Nhật ký những ngày sống trong khu phong tỏa ở TP Hồ Chí Minh: 30 ngày không 'cần' ánh mặt trời!
Cơm ăn ngày 3 bữa, được quan tâm chăm sóc từ viên thuốc, đến cọng rau…có thể nói, những ngày hẻm 103 (Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) thực hiện phong tỏa phòng dịch, PV báo Kinh tế & Đô thị cùng người nhà may mắn chưa một ngày phải đói. Tuy nhiên, sống trong sợ hãi, 30 ngày liền không dám vén rèm cửa, không bước chân ra đường...là những trải nghiệm mà PV không thể nào quên trong đời…
Ai là người đầu tiên mắc Covid-19?
Cuối tháng 5/2021, TP Hồ Chí Minh phát hiện chuỗi lây nhiễm đầu tiên của đợt dịch thứ 4 xuất phát từ quán bánh canh O Thanh (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), vì nhà nằm ở ngay khu vực này, chị Hai của tôi quyết định gửi hai cháu Khang và Bảo sang nhà tôi tránh dịch.
Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính”, khi khu nhà chị Hai mọi chuyện vẫn bình thường, thì hẻm 103 (Văn Thân, phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) nơi gia đình tôi sinh sống bất ngờ bị phong tỏa, sau khi có một vài ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện. Vậy là vợ cồng tôi cùng hai con và hai cháu chính thức bước vào những ngày sống trong khu cách ly.
Mặc dù buổi sáng con hẻm nhỏ này đã được giăng dây, đến buổi chiều khi y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm... nhưng mọi người ở đây vẫn tỏ ra bình thản, không mấy lo lắng. Tôi thấy họ vẫn vui vẻ khi gặp người quen, bắt tay nhau, nói chuyện rôm rả. Nào là cô kia đi lấy hàng ở chợ Bình Tiên bị nhiễm, rồi thì ông nọ bị ho sốt từ lâu lắm rồi…rất nhiều nghi vấn được đưa ra, họ quyết tâm phải tìm cho đến tận cùng, ai là người đầu tiên "gieo" con virus SARS-CoV-2 về hẻm này?
Thế nhưng, bước sang ngày thứ 3 thực hiện phong tỏa, khi thực phẩm trong nhà đã hết, mọi người bắt đầu quan tâm đến việc hôm nay ăn gì, ngày mai lấy gì để ăn? Và tất nhiên, câu hỏi ai là người nhiễm đầu tiên đã nhanh chóng được thay thế bằng câu “ai là người phát đồ ăn hằng ngày vậy?”.
Với hàng trăm con người cùng sống trong con hẻm đông đúc này, vấn đề cung cấp thực phẩm tưởng chừng sẽ là gánh nặng cho chính quyền địa phương. Nhưng không, UBND phường 8, quận 6 đã làm rất tốt, tốt hơn cả những gì mà người dân chúng tôi mong đợi.
Từ gạo, thịt, cá, trứng…cho đến rau tươi đều có đủ, cứ mỗi ngày một lần, chị cán bộ phường đến nhà tôi bấm chuông, để thực phẩm trước cửa, rồi lặng lẽ đi qua tiếp nhà khác. Vì phải tuân thủ tránh tiếp xúc, đã hơn một lần muốn nói lời cảm ơn chị, nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn chưa kịp nói ra.
Ngoài thực phẩm do chính quyền cung cấp, hằng ngày, hẻm 103 còn nhận được nhiều nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi, thực phẩm khô từ các mạnh thường quân ủng hộ. Thậm chí, sữa tươi cho 4 đứa nhỏ, cũng may mắn được một người anh thân thiết tiếp viện. Chồng tôi vẫn hay nói vui rằng: “Chúng ta đang sống những ngày không làm mà vẫn có ăn”.
Song, đâu có bình yên nào dễ dàng như thế…
Cả hẻm nhiễm hết rồi, đóng cửa lại đi!
Ngày thứ 5 phong tỏa, trong hẻm nhà tôi đã có ca F0 đầu tiên tử vong.
Chị Nguyệt hàng xóm nhắn tin cho tôi: “Thúy ơi, bà hai kế nhà ông Năm bán tạp hóa mới mất sáng nay rồi”. Không nói nên lời, tôi quay màn hình điện thoại cho chồng tự đọc, cả hai cùng hiểu những ngày khó khăn thật sự đã đến rồi.
Ngày thứ 7 phong tỏa, như mọi ngày, đúng 8 giờ, nghe tiếng chuông cửa, chồng tôi chạy xuống nhận thực phẩm. Từ trên sân thượng nhà kế bên, anh Phong nói lớn “cả hẻm nhiễm hết rồi, đóng cửa lại đi”.
Vậy là chỉ sau 7 ngày cách ly, anh Phong, chị Tiên, bé Linh, bé Đen, bà Sáu, dì Hương…tất cả người ở sát nhà tôi đều trở thành F0. Tôi không hiểu tại sao họ nghiêm túc thực hiện ở trong nhà 24/24 giờ mà vẫn bị nhiễm?
Vợ chồng tôi bàn nhau, từ ngày hôm nay, thực hiện giãn cách ngay trong nhà mình. Chúng tôi chia ca để xuống bếp ăn cơm, riêng 4 đứa nhỏ, tôi sẽ mang đồ ăn lên tận phòng. Tôi và chồng thống nhất không trò chuyện trực tiếp, tất cả đều trao đổi qua điện thoại. Thậm chí, công việc đổ rác, giặt đồ, phơi đồ do chồng tôi phụ trách cũng giãn ra 3-4 ngày/lần.
Ngoài ra, tất cả lỗ thông gió, chỗ lấy nắng trong nhà đều dùng tấm bạc cứng che kín lại, rèm cửa kéo kín 24/24 giờ, chúng tôi chính thức sống những ngày không "cần" ánh sáng mặt trời.
Tôi lên mạng đặt mua 10 chai nước rửa tay khô, 10 hộp C sủi, thuốc chống đông máu, kháng sinh, kháng viêm…mà không cần biết có được giao hay không? Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, chỉ mong 4 đứa nhỏ được an toàn.
Nhận nhiều tin dữ...
Ngày thứ 10 phong tỏa, bắt đầu buổi sáng của tôi bằng cuộc gọi không thể đau lòng từ bé Hạ (một tình nguyện viên) trong hẻm 103: “Chị ơi, em đã mang bình oxy đến kịp thời, nhưng dì đó vẫn chết”. Hạ khóc tức tưởi, dù đó đâu phải lỗi của em. Thương em, tôi cũng chẳng biết phải làm gì hơn, ngoài những lời an ủi.
Rồi ngày thứ 11, 12, 13…, tại hẻm 103 có thêm rất nhiều F0 qua đời vì Covid-19. Tiếng đọc kinh, tiếng xe cấp cứu thật sự đã trở thành nổi ám ảnh của tất cả bà con trong hẻm.
Ngày thứ 14 phong tỏa, dì Hương gọi điện thông báo, ông già hay nhậu đối diện nhà làm dép, ông Sáu đạo Chúa, anh sinh đôi của thằng Tám, bé Cùi đều đã qua đời do Covid-19…Chiều cùng ngày, má tôi ở dưới Lâm Đồng gọi điện lên: “Con ơi, cẩn thận nghen con, gần nhà anh Văn chồng chị Thu, má nghe nói, có con gái đi làm công nhân ở Bình Dương nhiễm Covid-19 chết mà gia đình không hay không biết. Sáng nay, mới ra bưu điện nhận bưu phẩm, nào ngờ đó lại là tro cốt của con mình...!"
Ngày thứ 15, có quyết định kéo dài phong tỏa thêm nửa tháng vì số F0 tăng cao, gia đình tôi tiếp tục duy trì những ngày không cần thấy ánh sáng mặt trời, chỉ cần bình yên đi qua dịch bệnh.
30 ngày cách ly dài đằng đẵng rồi cũng hoàn thành, người dân cả hẻm được yêu cầu tập trung để lấy mẫu xét nghiệm lại. Khác với lần trước, lần này mọi người tuân thủ 5K, mặt ai cũng biểu hiện rõ sự hồi hộp căng thẳng, sẽ chẳng gì ngoa nếu nói, dịch bệnh đã giúp hẻm tôi trưởng thành và đoàn kết hơn rất nhiều.
Vaccine nào cũng được, có là tiêm...
Chưa kịp mừng vì phần lớn ca F0 ở hẻm 103 đã có kết quả âm tính, tôi nhận được tin cực sốc, em K.Q.T (SN1993), một người đồng nghiệp, một người em thân thương của tôi đã qua đời vì Covid-19: “Dù được nhập viện cấp cứu, anh T. vẫn không qua khỏi. Em vừa thương vừa tiếc, giá như lúc được tiêm vaccine AstraZeneca, anh ấy đừng bỏ lỏ cơ hội”, vợ T. nói.
Nước mắt nghẹn ngào, tôi bốc ngay điện thoại, gọi cho Thạch, cho anh Đức, hai người đồng nghiệp khác chỉ để nói: “Các anh tiêm vaccine chưa? Vaccine nào cũng được, tiêm ngay đi”…
Ngày 9/8, hẻm tôi hết phong tỏa, tình hình tạm ổn, cũng là lúc anh Trung Luật sư thông báo, vợ anh “mẹ tròn con vuông”, quý tử mà anh và cả gia đình mong đợi bấy lâu vừa chào đời đêm qua tại Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh. Mừng cho anh Trung, tôi thở phào nhẹ nhỏm, lòng thầm biết ơn, vì trong dịch bệnh khó khăn, xã hội vẫn luôn dành cho con trẻ sự quan tâm, yêu thương, bảo bọc…để các em được bình yên sinh ra, bình yên lớn lên.