'Nhạt' vị Lý Sơn

Năm 2020 có thể coi là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử hàng triệu năm của hòn đảo trầm tích núi lửa, khi Lý Sơn bứt lên thực hiện cải cách chính quyền một cấp - cấp huyện đảo tiền tiêu. Có điều, khi làm 'nhẹ' mình để cất cánh bay lên, Lý Sơn đang có nguy cơ nóng vội, cẩu thả trên đường phát triển. Nói như giọng những người dân lâu đời sống trên đảo: 'Lý Sơn nhạt vị rồi răng?'.

Ngư dân đi biển về cập vào cảng tàu du lịch Lý Sơn. Ảnh: Thúy Hằng

Ngư dân đi biển về cập vào cảng tàu du lịch Lý Sơn. Ảnh: Thúy Hằng

Cuộc “đánh đổi chính mình” để làm du lịch

Cái “chất” dân biển hào sảng, chí lớn đạp lên sóng gió đại dương không nơi nào có thể sánh với ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi về độ gan góc, bền bỉ. Hòn đảo quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải lừng danh trong lịch sử gần đây nổi lên là một điểm du lịch sáng giá của miền Trung. Tuy nhiên, một điều rất dễ nhận thấy, ngay khi đặt chân lên hòn đảo là tốc độ dịch vụ hóa của Lý Sơn đang diễn ra quá nhanh.

Cả hòn đảo rùng rùng chuyển động trong cơn say bung ra làm dịch vụ du lịch. Trong cái nóng rát da thịt của khí hậu cận xích đạo mùa hè, các khu dân cư ken dày bê tông bốc hơi nóng ngùn ngụt. Cát nóng, bê tông bỏng trên một hòn đảo đông dân cư và quá thiếu cây xanh khiến khách du lịch sốc nhiệt và khó lòng có thể nghĩ quay trở lại mỗi kỳ nghỉ cùng Lý Sơn.

Cách đây cơ độ chục năm, không ai nghĩ Lý Sơn có thể nhanh chóng trở thành hòn đảo du lịch. Trở ngại trước mắt lúc đó là sự cách biệt sóng gió với 2 giờ chạy tàu gỗ chở khách lẹt đẹt ra đảo từ cảng Sa Kỳ. Trên đảo thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu không gian xanh và thiếu dịch vụ du lịch. Nếu khách du lịch có thể vượt qua ngần ngại ban đầu về thiếu thốn tiện nghi, thì bề dày lịch sử văn hóa của hòn đảo cũng không phải dễ tiếp cận trong thời gian ngắn.

Cần phải thấu hiểu và ăn ở với Lý Sơn dài ngày mới thấm cái mặn mòi, sóng gió, mới thấy yêu thích nếp sống làng chài, phong vị miền biển mà gió thổi tạt quanh năm, nắng dãi cháy da thịt. Dân trên đảo nhiều dòng họ lớn, hệ thống hương ước làng xã trùng điệp, nhiều phong tục tập quán lối sống đặc trưng không nơi nào có được. Họ đi biển với niềm phấn khích chinh phục đại dương và giỏi chài lưới, trên đảo thì trồng hoa màu, đặc biệt là hành tỏi trên các mảnh ruộng phủ cát biển mặn và không có nước tưới, không có thủy lợi. Hòn đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) bên cạnh đảo lớn còn có dân cư nhiều đời sinh sống mà không có nước ngọt. Lý Sơn là bảo tàng sống về ý chí và niềm tin, sự sinh tồn, thắng thế của con người trước thiên nhiên.

Năm 2014, Lý Sơn mới chính thức có điện lưới ra đảo bằng hệ thống cáp ngầm qua biển trị giá gần 700 tỉ đồng. Và đây chính là điểm mốc để hòn đảo thay đổi căn bản, dù sự thay đổi quá nhanh không có chuẩn bị trước về nguồn lực con người.

Những người ở lại Lý Sơn

Năm 2020, giải tán 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình; cải cách chính quyền một cấp; thu gọn từ 15 xuống còn lại 7 cơ quan cấp huyện, Lý Sơn giảm thiểu bộ máy cồng kềnh để phát triển đột phá. Tuy nhiên, để có thể “ngạo nghễ” tựa lưng vào bề dày truyền thống lịch sử đặc sắc riêng có của mình làm bệ phóng để vươn xa, Lý Sơn phải dành không gian ưu tiên cho các thiết chế văn hóa. Ngay thời điểm bung ra đầu tư này, các khách sạn lớn chiếm những vị trí đắc địa nhất cạnh bờ biển. Công trình nhà lưu niệm và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã từng là không gian văn hóa nổi bật nhất giữa khu vực đông đúc dân cư phía bờ Tây của đảo Lý Sơn, bây giờ bị lút dưới tầm mắt các khách sạn, nhà hàng lớn và bị hoang hóa, cũ kỹ dần.

Hầu như toàn bộ các ngôi mộ gió cũ, chứng nhân lịch sử nhiều đời của Lý Sơn cũng bị tu sửa lại mới tinh, các nhà thờ họ, nhà cổ, đình An Hải, và cả công trình Âm linh tự, mộ gió lính Hoàng Sa cũng bị thu hẹp dần bức bối giữa khu dân cư đang bung ra xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng. Ngoài các công trình cổ vào diện được chính quyền địa phương trùng tu xây lại mới tinh, các dòng họ cũng đua nhau xây lại nhà thờ tổ. Việc xây sửa công trình thờ tự ở thôn quê rất dễ dẫn đến đua chen. Nhà nào có nhiều tiền hơn thuê thợ ở Thừa Thiên Huế ra trùng tu lại, mới đắp lên cũ, dỡ xuống làm lại. Các ngôi nhà cổ không còn hồn cốt lịch sử, trở thành việc riêng của các dòng họ, mặc ý làm cho làng biển bên ngoài nhìn vào thấy rõ ràng đang biến động, đổi mới lấy cũ, mất phong vị cổ xưa huyền bí mang hơi hướng của các tráng sĩ trong hải đội Hoàng Sa xưa kia.

Dường như không điều tiết được nhịp độ phát triển quá nhanh, người dân Lý Sơn cũng chạy theo phục vụ nhu cầu của lớp trẻ bây giờ khi đi du lịch. Người dân đảo và cả du khách không có thời gian để ý tới bề dày lịch sử của đảo. Trầm tích địa chất độc đáo của 2 ngọn núi lửa cũ và mật độ dân cư đông đúc với nghề biển lâu đời chủ yếu chinh phục sóng gió đại dương, giới chuyên môn đánh giá Lý Sơn là hòn đảo độc đáo nhất thế giới. Trên tầm giá trị đó, Lý Sơn hiện phát triển và bung vỡ không khác gì nhiều làng biển duyên hải Việt Nam là chuyển đổi nghề nghiệp từ đi biển sang ở lại đảo làm dịch vụ du lịch.

Ông chủ nhà hàng Phát Hải - một quán ăn đông nhất, được giới du lịch bụi lan truyền trên mạng xã hội, ngồi trò chuyện với tôi bên quán nhậu gió biển của ông. Vẻ ngoài ông đúng với chất của một ngư phủ dư giả đã bỏ nghề biển về làm dịch vụ du lịch, thói quen ăn sóng nói gió chưa mất đi mà vẻ lịch lãm, ôn nhu của người làm dịch vụ du lịch vẫn chưa tới. Như một nét tính cách đã trở thành đặc trưng của ngư dân Lý Sơn, ông khoe hết với tôi quãng đời hùng tráng toàn đi đánh cá bằng tàu lớn qua các vùng ngư trường sóng gió, hiểm yếu của Biển Đông. “Giờ già rồi, sức vóc yếu dần, thôi ở lại đảo làm du lịch cho nhàn hạ mà kiếm được nhiều hơn” - ông nói. Tên nhà hàng này là ghép lại từ tên 2 đứa cháu nội của ông. Người đàn ông dạn dày nghề đi biển giờ đã bắt đầu nghĩ tới tương lai của gia đình, nghĩ đến vốn liếng dành lại cho con cháu.

Làm kinh tế từ du lịch là tương lai không chỉ của những ngư phủ như thế, mà còn là mục tiêu của cả hòn đảo. Con đường ven biển bao quanh đảo được xây dựng sạch đẹp, quãng đê ngăn sóng và âu thuyền, cảng cập tàu khách đều được xây dựng lại đủ tiêu chuẩn công trình biển đảo đặc biệt. Mới đây thôi, Quảng Ngãi vẫn trên đường tìm kiếm một mô hình kinh tế phát triển du lịch xanh chất lượng cao dành cho Lý Sơn cải thiện thu nhập của người dân địa phương, nhưng phải tuyệt đối tránh phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Nhưng các vách núi, hang đá, cổng tò vò, bãi đá đen... trầm tích tro núi lửa... còn lại nguyên vẹn, nhưng tinh thần Lý Sơn, gốc gác văn hóa được tính là di sản phi vật thể thì lại đang nhạt dần.

Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được không gian văn hóa biển độc đáo mang hồn cốt Hoàng Sa là bài toán không dễ.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhat-vi-ly-son-post430969.html