Nhiệm vụ của tàu ngầm AI đầu tiên
Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) chính thức ra mắt tàu ngầm không người lái cỡ lớn tích hợp AI và được đặt tên là BlueWhale.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 4/5, IAI cho biết, khi chương trình BlueWhale hoàn thành và chính thức đưa vào trang bị, đây sẽ là cỗ máy ngầm độc đáo hàng đầu thế giới bởi sự đa năng và tối tân của chúng.
Về thiết kế, BlueWhale được trang bị một cột ống lồng cao, trên đó được gắn hệ thống radar quang điện tử để phát hiện các mục tiêu trên biển và ven bờ.
Tàu còn được trang bị hệ thống ăng-ten liên lạc vệ tinh được lắp đặt trên cột buồm cho phép truyền dữ liệu thu thập được trong thời gian thực tới các sở chỉ huy, ở bất kỳ đâu trên thế giới, trên biển hoặc trên đất liền.
Dữ liệu phát hiện tàu ngầm và thu thập thông tin tình báo âm thanh được thực hiện bằng cách sử dụng sonar mảng kéo dài vài chục mét cũng như thông qua sonar mảng sườn với máy thu được lắp đặt ở cả hai bên của tàu ngầm không người lái.
Một sonar khẩu độ tổng hợp chuyên dụng được lắp đặt ở hai bên của tàu ngầm không người lái được sử dụng để phát hiện thủy lôi. Ngoài ra, BlueWhale được trang bị bộ cảm biến giúp đảm bảo quá cảnh tự động an toàn dưới nước hoặc gần bề mặt.
"Dựa trên khả năng kỹ thuật tiên tiến của mình, Công ty Elta của IAI lần đầu tiên trên thế giới đã phát triển và thử nghiệm thành công tàu ngầm không người lái hoàn toàn tự động dưới nước có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau", Yoav Tourgeman, phó chủ tịch IAI cho biết.
Vị phó chủ tịch này cho biết thêm, BlueWhale có thể thực hiện hầu hết các nhiệm vụ của một tàu ngầm có người lái, trong khoảng thời gian vài tuần, với chi phí và bảo trì tối thiểu. Tất cả những nhiệm vụ được hoàn thành ngay cả trong điều kiện nguy hiểm với tàu có người lái.
Để có thể hoạt động độc lập trên biển và hoàn thành nhiệm vụ của mình, BlueWhale được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ vậy, con tàu có thể xử lý những tình huống phát sinh trong chuyến hải trình của mình mà không cần có sự can thiệp của con người.
Theo National Interest, trước khi công bố thế hệ tàu ngầm AI không người lái, Israel đang sở hữu lực lượng tàu ngầm đầy uy lực, khi tất cả đều được cho là có trang bị vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, ba tàu ngầm lớp Dolphin là át chủ bài đưa nước này thành cường quốc quân sự thế giới, cũng như đóng vai trò chốt chặn an ninh cuối cùng, sẵn sàng trả đũa hạt nhân nếu Israel bị tấn công.
Israel lần đầu hoàn thiện vũ khí hạt nhân vào đầu thập niên 1970 để trang bị cho bom thông thường và tên lửa đạn đạo Jericho. Việc các thành phố bị trúng tên lửa đạn đạo của Iraq trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 khiến Israel tin rằng họ cần sở hữu bộ ba hạt nhân trên bộ, trên biển và đất liền để tối đa hóa khả năng răn đe và đảm bảo sự sống còn của quốc gia.
Trong bộ ba này, các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân thường là khí tài có khả năng sống sót cao nhất. Chúng có thể ẩn mình dưới lòng đại dương trong nhiều tháng, thực hiện các chuyến tuần tra bí mật và sẵn sàng nhận lệnh phóng tên lửa.
Khả năng trả đũa hạt nhân của Israel được xây dựng trên nền tảng răn đe, khiến mọi kẻ thù tiềm tàng phải cân nhắc kỹ trước khi tấn công. Năm 1988, trước khi Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, Israel đặt mua ba tàu ngầm từ Đức, dù không chắc chúng có thể mang được vũ khí hạt nhân hay không.
Tới đầu thập niên 1990, ba tàu Dolphin, Leviathan và Tekuma được hạ thủy nhưng chỉ được biên chế trong giai đoạn 1999-2000. Mỗi tàu lớp Dolphin được trang bị tổ hợp sonar CSU-90-1, gồm sonar chủ động DBSQS-21D và thụ động AN 5039A1, cùng sonar đo xa thụ động PRS-3-15 và sonar mảng pha thụ động bên hông FAS-3-1.
Bản tàu ngầm Dolphin của Israel được trang bị 10 ống phóng ngư lôi ở mũi, gồm 6 ống cỡ 533 mm tiêu chuẩn và 4 ống phóng cỡ 650 mm, có thể khai hỏa nhiều vũ khí do Đức, Mỹ và Israel chế tạo như ngư lôi hạng nặng DM2A4 Seahake Mod 4 và tên lửa diệt hạm UGM-84 Harpoon.
Các tàu Dolphine được cho là có hệ thống vũ khí dẫn đường bằng sợi quang học với tầm hoạt động hơn 14 km, giúp chúng có khả năng tấn công trực thăng, tàu mặt nước và mục tiêu bờ biển.
Bốn ống phóng ngư lôi 650 mm đóng vai trò then chốt trong khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Israel. Ngoài khả năng rải thủy lôi, triển khai và thu hồi thợ lặn, chúng còn có thể phóng tên lửa hành trình hạt nhân, đặc biệt là dòng Popeye.
Việc sở hữu ba tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân giúp Israel đủ sức triển khai ít nhất một tàu trực chiến trên biển ở mọi thời điểm để duy trì khả năng răn đe. Tàu Dolphin có thể mang 16 ngư lôi và tên lửa, trong đó gồm ít nhất 8 quả mang đầu đạn hạt nhân.
Giữa thập niên 2000, Israel đặt mua thêm tàu ngầm lớp Dolphin II. Chúng khá giống lớp tàu trước đó, nhưng được bổ sung một khoang dài 11m để chứa Hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép tàu lặn lâu hơn nhiều so với tàu ngầm diesel-điện thông thường.
Chính phủ Đức đã nhận hợp đồng đóng thêm ba tàu ngầm lớp Dolphin cho Israel. Lực lượng gồm 6 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân sẽ tăng cường đáng kể ưu thế răn đe của Israel tại Trung Đông.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhiem-vu-cua-tau-ngam-ai-dau-tien-post637484.html