Nhật ký 'Lính chiến' của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 11): Chuyện tình với Ka Liêng - Cô gái Vân Kiều
Ngày 02/6/1970, anh Cò, anh Thịnh và tôi được cử đi Kon Tum lấy thuốc quân y cho Trung đoàn. Đến bãi đá cây Bòng Bong, chúng tôi tìm hang mắc võng tránh bom thấp thỏm lo âu.
Đã 2 ngày nay bầu trời miền Tây vắng tiếng máy bay, rừng già im tiếng bom gầm. Chập choạng tối 04/6/1970, chúng tôi sang đò, ánh trăng soi xuống mặt sông, nước chảy réo sao mà dễ sợ.
Những người công binh ra trận, lái con đò đưa bộ đội sang sông. Tôi ngồi phía mũi, 2 tay bám chặt mạn thuyền nghiêng ngả xuống lên. Anh Cò bảo người lái cứ bình tĩnh mà chèo.
Lên bờ, chúng tôi tìm chỗ nghỉ, ăn cơm vắt. Mắc võng xong, anh Thịnh đưa gói thuốc dê cho tôi vấn, rít hơi thuốc mà tỉnh cả người. Hôm sau chúng tôi tiếp tục đi theo đường miền Tây năm ngoái. Cứ thế cà tịch, cà tàng, ngày đi, đêm nghỉ, vượt qua những đoạn đường máy bay B52 rải thảm, lội suối băng rừng.
Tám ngày đi, 3 ngày nghỉ, ngày 12/6/1970 chúng tôi đến đường xe, Trạm 5 Sê Lọng. Thủ kho phát thuốc và cho mỗi người một ang gạo để ăn dọc đường; cũng trong ngày 12/6/1970 Mặt trận 4 sát nhập 2 Trung đoàn 36 và 38 làm một lấy tên là 38.
Ngày 13/6/1970, chúng tôi về đến sông Pô Cô, nghỉ đánh cá được một bao cát, nấu riêu lá bứa, kho quả trám và nướng.
Ngày 15/6/1970, chúng tôi về gần tới bản Bà Bừa trời cũng gần tối, nghe tiếng máy bay và tiếng bom nổ.
Từ hôm qua, Mỹ lại cho máy bay bắn phá các trục đường của ta.
Anh Cò nói:
- Nghỉ thôi để mắc võng ngóng xem tình hình sao đã. Số thuốc này với đơn vị là cực kỳ quan trọng, phải đưa về an toàn!
Chúng tôi tìm ra bờ suối tìm nơi mắc võng, che tăng. Anh Thịnh vơ củi để nấu ăn, anh Cò xách súng AK đi bắn cá. Tôi đi kiểm tra, tìm được 2 hoa chuối với một bó rau nhớt.
Lúc lội qua con suối cạn, tôi nghe tiếng gọi:
- Bộ đội ơi, lại đây giúp mình với!
Tôi đến nơi, thấy một phụ nữ Vân Kiều ngồi dưới gốc cây trám trắng, một chân chảy máu đỏ lòm. Tôi hỏi:
- Đồng bào làm sau vậy?
- Mình trúng bom thằng Mỹ ở đằng kia. Chạy đến đây đau không đi được nữa. Mình nằm đây từ sớm tới giờ, bộ đội có thuốc cho mình với?
Tôi xem vết thương, thấy đùi trái của người phụ nữ bị rách một miếng chừng 2 cm, không gãy xương, không có mảnh găm. Tôi động viên:
- Không bị vào xương thì không sao. Nó tấy đau rồi khỏi thôi mà. Cứ ngồi đó, để bộ đội về lấy băng ra băng cho.
Tôi mang rau về cho anh Thịnh, cầm cuộn băng đến chỗ cô gái rồi rút dao găm cắt chỗ váy rách lau vết máu, gỡ cuộn băng quấn chặt vết thương, dìu chị đứng dậy. Người phụ nữ xua tay, nhăn mặt vì đau:
- Đau hung, không đi nổi đâu.
- Nhà ở mô?
- Bà Lừa, bộ đội đưa mình về được không? Mình đi từ bữa qua, cha mình trông hung đó.
Tôi trải ni lông đặt chị vào túm lại, bê chị lội dọc suối, về đến chỗ nghỉ bảo anh Thịnh rải lá chuối khô cho chị nằm. Lúc ấy anh Cò đem về một đùm ốc với vài cân cá. Anh Thịnh bảo tôi:
- Sẵn có thuốc đó, Thậm tìm penicillin tiêm cho cô ấy đi.
- Nhưng em đã học làm y tá tiêm bao giờ đâu?
- Cứ tiêm đại đi, cứu người không sao đâu!
Tôi tìm lấy một lọ thuốc penicillin và nước cất, lóng ngóng pha chế, rồi tiêm đại một lọ cho người phụ nữ.
Chúng tôi cùng ăn cơm tối. Tôi hỏi chị Vân Kiều:
- Chồng làm gì? Được mấy con rồi?
- Mình chưa có con, chồng bị Mỹ bắn chết đã 2 mùa rẫy rồi. Mình mới có 20 tuổi đã hóa chồng. Mình căm thù Mỹ lắm, giờ đang ở với cha.
- Nhà có được nhiều ngô lúa không?
- Nhiều lắm, ở rẫy kia, bộ đội muốn ăn đi mà lấy. Bộ đội cứu mình, mình biết ơn bộ đội nhiều. Mình không tiếc củ mì, hạt lúa đâu. Mình ủng hộ Cách mạng để đánh Mỹ trả thù cho chồng mình đó.
Cả đêm chúng tôi nấu nướng, luộc sắn, làm bánh sắn, nấu cháo ăn.
Ngày 16/6/1970, ăn sáng xong, anh Cò chặt một đòn khiêng, buộc võng; 2 anh khiêng thương. Tôi thì đeo gùi, mang súng AK lội suối, chui rừng, gần trưa thì tới bản Bà Lừa. Cô gái chỉ cho chúng tôi đến một nhà sàn ở phía đông bản.
- Đó, nhà của mình đó, tới luôn đi!
Chúng tôi thấy một người đàn ông đi ra, đứng khựng lại, trố mắt nhìn và hỏi:
- Ka Liêng, mày làm sao vậy?
- Máy bay Mỹ bắn, may gặp bộ đội giải phóng. Bộ đội cho thuốc tiêm, cho ăn rồi còn rước về đây đó.
Người đàn ông quỳ xuống, lạy chúng tôi như tế sao:
- Bộ đội Bok Hồ tốt với đồng bào hung. Mình sẽ cúng Giàng cầu cho bộ đội bắn cháy máy bay Mỹ, diệt hết Mỹ để trả thù cho đồng bào Vân Kiều!
Trẻ con, người lớn trong bản kéo đến ồn ào và náo nhiệt. Có 2 phụ nữ dìu A Ka Liêng vào nhà. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Vân Kiều rồi thay băng, rửa vết thương.
Một phụ nữ nhai lá thuốc đắp vào, động viên Ka Liêng:
- Yên tâm nha, mai mốt khỏi đó!
Rồi mấy người mang chuối, mía đến cho chúng tôi:
- Bộ đội Cụ Hồ tốt bụng, đồng bào ủng hộ đó.
Người đàn ông bảo chúng tôi đi suối tắm rồi mắc võng ngủ.
Tôi vấn thuốc rê hút trong lòng nhẹ nhõm làm sao.
12 giờ trưa 16/6/1970, người đàn ông chủ nhà dẫn một người đàn ông Trưởng bản tuổi ngoài 60 tới. Ông tóc hoa dâm bạc, râu xồm, với 2 thanh niên, thanh nữ đi cùng, mang đồ ăn, rượu tà tạc đến. Họ bày biện ra sàn nhà, thịt nai, cơm nếp cẩm, thịt lợn rừng khô. Người đàn ông Trưởng bản rót rượu vào duộc tre đưa cho mọi người rồi hô:
- “Đăng cu té”! (Uống rượu đi).
Chúng tôi cũng “Đăng cu té” theo, rồi ăn cơm nếp, uống rượu với thịt rừng. Một bữa tối thật đã đời.
Sau bữa ăn, Trưởng bản cầm cái điếu cày dài 80 cm, to bằng bắp tay (có trám hình người Tây Nguyên, đóng khố, cầm lao) mồi lửa hút trước, hô:
- “Đăng cu hót”!
Rồi lần lượt đưa chúng tôi, nói bằng tiếng phổ thông lơ lớ:
- Hút đi, sướng hung đó!
Sau đó, Trưởng bản đứng dậy vẫy tay cho tụi con trai, con gái ra về. Chúng tôi lên võng ngủ, còn 2 cha con ngồi bên bếp lửa giữa sàn nhà. Cô gái Vân Kiều khều củ sắn lùi trong bếp than, cầm que gõ nghe bộp bộp, rồi đưa cho tôi:
- Bộ đội ăn đi, ngon hung đó!
Cô đưa cho 2 người còn lại mỗi người một củ. Sau khi về tới nhà, đã được thay đồ sạch, ăn uống nghỉ ngơi, tôi thấy cô gái tươi tỉnh và nhìn khác hẳn. Tôi hỏi:
- Tên em là gì? Má đâu rồi?
- Mình là Ka Liêng, má chết rồi, chỉ còn ba mình đây thôi. Ba mình nuôi mình từ bé, lấy chồng cho mình. Thằng Mỹ bắn chết chồng bây giờ mình lại về ở với ba… Bộ đội có ưng mình không?
Cô gái bất ngờ hỏi. Tôi ngượng nghịu cười và bảo:
- Ưng chứ.
- Bộ đội ở lại với mình đi. Mình cũng thương bộ đội. Anh không phải làm chi, ở nhà với con thôi.
- Ừ, nhưng bộ đội còn phải đi công tác, đem thuốc về xuôi cho đơn vị đánh Mỹ. Thằng Mỹ cút, thì bộ đội về đây ở với đồng bào, được không?
- Mình chờ. Bộ đội không được lừa mình. Tội mình lắm.
- Ừ, chữa cho khỏi chân đi, bộ đội sẽ về cùng đồng bào phát rẫy, làm nương, săn bắn thú.
Ngày 17/6/1970, người đàn ông Vân Kiều, bố của Ka Liêu bảo anh Cò và anh Thịnh:
Chúng mày theo tao đi rẫy kiếm con sóc, con gà rừng, củ mì, cái bắp…
Cả 3 người mang gùi, xách súng, vác rựa đi rồi.
Tôi nằm trên võng vấn thuốc hút. Ka Liêng bảo:
- Bộ đội thay băng hộ mình với.
Tôi lấy ca hòa nước muối rửa vết thương, sau đó tôi tiêm cho Ka Liêng 1 lọ penicillin nữa. Có kháng sinh, vết thương khô miệng, cô gái đi lại bình thường.
Ka Liêng hỏi:
- Bộ đội nhà ở đâu?
- Ở xa lắm, mãi miền Bắc kia. Nói Ka Liêng cũng không biết đâu, chỉ biết thế thôi.
- Anh đã lấy vợ chưa?
- Chưa có người con gái nào thương anh.
- Có thiệt không? Ka Liêng thương anh nè.
- Không được đâu, nhà ở xa không biết đường về, anh còn đi đánh Mỹ, đến khi đó thì em đã già, thiệt cho đời con gái của em. Hãy lấy chồng đi.
- Em không thích đàn ông Tây Nguyên, chỉ thích bộ đội thôi!
Chưa hết một tuần, vết thương trên đùi của Ka Liêng đã lên da non. Ka Liêng bảo:
- Hôm nay bộ đội đưa mình đi tắm nha.
Ngày 21/6/1970, tôi theo cô gái lên gò, nhìn về hướng bến Ràng, Thạch Mỹ, máy bay địch vẫn không ngừng bắn phá chả biết lúc nào mới thôi. Tôi ngồi trên bờ, canh chừng cho Ka Liêng xuống tắm…
Khi chúng tôi về đến bên nhà thì thấy anh Cò đang vặt lông con gà rừng, anh Thịnh chẻ củi. Tôi đi lại cùng vặt lông mấy con sóc.
Anh Cò hỏi:
- Các cậu vui chi mà quên cả tối thế?.
Người đàn ông dọn cơm trên nền nhà sàn, rượu tà vạc rót ra bát, chúng tôi ăn uống no rồi. Người đàn ông nói:
- Máy bay Mỹ còn đánh phá, ở đây mai mốt hết bom bộ đội hãy về.
Tôi mang võng ra gốc cây mắc ngủ còn 2 anh ngủ trong nhà cùng gia chủ. Một lúc Ka Liêng đến nói nhỏ:
- Bộ đội ở lại cùng em đi. Ka Liêng không có anh em khổ lắm.
- Thì anh cũng vậy. Nhưng phải đợi đánh đuổi hết Mỹ, anh sẽ về. Anh nhớ Ka Liêng, yêu Trường Sơn, yêu con suối Chư Lây, Chư Pha mà.
- Bộ đội nói thế thì em yên cái bụng, hàng ngày em trông ông mặt trời lên, hàng đêm em nhìn ông mặt trăng đến. Mỗi khi mặt trời khuất núi Chư Lây thì em đem con nhựa đánh dấu vào cây Pơ Lang để tính thời gian. Mỗi ngày em lên núi Chư Pa để trông theo lối anh đi, em sẽ chờ mãi cho đến khi tóc em trắng như hoa kơ nia, chân em không lên nổi dốc Chư Pa.
Tôi bất ngờ, khi Ka Liêng nói như đọc thơ vậy. Khả năng diễn đạt của cô gái Vân Kiều này thật tuyệt vời. Rồi cô bất ngờ đưa cho tôi gói nhỏ:
- Món tóc này là của Giàng cho, hãy giữ lấy. Anh qua 9 con suối, vượt 10 ngọn núi, đi khắp Đông Dương. Mùi thơm của tóc lúc nào cũng phảng phất để anh không quên Ka Liêng hơn nửa đời còn lại trông chờ.
Tôi không có gì để làm kỷ niệm, lúc hút thuốc, tôi lần túi lấy bật lửa có cả một chùm bấm móng tay, mở hộp, dút dép, cùng sợi dây hạt lấy ở dù pháo sáng; tôi đeo vào cổ Ka Liêng, em giữ vật này để làm kỷ niệm nhé.
Không cưỡng lại mình được nữa, tôi ôm lấy Ka Liêng, ôm thật chặt.
Ka Liêng sung Sướng ôm lấy tôi, hôn lấy hôn để…
Ngày 22/6/1970, ăn sáng song, Ka Liêng bảo tôi:
- Bộ đội đi rừng với em. Có chỗ này hay lắm, sẽ tìm được nhiều thứ cần dùng đó!
Tôi gật đầu, như tuân lệnh vô điều kiện.
Ka Liêng đeo gùi mang dựa. Tôi thắt lưng, lựu đạn, lấy khẩu K54 và hộp đạn theo Ka Liêng. Qua một con suối nhỏ, đến khu rừng bằng phẳng cây cổ thụ cao to che kín. Dưới mặt đất là bãi tha ma, có hàng trăm nhà mồ. Trong nhà mồ có các dụng cụ gia đình, gùi, dao quắm, gà, cho, lợn con, quần áo, ống nước.
Nếu không có Ka Liêng thì tôi cũng sợ hết vía. Những áo quan đục bằng cả cây gỗ để trong nhà mồ không chôn; vải xanh đỏ treo khắp nơi, một quang cảnh âm phủ diễn ra, khiếp quá, có mùi thối, tôi kéo Ka Liêng, đi thôi!
Đi thêm chừng cây số, đến ngã 3, một đường đi phía Bắc, một đường ngược dốc đi lên. Chúng tôi lên dốc, trên đỉnh là bãi trống, từng là nơi đổ bộ của quân Mỹ, có sân bay dã chiến. Mỹ từng đặt tại đây 3 khẩu 105, bây giờ chúng đã cẩu đi chỉ còn lại bãi chiến trường.
Thì ra Ka Liêng dẫn tôi đến trận địa cũ của bọn Mỹ để bới tìm chiến lợi phẩm. Đúng là nhiều thứ cần dùng thật. Chúng tôi gom nhặt được 17 hộp đồ ăn các loại. Có cả một khẩu M72 LAW (loại súng phóng đạn chống tăng) và 4 quả lựu đạn US. Ka Liêng còn tìm được một khẩu súng tiểu liên AR15. Tôi bảo có súng phải đi kiếm đạn. Đạn M72 chỉ còn có mấy quả, nhưng đạn AR15 thì bọn Mỹ vứt lại rơi vãi nhiều, chúng tôi gom lại được khoảng 400 viên. Tôi đổ bao cát, cho súng AR15 vào đeo ở phía sau lưng, đồ hộp, đạn và lựu đạn đựng trong gùi của Ka Liêng.
Ka Liêng nói:
- Em lượm được súng thì súng là của em, bộ đội không giành được nha.
- Nhưng Ka Liêng có biết bắn súng đâu?
Ka Liêng chề môi:
- Anh chưa biết, nên coi thường em thôi. Em là Xã đội trưởng thứ 2 của xã Ka Bốc đó. Em đã đánh Mỹ đổ bộ 7 lần, giết được 12 tên. Em là “Dũng sĩ diệt Mỹ” nè. Không tin về, anh hỏi ba coi.
Tôi thật sự bất ngờ và ngạc nhiên khi nghe Ka Liêng nói thế.
- Thôi được, những thứ chiến lợi phẩm kiếm được hôm nay là của em tất!
Ka Liêng thích quá ôm lấy tôi hôn một cái, cười.
Bỗng một tốp 3 chiếc, 2 trực thăng HU1D hình cá lẹp, một trực thăng OH6 hình cán gáo từ phía tây bay liệng lại.
Chúng tôi không kịp chạy, vội vơ các thứ nhảy xuống một cái hố bên cạnh, ở dưới có miếng vải bạt và mấy cái bao tải. Theo phản xạ, tôi kéo bạt đắp cho 2 người, lắp đạn cho cả 2 khẩu M72 và AR15, sẵn sàng chiến đấu.
Tốp máy bay lượn đi lượn lại trên cao điểm. Một chiếc phóng 2 quả rốc két, bắn đại liên uy hiếp. Chiếc tàu gáo vè vè, hạ thấp độ cao bay vòng xuống thung lũng, ném mấy quả lựu đạn. Chiếc HU1D đỗ ngay xuống cao điểm thứ 2. Từ trong máy bay, tôi đếm thấy 6 tên Mỹ nhảy ra cầm vũ khí đi lùng sục chung quanh, phóng lựu và bắn tiểu liên.
Tôi đội chiếc bao tải thò đầu khỏi mặt đất theo dõi quân Mỹ và máy bay. 2 ngọn đồi cách nhau 100 m. Chu cha, quân Mỹ ở đâu đến nữa, dẫn theo 2 tù binh, một bộ đội và một người dân Vân Kiều.
Tôi nhìn kỹ, suýt nữa kêu lên:
- Anh Cò. Chúng bắt được anh Cò rồi.
Ka Liêng thò đầu lên coi:
- Ủa ba em kìa. Mỹ bắt ba em rồi. Làm răng đây?
- Em yên yên tâm!
Không hiểu sao, lúc đó tôi hành động rất nhanh. Tôi kéo quả đạn M72, nhằm chỗ quân Mỹ cụm 6 tên bắn. Thằng chết, thằng bị thương cả cụm. Tôi tỳ súng tiểu liên AR15 lên miệng hầm bắn vào máy bay. Chiếc HU1D đang phành phạch, thấy tiếng súng nổ bay bổng lên vòng ra xa không dám xuống nữa.
Trong lúc quân Mỹ đang hỗn loạn, thì anh Cò và ông già Vân Kiều vùng chạy xuống, thoát khỏi bọn địch. Thấy vậy, tôi bắn thêm quả M72 nữa. Quân Mỹ chạy dạt cả xuống phía đông bắc.
Ka Liêng kêu lên:
- Đeo gùi vào, chạy thôi anh ơi!
Chúng tôi nhào khỏi hầm chạy vào rừng phía Tây Nam. Trời ơi, núi cao vách đứng, cây rừng rậm, xuống làm sao đây? Một cái dông thoải dần về phía Tây. Ka Liêng kêu to:
- Anh theo em nha!
Rồi giục tôi cứ lần bám rễ cây leo tụt xuống 100m. Sau đó, chúng tôi rúc rừng đến khe nước.
Lúc này là 17 giờ ngày 22/6/1970, trong rừng đã âm u tối, không thể đi được. Ka Liêng bảo:
- Mình nghỉ ở đây mai đi tiếp, đi bây giờ không biết đường mô.
Bên bờ suối có một hang đá, chúng tôi đến dọn dẹp, cắt lá chuối khô rải, kiếm một đống củi đốt thâu đêm. Chúng tôi thay nhau người gác, người tắm sau đó khui hộp ăn, có bánh bích quy, thịt 3 lát, thịt hộp, dứa hộp.
Chúng tôi nằm bên nhau, trên đống lá trong hang, vũ khí để cạnh. Tôi vấn thuốc hút, Ka Liêng nói:
- Anh à, đi đánh Mỹ cứ như bữa ni em đi cả đời được!
- Sao nói vậy?
- Có anh chứ răng.
- Anh cũng vậy. Ước gì em được ở với anh mãi.
- Anh cũng thế.
- Nghe anh nói mà em mát ruột hung đó!
Ka Liêng nằm sát lại gần tôi.
Đêm ấy, tôi mơ một giấc mơ hạnh phúc thật đẹp giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vi. Tại sao đi đánh Mỹ, người ta lại không có quyền nghĩ về hạnh phúc nhỉ? Bộ đội Cụ Hồ cũng là những con người bình thường cơ mà!
Khi tôi thức giấc tỉnh dậy đã 2 giờ đêm, rạng ngày 23/6/1970.
Chợt nhớ giấc mơ hạnh phúc của mình, tôi quờ tay nhưng không thấy Ka Liêng đâu. Tôi ra ngoài, thấy em đang ngồi bên đống lửa chụm củi cho cháy. Ka Liêng mỉm cười, rồi hỏi:
- Anh đang nghĩ gì mà thừ ra vậy?
- Nghĩ về về em thôi.
- Nghĩ về em cái chi?
- Anh thương em.
- Em cũng thương anh nhiều hơn là anh thương em…
Đang lúc tâm sự thì dưới suối có tiếng quẫy nước. Ka Liêng với súng AR15, tôi rút súng ngắn. Chúng tôi lùi lại trong bóng tối cảnh giác đề phòng. Tiếng quẫy nước càng mạnh, rồi một vật đen trắng từ suối tiến lên. Đó là một con trăn gió dài khoảng 5 mét, đến gần đống lửa, há miệng phun nước dập tắt lửa.
Ka Liêng bình tĩnh bảo:
- Giống này hễ thấy lửa là lần đến, đánh hơi từ mùi khói, nó phun nước dập tắt lửa là để ăn than. Người già bảo nó chuyên “theo đóm ăn tàn” mà.
Lửa đã tắt, ngoài rừng tối om. Sợ con trăn ăn than xong chui vào hang thì khốn, tôi bảo Ka Liêng:
- Không nhìn thấy nó, nên bắn không được. Em nằm xuống để anh ném lựu đạn.
Tôi nép vào kẽ hang rút quả lựu đạn Mỹ nhằm hướng đống lửa ném ra.
Một tiếng “oành”, con mãng xà trúng thương quẫy mình, gạt đuôi làm cho đống than chưa tắt hết tung lên sáng rực. Nó lao đánh ầm một cái xuống khe giãy giụa, nước tung tóe lúc sau thì im hẳn. Chúng tôi cũng không dám ra, 2 người cùng ngồi trong hang chờ sáng.
Tôi vẫn thuốc hút, xem đồng hồ mới 3 giờ 10. Bỗng một tiếng “bép”, rồi lại “bép” nghe rùng rợn. Tiếng này tôi chưa thấy bao giờ.
Ka Liêng hồi hộp dựa vào người tôi, như muốn tìm sự che chở:
- Anh ơi, tiếng cọp beo đi ăn đêm đó. Không được lên tiếng nghe.
Bỗng một tiếng gầm làm rung chuyển núi rừng. Ka Liêng ôm chặt lấy tôi. tiếng bước chân dậm dịch, một vật đen lù lù đi qua cửa hang. Tay tôi cầm súng AR15 hướng ra cửa hang mà cứ run cầm cập.
Quay đi quay lại, đã thấy con cọp ngồi ngay cửa hang, nó quay lưng vào, miệng nhai chóp chép. Mùi hôi thối xông vào tận bên trong. Bên ngoài, một con hoẵng đi đến bờ suối kêu 2 tiếng “oác oác”. Con cọp đang rình, thấy con mồi tới từ cửa hang phi ra như bay, nhẹ như tên, đè con hoẵng, cắn chết, ngoặm cổ vượt qua suối chạy về phía đông bắc.
Cuộc chiến sinh tồn trong tự nhiên là vậy. Rừng núi im lặng lạ kỳ. Tôi vẫn ôm Ka Liêng trong tay, nghẽ rõ từng nhịp tim em đập thình thịch…
Lúc này đã mờ sáng, hú vía đêm nay.
Đi chuyến này phải giờ xấu nên gặp toàn chuyện khủng khiếp. Nghe người ta kể: Nếu cọp bắt được người, đầu tiên thì nó móc 2 con mắt, sau cấu đít rứt ruột ăn hết bộ lòng. Lưỡi hổ sắc như dao, liếm cho sạch tóc, rồi liếm lật da đầu, móc lưỡi gặm hết thịt, cắn đốt cổ, xé toạc da bụng, da lưng, gặm hết thịt trừ đầu lâu, xương dóng, còn thì nhai tuốt, nuốt vào dạ dày, 2 ngày sau tuồn ra một đống lổn nhổn lẫn xương… Nghe mà khiếp đảm.
*
Giấc mộng ở hang không còn nữa. Ăn hộp xong tôi bảo Ka Liêng:
- Đi thôi. Đi đánh Mỹ chết còn vinh dự. Ở trong hang này chết vì thú rừng thì thật không đáng.
Chúng tôi đeo bồng, mang súng đi xuôi suối chừng 100m, thấy con trăn đêm đoạn chết nổi dưới khe. Luồn rừng đi 3 tiếng thì chui ra được đường trục. Ka Liêng kêu lên, đây rồi, đường ni em quen không sợ nữa. Lúc này là 11 giờ trưa 24/6/1970.
Chúng tôi đi một tiếng nữa thì đến ngã ba đường bãi tha ma hôm qua. Mừng quá, tôi ôm lấy Ka Liêng:
- Vậy là chúng mình không chết nữa rồi!
Về đến con suối gần nhà, chúng tôi tắm giặt nghỉ ngơi trong bụi cây trứng cá có hòn đá to và phẳng.
Ka Liêng bảo:
- Đến đây nghỉ anh ơi!
Rồi em đi chặt một ôm lá dải nằm cho êm.
Mệt quá, tôi hút chưa hết điếu thuốc vấn đã đờ ra. Ka Liêng đã ngáy đều đều. Khi thức dậy đã 15 giờ chiều, chúng tôi thu dọn ra về, lên đến mặt gò nhìn thấy khu nhà Ka Liêng có nhiều người.
Đến gốc cây so đũa thì 2 người con gái chạy ra đỡ gùi cho Ka Liêng. Họ dồn dập hỏi:
- Đi đâu để mọi người trông hoài vậy? Ba mi bị Mỹ bắt, sắp chết ở đồi Mỹ đổ bộ, nhưng may được bộ đội đánh cứu nguy. Giờ ba mi và anh bộ đội chạy thoát về đây rồi.
Chúng tôi vào nhà, anh Cò kể:
- Sáng hôm qua bảo anh Thịnh ở nhà, tao với ông già Vân Kiều đi kiếm măng và kiếm sắn. Khoảng 9 giờ lúc chúng tao đang bới măng thì một Tiểu đội Mỹ xuyên sơn ập đến bắt sống tụi tao. Chúng dong lên bãi đổ bộ gọi trực thăng đến bốc… Nhưng may mà có bộ phận trinh sát Đặc công của đơn vị nào không rõ bắn cho 2 quả rốc két với tiểu liên AR15 nổ dèn dẹt, quân Mỹ chết gần chục tên, số còn lại bỏ chạy; tao với ông già nhân cơ hội ấy mà trốn được. Xuống đến khe núi 2 người cởi trói cho nhau.
Ka Liêng cười:
- Anh bộ đội nè, không có tụi em, thì giờ này ông già và anh đã nghỉ mát ăn dưỡng ở nhà lao Đà Nẵng rồi, còn đâu mà ngồi nói nhăng nói quậy nữa.
Anh Cò sửng sốt:
- Thế lúc ấy các cậu cũng ở trên bãi đổ bộ à?
Ka Liêng hất hàm nhìn sang tôi bảo:
- Hỏi anh ni thì rõ.
Tôi tường thuật câu chuyện từ sáng hôm qua đến giờ cho mọi người cùng nghe. Ông già Vân Kiều vỗ đùi kêu lên:
- Giàng ơi! Mày là bộ đội Bok Hồ giỏi hung. Mang rượu ra đây, uống mừng tạ ơn Giàng và bộ đội Bok Hồ!
Ông già múc 3 duộc tre, đưa cho chúng tôi:
- Không có bộ đội chúng mày, con gái tao đã chết, tao cũng chết. Uống dô. Tao cho không bộ đội ni (chỏ vào tôi) con Ka Liêng. Không có lễ lạc gì hết. Ngay bây giờ, hai đứa tụi bay ra ngoài cầu Giàng làm lễ kết hôn đi.
Anh Thịnh bịt mồm cười. Tôi thì lúng ta lúng túng. Anh Cò lên tiếng:
- Sợ cái gì cơ chứ, việc ở đây cũng là nhiệm vụ Công tác Dân vận và xây dựng tình đoàn kết quân dân “như cá với nước” đó. Không chấp hành không được!
Một cô gái vân kiều dắt Ka Liêng ra ngoài sàn. Anh Cò bảo tôi:
- Thì mày cứ ra ngoài làm lễ với nó cho ông già yên tâm đi. Mai mốt rồi chuyện đâu khác có đó.
Tôi và Ka Liêng quỳ ở sàn ngoài hướng về phía Tây ông mặt trời. Người Trưởng bản râu xồm hôm nọ hô: “Ích sinh khô tô lô toác lóc”. Ka Liêng hô theo: “Ích sinh khô tô lố toòng loang”.
Tôi cũng nói theo: “Toòng loang”, rồi 2 người cùng vái dạp ba lần, xong bưng bát nước uống…
Rượu tà vạc rót ra mỗi người một bát. Uống xong tất cả vỗ tay, mọi người cười nói vui vẻ rồi ra về hết.
Chúng tôi đi nấu ăn, còn 12 hộp thịt chiến lợi phẩm bổ tất liên hoan. Ông già Trưởng bản quên cái điếu quay lại. Ba Ka Liêng mời ngồi xuống ăn cùng.
*
Ngày 30/6/1970, máy bay địch không còn đánh phá nữa. Đã tới lúc chúng tôi phải chia tay với cha con Ka Liêng rồi.
Bà con dân bản đem ngô, chuối, mía cho bộ đội. Tạm biệt miền Tây yêu quý với những núi rừng sông suối ở đây. Chúng tôi ra đi hẹn ngày trở lại. Ka Liêng đưa chúng tôi đến bến đò Ràng.
Ơi người con gái Trường Sơn, hẹn gặp lại nhé!
Ka Liêng đứng đó nhìn theo, chúng tôi lên bờ trông lại. Em đứng trên hòn đá, vai đeo khẩu AR15, gió thổi tóc mây bay trông như thiếu phụ vọng phu.
- Nhớ trở lại… Em chờ…
Chúng tôi đi khuất sau rặng rừng thưa, xa dần xa dần.
Tiếng tôi trong núi vọng lại:
- Anh sẽ về…
Tôi tự hứa với lòng mình: Sẽ ghi nhớ mãi tình cảm của Ka Liêng và bà con Vân Kiều!
(Còn nữa)
Đ.V.H
Trái tim người lính