Nhiệm vụ trọng tâm và đột phá

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong toàn hệ thống giáo dục đại học năm học 2024-2025.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là AI trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học; thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông. Đồng thời triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ…; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao của Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Như vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá mà Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo thực hiện trong năm học 2024-2025 là tăng cường ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Vì sao Bộ GD&ĐT lại đặt ra yêu cầu nêu trên vào lúc này? Trước hết, hiện nay trên thế giới có hơn 50% trường tiểu học, trung học và đại học dựa vào AI để hỗ trợ quy trình hành chính. Đặc biệt, việc ứng dụng AI trong giáo dục sẽ mang lại những lợi ích vô hạn, như giúp giáo viên đảm nhận những nhiệm vụ mất nhiều thời gian, chấm điểm, duy trì báo cáo, nâng cao khả năng nhận thức và tiếp thu trong trường học ảo; kiểm tra bài tập về nhà, chấm điểm bài kiểm tra, báo cáo thống kê, thuyết trình, ghi chú cùng các nhiệm vụ quản trị khác.

Ngoài ra, việc tích hợp AI vào giáo dục sẽ tự động hỗ trợ những tác vụ đơn giản, lặp đi lặp lại, giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn dành cho những nhiệm vụ quan trọng khác. Đặc biệt hơn là AI có khả năng giúp giáo viên và chuyên gia nghiên cứu sáng tạo ra nội dung phù hợp, thuận tiện cho việc giảng dạy và học tập. Vì thông thường, giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian để chuẩn bị tài liệu giảng dạy. Nhưng khi có AI sẽ giảm bớt khối lượng công việc này bằng cách tạo ra các câu đố, phiếu bài tập và tài nguyên giáo dục phù hợp với mục tiêu và tiêu chuẩn của chương trình giảng dạy. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp giáo viên dễ dàng điều chỉnh tài liệu để đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của học sinh.

Như vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá mà Bộ GD&ĐT đã giao cho các cơ sở đào tạo thực hiện trong năm học 2024-2025 không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo hơn cho sinh viên. AI có thể hỗ trợ phân tích nhu cầu học tập của sinh viên, cá nhân hóa chương trình học, giúp giảng viên theo dõi tiến độ và kết quả học tập một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Và chỉ đạo nêu trên của Bộ GD&ĐT không những kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước mà còn phù hợp với tiến trình phát triển giáo dục trên thế giới.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/161896/nhiem-vu-trong-tam-va-dot-pha