Nhặt 'sạn' sách giáo khoa: Hàng trăm trang giải trình

Các tác giả viết sách giáo khoa (SGK) phải thực hiện bản giải trình lên tới hàng trăm trang hoặc hơn để nêu rõ đâu là quan điểm mình tiếp thu, đâu là những nội dung cần trao đổi lại với cá góp ý từ nhiều đơn vị, cơ sở.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mỗi bản thảo SGK trước khi được phê duyệt đã qua nhiều lần chỉnh sửa, tiếp thu các góp ý từ nhiều kênh khác nhau như giáo viên các địa phương, từ Hội đồng thẩm định và toàn xã hội.

Tại buổi tọa đàm "Giới thiệu SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều" do báo Lao Động phối hợp với các đơn vị tổ chức chiều 22/2, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán, Tổng chủ biên SGK Toán - bộ sách Cánh Diều cho biết các cuốn SGK Toán của Cánh Diều đã được thực nghiệm nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ GDĐT về cả địa điểm, thời gian thực hiện. Trong đó, có thể thực nghiệm tại các địa phương, ở vùng có nhiều phụ huynh học sinh làm trong các khu công nghiệp, ở vùng nông thôn hoặc ở thành thị... Việc thực nghiệm ở nhiều vùng miền khác nhau như vậy giúp đội ngũ biên soạn đánh giá được bản thảo SGK đã xây dựng được tiếp nhânhư thế nào trong thực tế. Từ đó, có được những điều chỉnh cần thiết.

"Bản thảo cũng được đưa lên mạng để nhận góp ý, qua kênh Bộ GDĐT và hội đồng thẩm định cũng nhận được góp ý của nhiều thầy cô. Chúng tôi xem xét giải trình từng ý kiến đó, cái nào sửa thì sửa, không sửa thì phải giải trình tại sao không sửa. Riêng với môn toán, bản giải trình lên tới hàng trăm trang. Nhân vô thập toàn, nhưng chúng tôi hy vọng với tinh thần cầu thị như vậy, SGK khi phát hành đến tay HS, giáo viên sẽ không còn hoặc còn rất ít lỗi sai", PGS. Thái chia sẻ.

Tương tự, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3 - Bộ sách Cánh Diều cũng cho biết tùy theo số tiết của môn học sẽ quy định về thời gian thực nghiệm. “Nhiều nơi khi tổ chức thực nghiệm muốn đưa giáo viên giỏi nhất, lớp học tốt nhất để dạy nhưng chúng tôi khẳng định đây là tiết dạy để góp ý tác giả chứ không phải góp ý giáo viên, không phải thi đua… Chúng tôi mong muốn những góp ý thiết thực nhất có thể” – GS Thuyết bày tỏ và khẳng định khi đưa bản thảo ra Hội đồng thẩm định, “không có chuyện nể nang nhau đâu”. Hội đồng thẩm định làm rất chặt chẽ, nghiêm túc rồi những ý kiến của chuyên gia độc lập, hiểu về giáo dục phổ thông, cũng có những nhà khoa học cơ bản góp ý, rồi góp ý từ các 63 địa phương… Có những góp ý dài 4 trang, có góp ý chục trang nên tác giả phải viết giải trình hàng trăm trang là chính xác.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn; Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7, lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều chia sẻ một trong những điểm mới của lần viết SGK này so với các lần trước đó là làm thực nghiệm ngay trong quá trình viết sách.

“Ở những lần đổi mới trước, SGK thực hiện 1 -2 năm thí điểm riêng nhưng khi làm Nghị quyết 88 và xây dựng chương trình, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Thực nghiệm lần này là một trong những quy trình của việc viết sách. Nhiều nước đã làm như vậy trong khi cách làm cũ rất mất thời gian. Chúng tôi chỉ thực nghiệm những nội dung mới và khó, thực nghiệm về phương pháp dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực khác với dạy theo hướng nội dung là thế nào? Đó là tổ chức các hoạt động dạy học. Hay các bài thơ quen thuộc không dạy thực nghiệm nữa mà dạy những nội dung mới như bài về khoa học viễn tưởng chẳng hạn, là nội dug mới cần thực nghiệm.

Hương Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhat-san-sach-giao-khoa-hang-tram-trang-giai-trinh-5680301.html