm trước. Chiến tranh mới là kẻ thù số 1 và đáng sợ nhất của nhân loại. Hàng chục ngàn người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Bao nhiêu làng mạc, thành phố bị san bằng. Nhà cửa có thể xây dựng lại, to đẹp hơn; nhưng những mất mát về con người và di chứng về cuộc chiến vẫn hằn sâu, nhức nhối trong tâm khảm người Việt.

Điểm cộng nhỏ trong mùa dịch Covid-19 là đường phố cả nước thông thoáng đến bất ngờ. Dù chưa ai thấy mặt và còn ở tận đâu đâu, nhưng nó hiện diện khắp nơi, cứ như là không khí và hù dọa mọi người. Đó là những quả bom chùm, nổ chậm, không hẹn giờ, công phá rộng khắp, thiệt hại nhãn tiền, không có ngoại lệ, không trừ doanh nghiệp nào, dù nhỏ hay lớn.

Nhà hàng Mekong Restop ở Long Thành vắng lặng. Trạm dừng có thể đón cùng lúc mấy ngàn khách, mùa cao điểm xe và người chen chúc; nay chỉ vỏn vẹn hai chiếc, như hai mẹ con côi cút. Khách được đón tiếp nồng nhiệt. Cả cơ ngơi hoàng tráng chỉ dành riêng phục vụ cho đoàn khách VIP. Cứ như mấy triệu phú Ấn Độ mua đứt cả trạm dừng cho người nhà của mình ăn sáng.

Tram dừng Mekong Long thành chỉ 'hai mẹ con". Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Tram dừng Mekong Long thành chỉ 'hai mẹ con". Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Đường cao tốc TP. HCM – Long Thành, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 55 đều vắng hẳn so với trước đây. Chỉ có cỏ cây là vô tư, không quan tâm gì đến dịch bệnh của con người. Các vườn tiêu, điều, cây ăn trái, cây cao su cứ điệu đàng trong nắng ấm. Những vườn thanh long bạt ngàn vẫn hồn nhiên, rạng rỡ khoe hoa trái, chẳng bận tâm gì việc rớt giá thê thảm. Chuyện đó là của con người, cỏ cây không can dự.

QL 55 đoạn qua Xuyên Mộc, không một chiếc xe. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

QL 55 đoạn qua Xuyên Mộc, không một chiếc xe. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Nhà hàng trưa ở Kê Gà, Hàm Thuận Nam cũng chỉ “hai mẹ con” lủi thủi. Vẫn “mẹ” cũ nhưng là “con” khác. Biển động mạnh, không một bóng người. Sóng bạc đầu cứ như gào la sao du khách nỡ nào bỏ biển. Nhận phòng ở biển Tiến Thành, khu nghỉ dưỡng 4 sao hoành tráng cũng chỉ lác đác. Ngoài “mẹ” từ Sài Gòn ra, có thêm mấy “con” từ Lâm Đồng xuống. Thêm một ít khách nước ngoài. Gió như giận ai, tung cát quất rát mặt. Đúng là “Gió như Phan”.

 Ăn trưa ở Hàm Thuận Nam cũng chỉ "hai mẹ con" với nhau. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Ăn trưa ở Hàm Thuận Nam cũng chỉ "hai mẹ con" với nhau. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Biển Kê Gà sóng bạc đầu đợi khách. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Biển Kê Gà sóng bạc đầu đợi khách. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Buổi tối, thành phố Phan Thiết “ngoan” hơn bình thường. Quán xá bớt khách nhậu nhưng không đến nỗi.

Đoàn viếng chùa Phật Quang, nơi lưu giữ báu vật Phật Giáo. Đó là bộ kinh Pháp Hoa gồm 118 bản, 60.000 từ; khắc trên gỗ thị đỏ, do ba thiền sư và 12 đệ tử, cật lực điêu khắc suốt 28 năm thời nhà Lê Trung Hưng từ 1704 – 1732; được xem là độc bản của thế giới. Thượng tọa Thích Huệ Tánh, tự nhận là bần tăng, cả đời chân đất, lì xì cho từng người và tiếp đoàn khách quý. Ông kể về lịch sử chùa và bộ kinh, cho phép từng người cung nghinh và chụp ảnh với quốc bảo Phật Giáo.

Bữa tối đặc sản bánh xèo Phượng (đường Tuyên Quang) và hải sản ở quán bờ kè sông Cà Ty làm ai cũng hài lòng với món ngon Bình Thuận.

Chân dung Thượng tọa chân đất Thích Huệ Tánh và bản khắc tranh của bộ kinh Pháp Hoa cổ. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Chân dung Thượng tọa chân đất Thích Huệ Tánh và bản khắc tranh của bộ kinh Pháp Hoa cổ. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Cận cảnh những dòng chữ chạm khắc tinh xảo hơn 300 năm vẫn rõ nét, sống động. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Cận cảnh những dòng chữ chạm khắc tinh xảo hơn 300 năm vẫn rõ nét, sống động. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhat-ky-hanh-trinh-du-lich-mua-dich-covid-19-1582084337876.htm