Nhiệm vụ đặc biệt (kỳ 1)
Gặp lại cựu điệp viên quê gốc Quảng Nam Hồ Duy Hùng (Chín Chinh) - nhân vật trong bài viết 'Tròn nửa thế kỷ phi vụ có một không hai của tình báo Việt Nam: Đánh cắp máy bay' (đăng trên Chuyên đề ANTG đầu tháng 11/2023), tôi được nghe kể thêm câu chuyện hấp dẫn về những năm tháng ông bay trong vùng trời của đất nước mình và được hít thở khí trời tự do.
“Đó là niềm hạnh phúc dâng trào, cảm giác sung sướng lớn nhất của cuộc đời tôi cho đến bây giờ”, Chín Chinh bộc bạch. Ít ai nghĩ rằng, nhiệm vụ mới trên bầu trời xanh của một phi công từng có thời gian hoạt động bí mật giữa hai làn đạn sau sự kiện 30/4/1975 như ông lại rất cam go, quyết liệt, thậm chí có lúc, lằn ranh sinh - tử rất mong manh...
Sau phi vụ “đánh cắp” thành công chiếc máy bay trực thăng UH-1 của quân đội Sài Gòn vào ngày đầu tháng 11/1973, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Miền, Chín Chinh đã lái phương tiện này về giấu ở vùng biên giới Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Hơn một tháng sau, có các đoàn phi công và kỹ sư trực thăng của Không quân ta từ miền Bắc vào để tập điều khiển loại trực thăng này với sự hướng dẫn của ông. “Đây là bước chuẩn bị mang tầm chiến lược”, Chín Chinh nhận định. Nhưng huấn luyện ở đâu?
Xe “cõng” máy bay
“Bấy giờ, khi bàn bạc, tôi nhận thấy nếu cất cánh bay lên từ vùng biên giới Lộc Ninh chắc chắn địch sẽ phát hiện bắn hạ hoặc ném bom phá hủy ngay. Sau khi báo cáo lên trên, chúng tôi được lệnh tìm cách đưa máy bay ra miền Bắc để phục vụ huấn luyện. Điều khó là bay ra Bắc thì không tới vì quá xa và nguy cơ bị địch bắn hạ dọc đường càng cao. Nát óc suy nghĩ, rốt cuộc chỉ còn cách duy nhất là… dùng xe chở trực thăng”, Chín Chinh nhớ lại.
Ông Năm Lâm, Trưởng Ban quân báo của Quân khu Sài Gòn - Gia Định khi nghe mệnh lệnh này, đã phải thốt lên với Chín Chinh: “Lấy xe cõng máy bay, tao mới nghe lần đầu”. Tuy nhiên, qua gần một tháng gian nan, chiếc UH-1 cũng được đoàn xe tải đưa về tới sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây), trở thành quân số của Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 919.
Ít ai hình dung hết quá trình vận chuyển rất vất vả để đưa chiếc UH-1 cồng kềnh vượt qua quãng đường 2.000 cây số, trong đó có hơn 1.000 cây số là đường Trường Sơn với liên tiếp đèo cao, vực sâu… Chín Chinh cho biết, trước lúc di chuyển, chiếc UH-1 được tháo 2 cánh quạt chính, 2 cánh quạt đuôi, ống đuôi và bộ càng hạ cánh. Tiếp đó, thân trực thăng được đặt lên một chiếc xe tải Zin 157 đã được gỡ bỏ thùng xe; ống đuôi và 2 cánh quạt chính được xếp lên một chiếc Zin 157 khác; các thứ còn lại do một chiếc Gaz 63 chở. Tất cả được chằng chống, ràng buộc cẩn thận,…
Hai chiếc xe chở ống đuôi, cánh quạt và các thứ khác khá gọn, có bị dài hơn thùng xe nhưng không cao. Riêng chiếc chở thân trực thăng thì quá khổ, bề ngang rộng hơn thân xe mấy tấc, dài ra sau hơn cả mét còn chiều cao đến hết trục cánh quay chính gần cả 5,5 mét tính từ mặt đất.
Một chiều muộn cuối tháng 3/1974, đoàn xe 4 chiếc xe xuất phát. Những quãng đường qua địa phận đất bạn Campuchia, xe dường như di chuyển suốt đêm. Cứ khoảng trên 100 cây số có một binh trạm. Đoàn thường nghỉ lại ban ngày tại các binh trạm nếu chạy ban đêm hoặc ngược lại để ăn uống, nạp xăng dầu, sửa chữa xe, nhận thêm lương thực dự phòng...
100 cây số đường như bây giờ thì không là gì nhưng đường Trường Sơn trong chiến tranh lại khác, nhiều khi chạy cả đêm hoặc cả ngày mới hết một cung đường, nhiều đèo dốc xe chỉ bò số 1, hoặc dùng cả cầu trước, cả “xút” - số mạnh nhất để tăng sức mạnh cho động cơ. Chiếc xe chở thân trực thăng mà Chín Chinh ngồi là vất vả nhất, phải cẩn thận chậm chạp khi lên dốc xuống ngầm, bò qua các… ổ trâu, ổ voi và mệt nhất là không biết bao nhiêu lần trong mỗi 24 giờ trôi qua, ông phải leo lên phía trên máy bay để gỡ dây nhợ điện đài của bộ đội thông tin giăng ngang đường bị vướng vào trục chiếc trực thăng. Còn với cây lồ ô và các cây khác ngả nghiêng qua đường, chỉ còn cách duy nhất là phải dùng dao rựa để chặt.
“Gặp mấy cơn mưa cuối mùa, đường trơn như đổ mỡ, có mấy lần xe suýt trôi xuống vực hoặc gặp đoàn xe kéo pháo, xe chở bồn chứa dầu chạy vào Nam, mình phải nép sát vào lề đứng chờ. Chờ mà lo thót tim bởi chỉ cần mấy xe lớn sơ ý quẹt nhẹ là xe mình rớt xuống vực sâu ngay. Thật hơn cả sức tưởng tượng”, Chín Chinh nhớ lại.
Về đến Sơn Tây, Chín Chinh thở phào, cảm thấy ấm áp khi được biết Không đoàn trưởng và chính trị viên đều cùng quê Quảng Nam với ông. Điều mừng nhất là chiếc UH-1 được lắp ráp lại như cũ bằng dụng cụ chuyên môn, được vệ sinh sạch sẽ hết lớp bụi Trường Sơn, chỉ tiếc là kính buồng lái bị thủng một lỗ bằng miệng bát do va chạm trên đường. Các anh vá lại và vá luôn các lỗ thủng do lúc “đánh cắp” xong, Chín Chinh bay về từ Đà Lạt, trong lúc tìm chỗ đáp, quân ta tưởng máy bay địch bắn xối xả…
“Trông ổn nhưng chúng tôi cũng rất lo, bởi không biết có hỏng hóc chỗ nào mà mình chưa phát hiện không. Hôm tôi bay thử lần đầu, dù chẳng… biết lái nhưng chú Tường Long - chuyên viên kỹ thuật hàng không, cùng di chuyển từ Nam ra với tôi, lên ngồi ghế lái phụ. Tôi bảo để tôi bay một mình coi có ổn không, lỡ có việc gì thì sao, nhưng chú ấy nhất quyết bay cùng tôi. Tất nhiên, chuyến bay thử an toàn”, Chín Chinh kể.
Mấy ngày sau, Chín Chinh được lệnh chuẩn bị để hôm sau bay về sân bay Miếu Môn cách đó không xa để Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem nhân khi Đại tướng đến làm việc tại đây. Lần này, ông Tường Long kiểm tra hết sức kỹ lưỡng thêm lần nữa. Ông leo lên ống đuôi, lấy tay vặn từng con tán gắn hộp số 90 độ giữ cánh quạt đuôi vào ống đuôi. Thường thì chỉ cần đứng dưới đất nhìn vạch sơn màu vàng đánh dấu giữa con bù lon và con tán tự khóa, nếu thấy không xê dịch nhau là được. Có lẽ do có nhiều kinh nghiệm nên ông Long đã không tin vào vạch sơn mà dùng tay vặn.
“Trời ơi, quá may, có 3/6 con bù lon giữ hộp số cánh quạt đuôi với ống đuôi đã bị đứt giữa thân không thể nhìn thấy, có lẽ do bị lắc ngang quá nhiều trên đường vận chuyển. Chúng tôi đều sợ xanh mặt. Nếu hôm bay thử hoặc lúc bay cho Đại tướng xem mà cái đuôi bay ra thì hỏng bét. Một lần nữa, tôi lại gặp may thoát chết. Mỗi lần nhớ lại tình huống đó, tôi còn sợ và càng nhớ ơn chú Tường Long”, Chín Chinh kể thêm.
Chưa tới một năm sau, khi giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975), các phi công (trước đó chỉ lái được trực thăng do Liên Xô sản xuất) từng được Chín Chinh huấn luyện vào sân bay tiếp quản và bay các chiếc UH-1 của địch để lại một cách thành thạo trước sự kinh ngạc của nhiều người...
Hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, Chín Chinh bị sốt rét, phải vào Viện Quân y 105 nằm gần cả tháng điều trị. Khi xuất viện, ông liên hệ với Trạm 66 Bộ Tổng tham mưu để tìm xe chở hàng quá giang trở về lại miền Nam. Do thiếu tài xế, nên ông trở thành lái chính, ôm vô lăng chiếc Hồng Hà chạy vào. Bên cạnh món quà rất thiết thực mà đồng đội gởi ông mang theo hôm đó (xôi gấc, trà, mứt gừng), ít ai biết trên xe còn có món hàng đặc biệt, đó là thùng vàng mà hậu phương miền Bắc gửi cho tiền tuyến miền Nam. Ba tuần sau, Chín Chinh về đến B2, kịp đón Tết Ất Mão 1975.
Bay thử… bất đắc dĩ
Sau 30/4/1975, Chín Chinh về với Không quân. “Thật ra tôi đã rời khỏi đơn vị Quân báo Sài Gòn - Gia Định từ sau khi cấp trên không đồng ý cho thực hiện phi vụ “Quỷ khóc thần sầu” - được xem là phần hai của điệp vụ “Xuất quỷ nhập thần” - dùng chiếc UH-1 mang khối thuốc nổ khoảng 500kg, di chuyển dọc theo sông Sài Gòn để ném xuống dinh Độc Lập vào sáng 1/1/1974, như dự tính ban đầu”, Chín Chinh cho biết.
Kể thêm về Trung đoàn không quân 917 (còn gọi là Đoàn C17, Đoàn Không quân Đồng Tháp) - đơn vị mà Chín Chinh là một trong số 21 người đầu tiên (gồm số phi công lái trực thăng của Tiểu đoàn 5 Lữ đoàn Không quân 919 và một số anh em bên máy bay có cánh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau ngày 30/4/1975) khi mới được thành lập, Chín Chinh cho biết đây là một đơn vị máy bay trực thăng quân sự, thuộc Lữ đoàn 919, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân QĐND Việt Nam - đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng LLVTND). Đơn vị này được thành lập (21/5/1975) nhằm bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Nam. Lúc mới thành lập, đơn vị đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất (quản lý, sử dụng các máy bay, trực thăng chiến lợi phẩm, như: L-19, U-17, UH-1, CH-47); về sau, chuyển về sân bay Trà Nóc - gần Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiện nay.
“Chúng tôi có nhiệm vụ thu gom, kiểm tra bảo quản số UH-1 và CH-47 với sự giúp sức của một số phi công và kỹ thuật viên “thu dung” (từng thuộc chính quyền Sài Gòn được ta trưng dụng lại một thời gian ngắn - PV). Việc rất nhiều nên anh em hết sức bận rộn. Và tôi bất đắc dĩ trở thành “phi công bay thử”; chịu trách nhiệm ký cho bay các máy bay thấy an toàn kể cả những chiếc… không có lý lịch”, Chín Chinh nhớ lại.
Thực tế theo quy định của nhiều trường hàng không, trong đó có Trường Hàng không lục quân Quốc gia Hunter (bang Georgia, Hoa Kỳ) mà Chín Chinh từng là học viên và khi ra trường được cấp chứng nhận loại giỏi vào năm 1970, chỉ phi công chuyên nghiệp có chứng nhận “Test Pilot” mới được phép lái các máy bay mới xuất xưởng và sau đại tu. Trong khi Chín Chinh, ngoài cái giấy được cấp sinh hoạt phí của đơn vị cũ - quân Giải phóng miền Nam, cả năm trước đó, ông không có một mảnh giấy nào điều động về đây, may là được ăn uống theo chế độ phi công.
Không phải chỉ… bay thử, Chín Chinh còn làm giáo viên, huấn luyện chuyển loại qua UH-1 vận tải và vũ trang cho hầu hết phi công của đơn vị. Khi có cán bộ cao cấp cần đi các tỉnh hay ra các đảo, ông được ưu tiên giao bay. Công việc đã là như thế nhưng mãi đến gần cuối 1975, ông mới có giấy được phê chuẩn “Giáo viên bay loại UH-1” do Bộ Tư lệnh Tiền phương cấp.
Trong ký ức về những ngày đó, ông vẫn không quên lần được lệnh lái chiếc UH-1 bay trinh sát thị uy trên bầu trời Sài Gòn. “Khi đó, thành phố chưa được chính thức mang tên Bác nhưng từ trong bầu trời của một ngày mới ngập nắng ấm, nhìn thành phố nhộn nhịp nhưng thanh bình, không còn bóng quân thù, tôi cảm giác hạnh phúc dâng trào”, Chín Chinh bộc bạch. Đặc biệt, lúc bay qua tòa nhà từng là trụ sở Cục An ninh quân đội Sài Gòn (trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm), nơi mà ông bị địch giam cầm, thấy lá cờ đỏ sao vàng phất phới, lòng ông xúc động khó tả.
Chín Chinh kể, vào ngày 12/3/1971, khi vừa thực hiện một phi vụ trở về, ông bị hai sĩ quan của Phòng an ninh Sư đoàn 2 Không quân (thuộc quân đội Sài Gòn) tịch thu súng và bắt ngay trước phòng trực ban của phi đoàn ở sân bay Nha Trang. Sau đó, ông bị đưa vào Cục An ninh quân đội Sài Gòn để phục vụ điều tra.
Lúc đầu bị giam tại phòng số 10, sau đó Chín Chinh được đưa sang phòng số 13. Tại đây, ông mới được biết đấy là căn phòng mà 6 năm trước đó, đồng chí Phạm Ngọc Thảo - một trong những nhà tình báo xuất sắc nhất của ta, hoạt động dưới vỏ bọc là sĩ quan cao cấp của quân lực VNCH, bị tra tấn dã man đến lúc hy sinh.
Cũng tại căn phòng số 13, Chín Chinh đã nhớ lại và vận dụng kinh nghiệm của những cán bộ Cách mạng kiên trung đi trước, đối phó với địch bằng 2 chữ L và 2 chữ T. Theo giải thích của ông, chữ “L” đầu tiên là “Lý”, tức dùng lý lẽ để cãi; chữ “L” còn lại là “Lỳ”, tức cố ráng chịu tra tấn chứ nhất quyết không khai báo. Còn 2 chữ “T”, chữ “T” thứ nhất là “Tẩu”, tức đào tẩu; vượt ngục; chữ “T” còn lại là “Tử”, tức là chết, tự sát. Tôi dùng chữ “L” đầu tiên và đã có kết quả.
“Tôi bị giam giữ ở Cục An ninh quân đội Sài Gòn gần 5 tháng, với dồn dập những cuộc thẩm vấn. Đến ngày 30/7/1971, tôi bị sa thải khỏi không lực VNCH vì “khai man lý lịch, có nhiều thân nhân hoạt động cho cộng sản, có tư tưởng thiên cộng”. Sau đó, tôi bị địch giam thêm 3 tháng ở Tổng nha Cảnh sát với những cuộc thẩm vấn kỹ hơn. Không khai thác được gì thêm, địch chuyển tôi về bót Ngô Quyền làm các thủ tục giải giao về cho Ty cảnh sát Gia Long (Đà Nẵng) để quản lý ở địa phương”, Chín Chinh kể.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhiem-vu-dac-biet-ky-1--i735656/