Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho sự ra đời của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Và đó, cũng là tính Đảng của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
“Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” - Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm kiếm con đường cứu nước, dường như đã rất tâm đắc với những quan điểm ấy của V.I. Lênin về báo chí.
Cũng ngay những năm đầu thế kỷ XX ấy, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của Báo chí Cách mạng, coi đây là một mặt trận, là một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Người khẳng định: Báo chí Cách mạng phải là cơ quan ngôn luận của tổ chức cách mạng, là người dẫn đường về tư tưởng, chính trị, hướng dẫn tuyên truyền về chủ trương, đường lối cách mạng, phản ánh đời sống và tâm tư nguyện vọng của Nhân dân.
“Tờ báo sẽ như một tuyên truyền viên không có mặt mà vẫn đến được với quần chúng. Tờ báo còn hiện diện, tồn tại của một tổ chức cách mạng. Nó đưa ra những sự thật, nên có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền” - Người nhấn mạnh. Nguyễn Ái Quốc cũng thấy rõ, muốn phát động và mở rộng nhanh chóng phong trào cách mạng, muốn đi đến sự nhất trí về lý luận, chính trị và tư tưởng để xây dựng tổ chức cách mạng tiên phong thì không thể không có tờ báo cách mạng.
Tờ báo lĩnh hội mục tiêu ấy không gì khác chính là Thanh Niên. Từ số báo đầu tiên xuất bản ngày 21/6/1925 đến số báo cuối cùng xuất bản cuối năm 1929, báo Thanh Niên tập trung vào mục tiêu nhất quán: Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; khơi sâu lòng căm thù quân cướp nước, kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng ái quốc để cổ vũ Nhân dân nổi dậy làm cách mạng. Báo Thanh Niên cũng chính là minh chứng rõ nét đầu tiên cho nhiệm vụ của báo chí nước nhà: phục vụ cách mạng.
Những năm tháng sau này, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rất nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ này của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam 16/4/1959, Người căn dặn cán bộ báo chí: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Cũng tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ Nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Báo chí Cách mạng song hành cùng phục vụ cách mạng là phục vụ nhân dân. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần. Trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949, Người nêu rõ: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa...”.
Tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò các nhà báo: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng”. Cũng bởi báo chí phục vụ Nhân dân, viết cho đại đa số dân chúng, nên cách viết, như Người chỉ rõ, “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ.
“Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng”- những lời dặn dò ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trang quý giá trên hành trình làm nghề của mỗi người làm báo Việt Nam. Báo chí phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính Đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.