Nhật ký những cung đường nước Đức - Bài 3: Duyên dáng miền nho Rodt unter Rietburg và Sankt Martin

Gần 20 năm rồi mới quay lại nơi đã để lại ấn tượng mạnh ngay từ lần gặp đầu tiên. Ngày ấy đi xe hơi chạy vèo qua phố trong vòng một nốt nhạc.

Năm phút thôi, vậy mà quá đủ để mãi nhớ và tự hứa sẽ có ngày quay lại thị trấn nhỏ xíu này. Không phải chỉ vì nơi đây có đồi nho còn đang khai thác cổ nhất thế giới với hơn 300 gốc nho cổ thụ giống Traminer xuất xứ từ Ý, không phải chỉ vì cách đây không xa còn nhiều phế tích pháo đài vẫn oai nghiêm, lừng lững trên đồi cao. Quay lại, có lẽ nhiều hơn vì vẻ lặng lẽ đầy duyên dáng mà một nơi chốn có khả năng ghi dấu sâu đậm vào lòng lữ khách tôi mấy mươi năm trời.

Thị trấn, gọi là làng có lẽ đúng hơn, chỉ có một con phố chính duy nhất và những con hẻm nhỏ lên xuống trong thung lũng, giữa những đồi nho. Buổi sáng của ngày đầu tuần vắng lặng, cái yên ắng quá đỗi thanh bình mà người đô thị nào cũng luôn ao ước. Phố hẹp, chạy hun hút giữa hai dãy nhà cổ mái ngói đỏ au, mỗi cái một kiểu: Fachwerk đặc trưng vùng Nam Đức, Baroc, Classic...

Con đường làng từ Maikammer đi bộ tới Sankt Martin và Edenkorben - được gọi là Con đường Thánh giá (Way of Cross) - là một trong những đoạn đẹp nhất của hành trình Con đường Rượu vang - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Con đường làng từ Maikammer đi bộ tới Sankt Martin và Edenkorben - được gọi là Con đường Thánh giá (Way of Cross) - là một trong những đoạn đẹp nhất của hành trình Con đường Rượu vang - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Những dấu ấn của các thời kỳ lịch sử một vùng đất 1.200 năm tuổi hiển hiện hôm nay qua các mái nhà, những khung cửa sổ đầy dây nho, hoa và muôn loài dây leo đang lặng lẽ thay màu lá theo sự chuyển động của mùa. Phố hẹp tới độ hai xe hơi ngược chiều luôn phải dừng lại nhường đường cho nhau. Phố hẹp tới độ không có vỉa hè và người đi bộ luôn qua đường hay tiến lên nhờ những cái vẫy tay và nụ cười của người ngồi trong xe. Phố hẹp, nên người sao mà gần quá. Người lạ, người quen không còn là khái niệm. Nắng chiếu qua những khung cửa sổ kính hiếm hoi của vài tiệm ăn, quán cà phê, phản chiếu cái rực rỡ của mùa bình yên. Nắng hắt những nụ cười của người không thấy mặt lên cửa kính chiếc xe đang lướt qua khách bộ hành.

Và người quen gửi người lạ một nụ cười đáp trả.

Bước vào một quán cà phê có vách ngăn hững hờ là một hàng rào cây nhỏ. Bên kia rào là phố. Sau những dàn hoa tím, rặng lá đang đổi màu là mạch sống đang chậm rãi lan theo từng khắc của ngày, theo từng vòng bánh xe quay. Bên này - nơi tôi ngồi, mùi expresso thơm đậm, từ từ tỏa ra, lan theo gió...

Như bao phố cổ nhỏ bé khắp miền Đông-Tây nước Đức, Rodt là nơi tôi luôn muốn tìm về, để lắng mình trong chậm rãi. Để nhìn đời rõ hơn, nhìn mình rõ hơn.

Con đường làng từ Maikammer đi bộ tới Sankt Martin và Edenkorben - được gọi là Con đường Thánh giá (Way of Cross) - là một trong những đoạn đẹp nhất của hành trình trên cung đường Rượu vang. Chỉ có đi bộ mới có thể xuyên qua những đồi nho, mới thấy được những ngôi làng cổ giữa chập chùng màu sắc trên cao, hít hà hương thơm của đất trời và thấy mình tự do như chưa từng thế bao giờ.

Chặng đường từ Maikammer đi bộ tới Sankt Martin khoảng 7 - 8km, nếu đi một mạch sẽ hết khoảng 1 tiếng 45 phút, nhưng chúng tôi vừa đi vừa chụp hình hết gần nửa buổi sáng bởi cảnh sắc nơi đây lôi cuốn. Khi Sankt Martin hiện ra trước mặt, chúng tôi thực sự phấn khích. Ngôi làng bé nhỏ cổ kính hiện ra trên đồi cao, như bước ra từ một bức tranh thần thoại thời Trung cổ. Ngôi làng được bao quanh bởi những ruộng nho, tháp chuông phong cách hậu Gotic của nhà thờ Sankt Martin, vị Thánh bảo trợ của làng, nổi bật trên những mái nhà ngói đỏ nhấp nhô. Làng được thành lập từ thời La mã, nơi đây được ví như thiên đường vì vẻ đẹp duyên dáng, vì rượu vang ngon, ẩm thực phong phú cùng nhiều thứ khác nữa.

Đường đến Sankt Martin - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Đường đến Sankt Martin - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Ngôi làng chỉ rộng có 11km2 với chưa tới 2.000 dân. Toàn bộ người dân ở trong làng sống bằng nghề trồng nho và làm rượu vang. Lễ hội Rượu vang ở Sankt Martin thường được tổ chức vào cuối tuần đầu tiên của tháng 8, với sự hiện diện của tất cả các loại rượu ngon trong làng, các món ăn, âm nhạc truyền thống và chợ ngoài trời. Muốn tìm hiểu về quá khứ Trung cổ của làng, hãy vào nhà thờ, thăm Bảo tàng rượu vang và lịch sử, thăm khu tưởng niệm Nhà thơ (Dichterhain, vinh danh ba nhà thơ nổi tiếng từng sống và cống hiến cho vùng Pfalz ở thế kỷ 19 và 20). Nếu bạn ưa mạo hiểm, hãy leo núi (hiking) trên con đường đá phủ đầy rêu, tới Biển đá (Felsenmeer) giữa rừng, tận mắt chứng kiến những vết cắt được tạo ra từ những tảng đá khổng lồ cách đây hàng trăm năm. Quanh ngôi làng nhỏ Sankt Martin có vô số những con đường như thế cho những tâm hồn yêu thiên nhiên khám phá.

Lâu đài Kropsburg được xây dựng vào thế kỷ thứ 13, ngày nay là nhà hàng Castle Tavern, cũng là nơi chúng tôi thử rượu vang và dùng bữa trưa, sau tour thăm quan đồi nho đầy lý thú. Riêng tại Pfalz có tới 34 loại nho trắng và 27 giống nho đỏ được cấp phép trồng. Bên cạnh những loại nho thường gặp như Shiraz, Cabernet Sauvignon, Merlot, Pinot Noir... ở đây còn có loại nho đặc biệt mang tên “Nho hồng Sankt Martin”, trái mọng nước màu hồng nhạt, vị cay ngọt, gần như không hạt. Đặc sản của vùng còn phải kể tới giống St. Laurent và Muscat, những giống nho cho ra loại rượu vang hương vị vô cùng đặc biệt.

Ngoài các dòng vang trắng, đỏ nổi tiếng, ngôi làng có truyền thống thú vị là làm rượu đá.

Truyền thống làm rượu đá có từ năm 1830 khi những người chủ lò rượu tình cờ phát hiện ra rằng những trái nho đóng băng cho ra thứ rượu có hương vị ngọt tuyệt vời. Chỉ những trái nho tồn tại được và đóng băng trên thân cây tới tháng 1, 2 trải qua mùa băng giá ít nhất là 7 độ âm, lý tưởng là 10-12 độ âm, mới có thể dùng để làm ra loại rượu đặc biệt này. Mỗi mùa nho chỉ có khoảng 5-10% sản lượng nho có thể sử dụng làm rượu đá, với điều kiện thời tiết thuận lợi. Những trái nho này đặc biệt phải hái và ép vào sáng sớm. Tinh chất nước nho ở dạng đá là ngọt nhất và độ cô đặc được chiết xuất ở mức cao nhất, vì có điểm đóng băng thấp hơn nước.

Trong những ngày lang thang trên Con đường Rượu vang này, chúng tôi đã thử hầu hết các loại vang và thăm bao nhiêu hầm rượu, đến giờ tôi không thể nhớ hết. Học được rất nhiều điều thú vị về nho, về người, về nghệ thuật làm rượu vang và bao nhiêu điều mới lạ ở nước Đức, nơi tưởng như đã vô cùng thân quen.

Ngôi làng Sankt Martin - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Ngôi làng Sankt Martin - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Thu trong rừng Pfalz ở Bad Bergzaben

Nằm ở phía nam của Con đường Rượu vang gần biên giới Pháp trong khu bảo tồn rừng thuộc bang Rheinland-Pfalz, Bad Bergzabern là một thị trấn nghỉ dưỡng có trung tâm là những ngôi nhà cổ thế kỷ 16/17 đẹp đẽ như đa phần các thị trấn và làng cổ trên con đường Rượu vang. Nơi đây cũng có rất nhiều khách sạn theo tiêu chí nghỉ dưỡng và nhiều điểm thăm quan lý thú. Nhưng điều hấp dẫn nhất với tôi lại chính là khung cảnh thơ mộng của Bad Bergzabern nhờ những cánh rừng vào mùa thay lá. Pfälzerwald là vùng rừng lớn nhất nước Đức với diện tích 180.000ha. Từ năm 1992, cùng với Nordvogessen thuộc Elsass (Pháp), khu vực rừng rộng lớn này chính thức được Unesco công nhận là khu Dự trữ sinh quyển xuyên biên giới Pfälzerwald-Nordvogessen. Một khi đã quyết định “la cà” bằng xe “căng hải” trên Con đường Rượu vang của Đức, thì không thể bỏ qua những cung đường đi bộ xuyên rừng tuyệt đẹp xung quanh Bad Bergzabern.

Từ Bad Bergzabern chúng tôi đi bộ tới Dörrenbach, ngôi làng được mệnh danh là “Người đẹp ngủ trong rừng Pfalz”. Tránh con đường thông thường chỉ 4km, chúng tôi chọn cung đường trekking 13km, xuyên qua những cánh rừng đã thành huyền thoại. Con đường vàng rực lá thu, khi lên cao lúc xuống thấp, dẫn bước chân tới một hồ nước trong veo có những con vịt trời cổ xanh đang bơi cùng đàn cá lớn. Phía cuối hồ, tòa nhà cổ có tháp chuông cao vút như một lâu đài ẩn hiện sau rặng cây, nơi ấy là khách sạn Pfälzer Wald. Lá xanh, lá đỏ, lá vàng, lá hồng lao xao theo từng cơn gió. Những hạt dẻ rụng lộp độp, có khi rơi trúng đầu. Tránh những vỏ dẻ đầy gai thì lại đạp phải những cây nấm mọc dày đặc dưới lớp thảm lá dày.

Rừng thu rừng Pfalz - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Rừng thu rừng Pfalz - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Trong phút chốc hương nấm ngập tràn, quyện cùng mùi lá cây, mùi gỗ thông và hơi nước quấn quít bên người, lan theo từng bước đi. Mùa thu đang để lại dấu ấn khắp nơi. Đi, để thấy vòng đời bất tận ngay cả khi những chiếc lá sắp lìa cành, để thấy vẻ đẹp ở khắp mọi nơi, ngay cả trong những tàn phai. Để hiểu quy luật của tự nhiên, quy luật của muôn đời không chỉ trong thế giới cỏ cây hay loài vật. Đi, để cho mình một thái độ đúng đắn với thời khắc hiện tại mình đang sống. Cứ đi một đoạn lại dừng lại ngắm những trảng cỏ, những rừng dương xỉ cao ngang người cũng đang vào mùa đổi màu lá. Cứ đi một đoạn lại cúi nhặt hạt dẻ, chẳng mấy chốc mà ba lô trĩu nặng trên vai.

Không chỉ hạt dẻ, tôi còn “lãi" lớn vì bộ sưu tập ảnh nấm cũng dày lên theo từng bước chân. Đi trong rừng Pfalz gặp đủ hết, đếm được tới hơn 10 loại: nấm độc tán trắng, nấm mũ khía, nấm tán bay (đỏ), nấm mũ đầu lâu (nâu), nấm thiên thần (trắng), nấm mũ tử thần cam, vàng, tím, đen... Những bước chân đạp lên lá vàng ẩm ướt trong khu rừng ngát mùi gỗ thông và hương nấm. Tưởng như đang bước vào bộ phim thần thoại Ba hạt dẻ dành cho Lọ lem mà tuổi thơ từng xem bao lần không chán. Nhưng nấm càng rực rỡ thì càng độc. Ngày xưa khi đi học quản lý khách sạn nhà hàng tại Munich, được các thầy giáo-bếp trưởng dẫn vào rừng hái nấm và dạy cho các phân biệt nấm độc. Mỗi khi đi rừng đều phải mang theo một chai sữa tươi nhỏ để kiểm tra.

Một loại nấm độc trong rừng - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Một loại nấm độc trong rừng - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Gặp nấm, nhỏ lên mũ của nó, sữa bị vón cục mà vẫn hái, thì ăn xong gọi cấp cứu là vừa. Thời ấy, mỗi lần ra khỏi cửa rừng, chúng tôi đều phải ghé qua ngôi nhà gỗ của người gác rừng, chìa giỏ nấm lặc lè có khi tới 5 - 7 ký cho bác ấy kiểm tra. Chắc chắn không có nấm độc trong đó, mới được phép xách giỏ về. Bao kiến thức xưa đã theo lá thu đi gần hết rồi, chỉ còn nhớ đại khái rằng nấm độc là loại: có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc. Thân nấm độc thường mầu mè, hồng, đỏ, xanh, tím... có vẩy trắng, sợi nấm có thể phát sáng trong bóng tối. Trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu, có rãnh, vết nứt...

Độc tố của nấm thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu…. Đi trong rừng thu mùa này, chẳng cần nhớ nhiều, chỉ cần hít hà hương nấm, hương lá, nghe mùi của gỗ, nghe vị của mùa, cũng thấy đời đáng sống từng giây. 13km đi bộ theo con đường những Tu sĩ xưa từng đi (Mönchweg) trong cái se lạnh của mùa, leo tuốt lên đỉnh di tích Lâu đài Trifels (thế kỷ 11) ở Annweiler mệt bở hơi tai.

Đường lên xuống được bao quanh bởi muôn sắc lá, nấm, cỏ, hoa… tưởng như lạc lối, muốn ngủ trong trong khu rừng cổ tích ấy luôn, không muốn thấy đường về.

"Người đẹp ngủ trong rừng" Dörrenbach

Mải lang thang chụp nấm và nhạt hạt dẻ trong những cánh rừng tuyệt đẹp, mãi tới 2 giờ chiều chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Nhìn xuống đã thấy tháp chuông nhà thờ và bức tường thành cổ bao quanh một ngôi làng như bức ra từ một cuốn truyện tranh. Chốn thần tiên Dörrenbach. Làng nhỏ, chỉ có chưa tới 1.000 dân, nằm giữa thung lũng đang mùa thay lá tuyệt đẹp.

Ngôi làng Dörrenbach được bao quanh bởi những vườn nho - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Ngôi làng Dörrenbach được bao quanh bởi những vườn nho - Ảnh: Tr.Thùy Linh

Lần theo một con dốc, chúng tôi ra khỏi khu rừng, băng qua một đồi nho, đạp chân trên những bậc thang phủ đầy lá vàng vào làng. Cái dạ dầy đang réo gọi, dù buổi sáng đã ních đầy bụng hạt dẻ trong rừng. Tra trên mạng và ngạc nhiên thấy làng nhỏ xíu này cũng có vài nhà hàng và quán cà phê. Nhưng đi tới đâu, đóng cửa tới đó. Phần lớn là đóng cửa nghỉ hoạt động lâu rồi, chỉ có hai quán cà phê và một nhà hàng còn kinh doanh, nhưng cũng đã đóng cửa nghỉ trưa, tới 4 giờ chiều mới mở cửa lại. Đường làng vắng tanh, không một bóng người, chả biết tìm ai mà hỏi. Thật không bao giờ nghĩ lại có thể bị đói ở nước Đức vào ngày trong tuần như thế này. Âu cũng là một bài học cho thói la cà, ham chơi dọc đường. Đành gặm tạm mấy cái bánh nhỏ mang theo vậy.

Từ năm 1975 Dörrenbach đã được mệnh danh là “Dornröschen der Pfalz” (Người đẹp của rừng Pfalz). Quả thật, đi trên những con đường nhỏ lát đá cổ tưởng như lạc vào một ngôi làng huyền bí ẩn chốn rừng sâu trong một bộ phim dã sử thời Trung cổ. Trái tim của làng chính là tòa thị chính được xây dựng vào năm 1590 theo phong cách Phục hưng, cũng là một trong những công trình kiến trúc cổ đẹp nhất của vùng Pfalz.

Từ quảng trường Chợ nhỏ xíu mà hầu như làng và thị trấn nào ở Đức cũng có, là những con đường nhỏ dẫn tới Nhà thờ Trung cổ (Wehrkirche, xây năm 1300) và tới những ngôi nhà cổ. Nằm trên bức tường thành phòng thủ bằng đá quanh ngôi làng có một nhà nguyện nhỏ cho những người hành hương (Wallfahrtskapelle) trên núi Kolmerberg vànhững ngôi nhà gỗ Fachwerkhaus nhiều màu sắc.

Trong khi các thị trấn và làng mạc khác ở những vùng trồng nho đều có Lễ hội chọn “Nữ hoàng Rượu vang” hằng năm, thì Dörrenbach cứ 2 năm một lần đều có Lễ hội chọn “Người đẹp ngủ trong rừng”. Vào mùa lễ hội, ngôi làng biến thành một sân khấu và dân làng là những diễn viên đúng nghĩa, trong những bộ sắc phục đầy sắc màu cổ tích của họ. Có thể hình dung ra khung cảnh này trong những Giáng sinh trắng cũng sẽ đẹp nhường nào. Quả là một lựa chọn khó khăn, khi có quá nhiều điểm hấp dẫn ở Dörrenbach mà thời gian thì có hạn. Lang thang chụp những con ngõ vắng trong ánh nắng đầy mê hoặc của chiều cuối thu hóa ra là một lựa chọn đúng đắn.

Những ngôi nhà khung gỗ Fachwerkhaus toát lên vẻ đẹp trễ nải, cổ xưa mà không u hoài, màu sắc mà vẫn đằm thắm, dịu dàng. Nhiều nhà đã được trùng tu, nhưng không thấy cái mới phô phang hiển lộ như ở nhiều nơi khác. Một số khác thì cũ, nhưng không thấy vẻ xuống cấp hay xập xệ như lẽ thường phải thế. Trên những khung cửa sổ kính, bóng dáng của mùa khi thì thấp thoáng, lúc lại lộng lẫy trong những sắc màu không thế lẫn.

Tác giả - họa sĩ Trần Thùy Linh bên cạnh bản đồ Con đường Tu sĩ - Ảnh: TL

Tác giả - họa sĩ Trần Thùy Linh bên cạnh bản đồ Con đường Tu sĩ - Ảnh: TL

Mùa thu in dấu trên bờ tường lá, họa những bức tranh tuyệt đẹp lên tấm gương nơi cuối phố, góc nhà. Vài giờ lang thang trong tĩnh lặng cũng đủ để chìm đắm trong không khí nơi “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Đi gần hết làng tôi gặp một ông già đang sửa cánh cổng. Nhà ông là một trong những căn nhà cổ nhất ở Dörrenbach, “xuống cấp lắm rồi, nhưng sửa đắt quá, nên tôi tự làm”. Dường như lâu lắm mới có người tới, nên ông già hay chuyện kể tôi nghe đủ thứ. Nhờ ông, tôi mới phần nào lý giải được tại sao “ Người đẹp” lại ngủ - tại sao nơi này lại vắng lặng như vậy.

Cách đây hàng chục năm, Dörrenbach là một điểm du lịch ưa thích của dân Âu châu, ngôi làng rất sầm uất. Dân làng sống chủ yếu nhờ vào dịch vụ du lịch. Nhưng rồi những năm gần đây, khách dần ít đi vì những lý do nào đó. Những người trẻ lớn lên cũng lần lượ̣t rời làng ra phố, tới các đô thị lớn. Làng vắng dần. Các nhà hàng, khách sạn, quán rượu…dần đóng cửa, dù khung cảnh vẫn cứ đẹp như thế. Dörrenbach đã thực sự là người đẹp bị bỏ quên nơi chốn rừng sâu.

Ông già cười: "Cái tên nó vận vào cái số, là thế đó!”.

Ông già hay chuyện mời tôi một tách trà bên chiếc bàn gỗ sồi đã lên nước bóng loáng trong khoảng sân rợp bóng lá vàng của cây dấm cổ thụ. Lúc chia tay ông còn tặng tôi rất nhiều tập gấp, những cuốn sách mỏng, bản đồ vùng Pfalz và Dörrenbach “ở thời hoàng kim, nhà tôi cũng là một điểm thăm quan”, ông cười buồn. Bao giờ thì hoàng tử lại tới, dành một nụ hôn cho nàng Dornröschen - người đẹp ngủ trong rừng? Tôi không chắc là mình có thực sự mong muốn điều ấy xảy ra hay không. Kể cũng hơi ích kỷ, khi chỉ muốn một nơi chốn nào đó vắng khách, thật vắng, như “nàng công chúa ngủ quên trong rừng” này.

Nhưng nếu bạn có những cảm xúc như tôi đã từng, khi lang thang giữa những bờ tường cổ đơn côi trong cái giá lạnh nắng ấm hiếm hoi của mùa, không bị dòng du khách quấy rầy, bạn sẽ hiểu điều ấy. Bạn sẽ muốn tới và quay trở lại chốn "thâm sơn cùng cốc" giữa vùng rừng Pfalz. Vì bạn biết rằng "nàng công chúa" vẫn luôn ở đó, chờ bạn!

Họa sĩ Trần Thùy Linh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhat-ky-nhung-cung-duong-nuoc-duc-bai-3-duyen-dang-mien-nho-rodt-unter-rietburg-va-sankt-martin-227159.html