Nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình được coi là quấy rối tình dục nơi công sở

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong đó quy định, những hành vi như: Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, nhận xét trang phục hay cơ thể người khác được xem là hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc. Dự thảo này nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Dự thảo đã chỉ ra 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối bằng ngôn ngữ cơ thể. Điều này đang nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân.

Chị TRƯƠNG THU TRANG - Quận Long Biên, thành phố Hà Nội: Hành vi quấy rối trong công sở thực tế có rất nhiều, không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Tôi cảm thấy khá là tiếc vì đây nó mới chỉ dừng lại ở bộ quy tắc ứng xử mà thôi…”.

Chị NGUYỄN QUỲNH CHI - Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội: Tôi cảm thấy bộ quy tắc ứng xử này nên được ban hành từ lâu rồi. Tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở diễn ra rất lâu rồi và gây ảnh hưởng đến tâm lý của các chị em phụ nữ."

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để bộ quy tắc được áp dụng vào thực tiễn thì cần phải sửa một số quy định chưa hợp lý, mang nặng cảm tính.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật: "Cá nhân tôi cho rằng, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, bởi lẽ có những hành vi chúng ta quy định ví dụ như nháy mắt hoặc có những hành động khác thì nó chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, tôi thấy khi pháp luật của chúng ta đưa ra hoặc bộ quy tắc đưa ra thì cần phù hợp với thực tiễn để làm sao có thể đi vào đời sống của người lao động…”.

TS KHUẤT THU HỒNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội:Ở Việt Nam mình ít khi người ta dùng từ “nháy mắt liên tục”, không ai hiểu “nháy mắt liên tục” có nghĩa là như thế nào. Hoặc dùng từ như “cái nhìn gợi tình”, tôi nghĩ là nó không phù hợp với nội dung của chúng ta là quấy rối tình dục. Hay là "cử chỉ ngón tay" chẳng hạn, cũng không nên dùng từ ấy. Nên cân nhắc một chút về chuyện từ ngữ để tạo ra một cách hiểu thống nhất và không nên gây ra những dư luận, bình luận đi ra ngoài mục đích của chúng ta….”.

Bộ quy tắc ứng xử không phải là văn bản pháp lý nên không bắt buộc áp dụng. Tuy nhiên, khi đưa ra quy tắc ứng xử hay quy định hành vi vi phạm để điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật thì phải cụ thể, rõ ràng, xác đáng. Nếu không, sẽ chẳng xử được ai và quy tắc chỉ nằm trên giấy.

Thực hiện : Trần Tiến Ngọc Tuấn Quang Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhay-mat-lien-tuc-nhin-goi-tinh-duoc-coi-la-quay-roi-tinh-duc-noi-cong-so