Nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 06/11/2024, Thủ tướng ban hành Quyết định 1337/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, một trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ; hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tường yêu cầu các Bộ, nghành, đơn vị hữu quan: Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy mô, tiến trình đầu tư) và phát huy lợi thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế, giảm chi phí vận tải; theo đó:
+ Phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các công trình giao thông nhằm phát huy tính chủ động của các địa phương và huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn vùng.
+ Nghiên cứu đầu tư, mở mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ và cải tạo tuyến đường tỉnh kết nối với khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ khi có đủ điều kiện, như tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT.24); Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) (CT.27); Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước); đoạn tuyến Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) - Pleiku (tỉnh Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông); tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh (CT.20) kết nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) và bổ sung đầu tư tuyến Quảng Ngãi - Kon Tum giai đoạn trước năm 2030 khi đảm bảo các yêu cầu và điều kiện theo quy định;
+ Tổ chức lập quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không (Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột) và tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hành không tiềm năng (khi có nhu cầu) tại Kon Tum, Đắk Nông;
+ Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch và từng bước nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Chơn Thành), phát triển hệ thống cảng cạn trên địa bàn vùng theo quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung phát triển mạng lưới thủy lợi theo hướng hiện đại, chủ động cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh; hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đập dâng lớn bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân phù hợp với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tây Nguyên là vùng thuộc Miền Trung nước ta. Hiện nay Tây Nguyên không có thành phố trực thuộc trung ương và có 05 tỉnh bao gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó, phía Bắc giáp Quảng Nam, phía Nam giáp Đồng Nai, Bình Phước, phía Đông với Quảng Ngãi và Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tây Nguyên có 06 thành phố cụ thể:
- Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
- Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
- Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
- Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
- Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
- Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.