Nhất trí phân bổ 1.700 tỷ đồng cho 2 dự án giao thông quan trọng quốc gia
Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nhất trí giao Chính phủ bố trí 1.700 tỷ đồng cho 2 dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Chiều 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và Đường tỉnh 707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, là dự án quan trọng quốc gia.
Ủy ban TCNS nhất trí giao Chính phủ bố trí 1.000 tỷ đồng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đối với 700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, đây là dự án quan trọng trong quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Do vậy, thống nhất với đề xuất của Chính phủ việc bố trí vốn cho dự án. Giao Chính phủ sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao vốn cho dự án khi dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Trong khi đó, đối với số vốn 15.746,187 tỷ đồng các bộ, cơ quan trung ương đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, Chính phủ có đề xuất 1.700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La; 1.500 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) của tỉnh Bình Phước và 1.180 tỷ đồng dự kiến bố trí cho cho dự án BOT hầm Đèo Cả, ông Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS đề nghị đưa số vốn trên vào dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng cho biết, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn.
Từ đó, đề nghị Chính phủ hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.