Nhật với Biển Đông

Cuối tuần trước, Nhật Bản lại có động thái liên quan đến Biển Đông, nơi họ không có tranh chấp trực tiếp với các nước có tuyên bố chủ quyền.

Cùng Indonesia, Nhật lên án mạnh mẽ Trung Quốc (TQ) gây căng thẳng vùng Biển Đông. Tại sao Nhật làm thế trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung đang thuận buồm xuôi gió?

Ngày 28/3, bộ trưởng quốc phòng hai nước Nhật-Indo gửi thông điệp phản đối khiêu khích của TQ ở Biển Đông. Trong thông điệp, hai bên cam kết tập trận ở vùng biển này. Thông điệp diễn ra sau sự kiện Philippines, dưới triều đại của tổng thống Rodrigo Duterte thân TQ ra mặt, có cử chỉ hiếm hoi phản đối 200 tàu cá TQ từ 7/3 đến giờ bao vây một bãi đá của Việt Nam mà họ cũng tuyên bố chủ quyền.

Tuyên bố của Nhật là khác thường nếu biết Nhật-Trung đang trong thời kỳ hữu hảo. Cả hai đều chiếm vị trí nhì và ba thế giới xét về GDP danh nghĩa, lần lượt là 14.861 tỷ USD và 4.910 tỷ USD năm 2020; thậm chí thứ nhất và thứ tư thế giới xét về GDP theo sức mua tương đương, 24.162 tỷ USD và 5.236 tỷ USD cũng năm 2020. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe năm 2018 hoan hỉ “quan hệ Nhật Trung đang tiến theo hướng đạt các tiến bộ to lớn”.

Ở góc độ khác, câu chuyện lại có vẻ khác. Khi TQ khởi xướng Sáng kiến Vành đai&Con đường (BRI) thì, cùng năm 2012, Nhật tuyên bố mua ba hòn đảo của một tư nhân ở quần đảo tranh chấp Senkaku mà TQ gọi là Điếu Ngư. Không dừng ở đó, theo tạp chí “Nghiên cứu Vấn đề Nhật Bản” của TQ, bốn năm sau, đích thân thủ tướng Abe nêu sáng kiến “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” (IPS) như một đối trọng với BRI của TQ.

Biển Đông được coi như một trong những trọng tâm của IPS nhằm kiềm chế TQ trên quy mô toàn cầu. Vẫn theo tạp chí nói trên của TQ, Nhật Bản đã đưa các tranh chấp ở Biển Đông và vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông vào cùng một danh sách mang tên mâu thuẫn Nhật-Trung. Quả tình có chuyện, ngày 4/3/2020, tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật, ngoại trưởng Toshimitsu Motegi đã kết nối hai việc này vào cùng một nhóm vấn đề chiến lược mà Nhật cần suy ngẫm.

Động thái tưởng tí xíu tuần qua thực ra nằm trong tư tưởng cốt lõi của Nhật là làm thế nào để tự vệ trước một TQ ngày càng hùng mạnh. Chính thủ tướng Abe, bên cạnh thúc đẩy giao thương lưỡng quốc, cũng là người đặt nền móng cho quan niệm cơ cấu quyền lực quốc tế mới. Đấy có lẽ là lý do khiến TQ đặc biệt quan tâm đến cách người Nhật ủ mưu lấy Biển Đông làm bàn đạp để khắc chế đối thủ.

HOÀNG QUỐC DŨNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhat-voi-bien-dong-post1325442.tpo