Nhặt phế liệu

Năm năm mươi tuổi, bác Dương xin nghỉ hưu non. Nghỉ hưu rồi, ở nhà buồn chán, bác mới bàn với vợ kiếm việc gì đó làm cho vui cửa vui nhà, lại có thêm thu nhập. Bác gái hỏi bác định làm gì. Bác bảo sẽ đi nhặt phế liệu.

Bác gái giật nảy mình:

- Ở nhà buồn thì ra quán trà ngồi uống nước, đánh bài có hơn không, vừa giết thời gian vừa vui vẻ lại sạch sẽ.

Bác Dương nói:

- Chắc mình lo các con không đồng ý, sợ đi nhặt phế liệu làm chúng nó mất mặt phải không. Để tôi nói là chúng nó nghe ngay ấy mà.

Nhưng khi bác Dương đem ý định này nói với các con, chúng nhất quyết phản đối. Bác giải thích, lương hưu của bác chỉ đủ ăn cho hai ông bà già thôi, còn tiêu pha vặt vãnh thì chưa có. Ngồi quán trà, đánh bài phải có tiền. Nếu các con không đồng ý thì mỗi ngày phải cấp cho hai ông bà 5 tệ.

Minh họa: Lê Tâm

Minh họa: Lê Tâm

Mỗi ngày 5 tệ, vậy vị chi mỗi tháng 150 tệ, mỗi năm 1800 tệ. Nghĩ một hồi, con dâu trưởng nói:

- Vậy bố đi nhặt phế liệu cũng được. Muốn sống khỏe thì phải vận động, còn hơn la cà quán xá - Con trai trưởng cũng a dua theo.

Thế là bác Dương chuẩn bị đôi quang gánh, hai cái sọt, bắt đầu nhặt phế liệu. Bác rất chịu khó, cũng biết lo toan. Phế liệu nhặt ngày nào phân loại xong ngày ấy, rồi mang đến chỗ thu mua bán luôn, không bao giờ đem về nhà, sợ con trai, con dâu kêu bẩn. Mỗi ngày bác Dương cũng kiếm được kha khá. Thời gian trôi nhanh, ngày bác Dương vừa đúng sáu mươi chín tuổi thì lâm bệnh nặng. Bình thường khỏe mạnh, nhưng đã ốm rồi là không dậy nổi. Biết chẳng sống được bao lâu, một hôm bác kéo tay vợ, âu yếm nói:

- Vì lấy tôi, mình đã từ chối mấy đám có tiền. Mình yêu tôi nhưng phải chịu một đời nghèo khổ, tôi nợ mình ân tình đó. Mình còn nhớ không? Tôi có hứa với mình là nếu tôi đi trước, nhất định sẽ để lại cho mình một ít tiền. Cũng chỉ vì sợ con cái không làm tròn nghĩa vụ chăm sóc mình.

Nói đến đây, bác Dương rút trong túi áo ra tờ phiếu gửi tiền tiết kiệm.

- Mười chín năm nay tôi nhặt phế liệu tích góp được số tiền này. Trừ khoản mừng tuổi, mừng sinh nhật các cháu ra, còn bao nhiêu được 4 vạn tệ. Lâu nay tôi vẫn giấu mình, mục đích là muốn làm mình ngạc nhiên. Số tiền này đủ cho mình sống những ngày cuối đời mà không phải chịu cảnh nhục nhã vì cơm gạo...

Bác gái nước mắt đầm đìa, suốt đêm thổn thức bên cạnh chồng.

Mấy ngày sau, bác Dương qua đời. Không lâu sau, vấn đề ai nuôi mẹ đã được đặt ra trước mắt anh em nhà họ Dương.

Cậu cả nói với cậu hai:

- Mẹ ở với anh bao nhiêu năm rồi, bây giờ em nuôi mẹ thay anh đi.

Cậu hai nói:

- Thực ra là bố nuôi mẹ chứ đâu phải anh? Với cả mẹ từ lâu đã chăm lo cho gia đình anh như bảo mẫu không công. Vậy nên anh nuôi mẹ là hợp lý nhất.

- Đừng cãi nhau nữa! - Từ trong nhà, bà mẹ đã nghe thấy hết. Bà bước tới, rút tờ phiếu trong túi áo ra, ngậm ngùi nói:

- Bố các con trước khi đi đã để lại cho mẹ 4 vạn tệ nhờ nhặt phế liệu mà có. Bố sợ các con sẽ không hiếu thuận với mẹ, không ngờ ông ấy nói đúng. Thôi không làm phiền các con, mẹ sẽ ở viện dưỡng lão.

Nghe vậy tất cả con trai, con dâu chạy ra níu áo mẹ lại, nhưng mắt thì nhìn chằm chằm vào tờ phiếu 4 vạn tệ mẹ cầm trên tay.

Hiếu Văn (dịch)

Truyện vui của Âu Tương Lâm (Trung Quốc)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nhat-phe-lieu-i739210/