Nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thêm thời gian nằm viện từ 5 - 29,5 ngày

Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất của nhiễm khuẩn bệnh viện là sự gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Ước tính hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi sinh vật kháng thuốc gây ra...

Bộ Y tế vừa ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030".

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc

Tại kế hoạch này, Bộ Y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện nằm trong số những sự cố bất lợi phổ biến nhất xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế.

Tại các nước có thu nhập cao và trung bình cứ mỗi 100 người bệnh nhập viện có 7 người bệnh mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ này tại các nước có thu nhập dưới trung bình là 15/100 người bệnh và thời gian nằm viện của người bệnh mắc nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thêm từ 5 ngày - 29,5 ngày.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Châu Âu (ECDC), gánh nặng về khuyết tật và tử vong sớm của sáu loại nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến gấp đôi gánh nặng của 32 bệnh truyền nhiễm khác.

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc.

Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất của nhiễm khuẩn bệnh viện là sự gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh (gọi tắt là kháng thuốc). Ước tính hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi sinh vật kháng thuốc gây ra.

Tình trạng này không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và ra cộng đồng.

Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng nhanh, đặc biệt trong môi trường bệnh viện. Đáng chú ý, theo thống kê sơ bộ từ hệ thống báo cáo số liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỷ lệ kháng thuốc cao ở một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các đợt bùng phát bệnh dịch và đặc biệt đại dịch COVID-19 đã khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc cung cấp dịch vụ y tế an toàn, chất lượng cũng như trong các hoạt động chuẩn bị và đáp ứng với tình trạng khẩn cấp y tế.

Các can thiệp về kiểm soát nhiễm khuẩn đã được chứng minh là hiệu quả, có chi phí thấp và được coi là "khoản đầu tư tốt nhất" để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh trong chăm sóc y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, vệ sinh tay và vệ sinh môi trường bề mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh được chứng minh là có thể giảm hơn một nửa nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện kháng thuốc, đồng thời giảm ít nhất 40% các biến chứng lâu dài và gánh nặng sức khỏe liên quan.

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy rõ những "khoảng trống" trong chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở mọi quốc gia, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và dưới trung bình.

Do đó, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 75 đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên cải thiện các chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp cơ sở, phù hợp với các thành phần cốt lõi được khuyến nghị bởi WHO nhằm mục tiêu giảm bớt gánh nặng bệnh tật toàn cầu và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, đồng thời đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng từ nhiễm khuẩn bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc.

Năm 2023, WHO đã ban hành chiến lược toàn cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn và khung hành động giai đoạn 2023-2030 cho các nước cùng tham gia.

Bộ Y tế cũng cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành các quy định, chính sách phát triển công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để chỉ đạo, định hướng và nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, nhiều hướng dẫn kỹ thuật quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn cũng đã được ban hành và phổ biến, triển khai tập huấn rộng rãi tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc. Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn đã được hình thành từ Bộ Y tế đến hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh. Hệ thống báo cáo số liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia cũng đã bước đầu được thiết lập để chuẩn hóa giám sát nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu tại các khoa hồi sức tích cực tại 95 bệnh viện trong toàn quốc.

Nhiều thách thức trong trong kiểm soát, phòng ngừa nhiễm khuẩn

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức cần được giải quyết, đó là chưa xây dựng được các chiến lược dài hạn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn đồng bộ và toàn diện.

Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, cơ quan quản lý thuốc kháng sinh, các cơ sở đào tạo y dược và các tổ chức cộng đồng tạo ra khoảng trống trong việc kiểm soát bệnh dịch và tình trạng kháng thuốc.

Hệ thống giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện. Kiểm soát nhiễm khuẩn phát triển chưa đồng đều giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa bố trí đủ nguồn kinh phí dành cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn.

Vệ sinh tay và vệ sinh môi trường bề mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh được chứng minh là có thể giảm hơn một nửa nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện...

Vệ sinh tay và vệ sinh môi trường bề mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh được chứng minh là có thể giảm hơn một nửa nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện...

Bộ Y tế cho rằng, với mô hình bệnh tật của nước nhiệt đới có thu nhập trung bình thấp, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan mạnh trong bệnh viện, như cúm A, SARS, MER-CoV, SARS-CoV-2,... đây là một thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo kết quả đánh giá từ 1.259 bệnh viện trong toàn quốc năm 2024 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy hệ thống quản lý, điều hành các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập tại các cấp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, cụ thể:

25,6% bệnh viện chưa bảo đảm 01 nhân lực giám sát/150 giường bệnh, chỉ có 78% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn hoạt động thường xuyên hiệu quả, công tác lập kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn để tổ chức thực hiện mới đạt 62,3%;
Tỷ lệ đào tạo cho các thành viên hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa/bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định đạt thấp, tương ứng vốn 27,6%, 53,5% và 77,5%;
Thiết lập và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu của hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn chỉ đạt 67,6%;
Thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn đạt 64,8%;
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi bệnh viện chỉ đạt mức khoảng 70%;
Phòng ngừa lây truyền các vi sinh vật đa kháng thuốc và các bệnh truyền nhiễm gây dịch chỉ đạt 68,1% và 63,1%.

Tại "Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030", Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng cao năng lực phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhiem-khuan-benh-vien-keo-dai-them-thoi-gian-nam-vien-tu-5-295-ngay-169250110110451523.htm