Nhiệm vụ nặng nề của ngành ngân hàng
Trung bình tăng trưởng tín dụng hơn 2% sẽ giúp GDP tăng trưởng 1%. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đến 10% trong năm 2025, mức tăng trưởng tín dụng phải đạt từ 18 - 20%.
![Ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_95_51456847/469f0e45390bd055891a.jpg)
Ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế
Cầu vốn tiếp tục tăng
Năm nay, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 8% và có thể chấp nhận một phần rủi ro về lạm phát (tăng khoảng 4,5%), đồng thời chấp nhận bội chi ngân sách 3,6% (hàm ý tăng cường mạnh mẽ giải ngân đầu tư công)... cho thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế rất mạnh mẽ. Theo đó, thị trường kỳ vọng các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng sẽ có những tín hiệu tích cực hơn.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB nhận định, với thông điệp kỷ nguyên vươn mình của đất nước, thị trường đã chứng kiến các hành động quyết liệt của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, bộ máy quản lý nhà nước, giải quyết các điểm nghẽn về pháp lý cho các dự án bất động sản, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Niềm tin của doanh nghiệp đã được cải thiện tích cực trong thời gian qua và điều này sẽ kích thích hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dẫn đến tăng cầu tín dụng trong 2025. Về thương mại trên toàn cầu, chúng ta có thể chứng kiến một làn sóng FDI chuyển dịch mới vào Việt Nam nếu Việt Nam thành công trong việc hóa giải các căng thẳng về thương mại.
“Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho năm nay là hoàn toàn khả thi. Tôi tin tăng trưởng tín dụng sẽ thuận lợi hơn trong năm 2025”, ông Hải nói.
Mặc dù chi tiêu không thiết yếu đã tạo đáy và đang cải thiện với tốc độ chậm, phản ánh tăng trưởng thu nhập khả dụng của người dân vẫn chưa thực sự khởi sắc nhưng các lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cơ cấu nợ của khối doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất khác. Đồng thời, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_95_51456847/d7498193b6dd5f8306cc.jpg)
Năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã vượt mức 15% và bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt 16%. Nhận định này dựa trên hai căn cứ chính: Thứ nhất, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025, được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và thương mại cải thiện khi nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên, sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm nay; thứ hai, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao sẽ tạo việc làm mới và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng quan điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng một cách linh hoạt để kích thích tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, nhà điều hành sẽ không thay đổi lãi suất mang tính định hướng như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, mà linh hoạt điều chỉnh lãi suất trên thị trường mở để điều tiết tỷ giá và thanh khoản hệ thống.
“Mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ trở lại, khoảng 50 điểm cơ bản khi các hoạt động kinh tế quay trở lại, nhưng ít ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng”, TS. Hiếu dự báo.
Xung quanh câu chuyện tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngành ngân hàng, ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating dự phóng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) sẽ tăng nhẹ lên 1,6% trong năm 2025 từ mức 1,55% của năm 2024, đi kèm với tăng trưởng tín dụng từ 15 - 16% trong năm 2025.
Theo ông Hưng, nhu cầu tín dụng kỳ hạn dài hơn từ doanh nghiệp và cho vay mua nhà sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp một phần chi phí vốn cao hơn và ghi nhận NIM mở rộng từ 5 - 10 điểm cơ bản lên mức 3,5%. Chi phí tín dụng của các ngân hàng có vốn nhà nước và một số ngân hàng lớn sẽ giảm khi chất lượng tài sản cải thiện.
Tăng trưởng tín dụng có thể đến 20%
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, hướng đến 10% là con số rất ấn tượng, nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề của ngành ngân hàng
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu quan điểm, muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn đầu tư thì phải có vốn để bảo đảm phát triển. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8%, hướng đến 10% là con số rất ấn tượng, nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề của ngành ngân hàng. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Nói cách khác, trung bình tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2% sẽ giúp tăng trưởng GDP 1%.
“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%”, Phó Thống đốc nói và cho biết thêm, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng là 15,5 triệu tỷ đồng và trong năm qua, nền kinh tế được bơm thêm khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Cả năm 2024, doanh số cho vay của ngành đạt 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.
Vấn đề được đặt ra là, làm sao để hệ thống ngân hàng có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán vẫn còn những vấn đề cần củng cố, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khó phục hồi mạnh trong thời gian tới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…
“Đây là các phương pháp và cách thức điều hành nói chung. Cụ thể hơn, phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các nhà thương mại, qua đó, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhận định, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát hiệu quả trong 10 năm qua, duy trì tăng trưởng kinh tế 6 - 7% mà không cần tăng trưởng tín dụng trên 20%. Việc cung tiền chủ yếu thông qua cấp tín dụng nên kiểm soát hoạt động tín dụng của ngân hàng đóng vai trò quan trọng để tránh lạm phát. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn trong việc giám sát, đảm bảo tín dụng được sử dụng đúng mục đích, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Nhận định tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Tăng trưởng kinh tế sẽ có nhiều yếu tố tác động, chứ không chỉ “bơm tiền”, tăng cung tiền. Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng, mà phải cải thiện thị trường tài chính một cách toàn diện, cân bằng hơn; trong đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhiem-vu-nang-ne-cua-nganh-ngan-hang-post363070.html