Nhiên liệu sinh học - 'cứu tinh' của ngành công nghiệp ô tô Italy
Theo mạng tin Financial Times, tuyên bố của các Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) làm tăng hy vọng về ngoại lệ đối với luật khí thải.
Tại một cuộc họp ở Nhật Bản vào cuối tuần trước, các Bộ trưởng Môi trường của các nước G7 đã tạo cho ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học của Italy một cú hích lớn.
Tháng 3/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua luật cấm ô tô động cơ đốt trong từ năm 2035, bao gồm cả những ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học làm từ thực vật hoặc chất thải động vật. Mục tiêu là làm cho tất cả ô tô châu Âu đều chạy bằng động cơ điện không gây ô nhiễm, "một đòn giáng mạnh" vào các nhà sản xuất ô tô và linh kiện của Italy và Đức, cũng như các công ty đầu tư mạnh vào nhiên liệu làm từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhưng hy vọng của Italy về việc đảm bảo một ngoại lệ đối với lệnh cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học lại bùng lên do tuyên bố của các Bộ trưởng G7 tại Nhật Bản đã đề cập đến cả nhiên liệu điện tử và nhiên liệu sinh học như một lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường và khí hậu cho xăng và dầu diesel.
EU đã đạt được một ngoại lệ. Sau một cuộc đàm phán vào phút cuối, Brussels và Berlin đã đạt được một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm loại trừ khỏi lệnh cấm ô tô chạy bằng nhiên liệu điện tử - loại nhiên liệu tổng hợp được tạo ra bằng cách kết hợp hydro chiết xuất từ nước với carbon lấy từ không khí.
Các công ty sản xuất ô tô Đức, chẳng hạn như Porsche, đã đầu tư rất nhiều vào nhiên liệu điện tử sau vụ bê bối khí thải động cơ diesel của ngành này. Thỏa hiệp vào phút cuối có nghĩa là Brussels cuối cùng có thể thông qua luật khí thải với sự hỗ trợ của Đức, bất chấp sự phản đối của một nhóm quốc gia, bao gồm cả Italy.
Ngoại lệ mà Berlin có được đã bị Italy "phàn nàn" rằng ngoại lệ đó được tạo ra để giúp các công ty Đức. Một giám đốc điều hành ô tô kỳ cựu của Italy nói: "Đức rất tích cực thực thi các quy tắc của EU, trừ khi các quy tắc đó có khả năng tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của chính họ".
Nhưng một số giám đốc điều hành ngành ô tô và năng lượng của Italy lại coi quyết định về nhiên liệu điện tử của EU là một tin tốt vì nó "mở ra cơ hội cho các trường hợp ngoại lệ một cách hiệu quả". Họ nói rằng nhiên liệu sinh học sẵn có, cũng rẻ hơn nhiên liệu điện tử, có thể là một ngoại lệ khác.
Cả nhiên liệu điện tử và nhiên liệu sinh học đều không tuân thủ về mặt kỹ thuật với luật phát thải bằng không của EU. Và có một cuộc tranh luận mở giữa các nhà khoa học và chuyên gia về việc liệu nhiên liệu điện tử và nhiên liệu sinh học có thể được coi là trung hòa carbon hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành của Italy từ lâu đã ủng hộ nguyên tắc "trung lập về công nghệ" khi đề cập đến các mục tiêu khí hậu, theo đó EU nên tự giới hạn ở việc đặt ra các mục tiêu, để các quốc gia thành viên tự do tìm cách đạt được chúng.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Eni của Italy hiện đang sản xuất 1,1 triệu tấn nhiên liệu sinh học mỗi năm, sau khi đã chuyển đổi 2 nhà máy lọc dầu trong nước thành nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Một nhà máy lọc dầu sinh học khác đang được xây dựng. Eni cũng đã tích hợp theo chiều dọc chuỗi cung ứng của mình bằng cách nhập khẩu dầu thực vật (không bao gồm dầu cọ) để sản xuất nhiên liệu sinh học từ các nhà máy của họ ở châu Phi.
Tập đoàn Eni cho biết đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 5 triệu tấn mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Eni cũng là nhà sản xuất dầu thực vật đã qua xử lý hydro (HVO) hàng đầu châu Âu, một loại dầu diesel được sản xuất hoàn toàn từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia trong ngành cho biết Đức đang coi nhiên liệu điện tử là một lựa chọn tiềm năng để tránh phải chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp ô tô lớn nhất châu Âu của họ sang xe điện. Tuy vậy, một báo cáo của Viện nghiên cứu khí hậu Potsdam cho biết nhiên liệu điện tử có thể sẽ bị thiếu hụt trong một thời gian dài sắp tới. Nhà nghiên cứu Falko Ueckerdt cho biết ngay cả khi thị trường tăng tốc, nguồn cung toàn cầu vào năm 2035 thậm chí sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của Đức về hàng không, vận chuyển và hóa chất.
Sau cuộc bầu cử quốc hội châu Âu vào năm tới, các quan chức ở Rome và Milan đang hy vọng mở lại các cuộc đàm phán với "một EC mới" sau nhượng bộ nhiên liệu điện tử. Bộ trưởng Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin đã nói vào cuối tuần qua rằng: "Chúng ta phải bắt đầu lại cuộc đối thoại với các nước châu Âu để đạt được các giải pháp dựa trên dữ liệu tốt nhất (nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải). Nhiên liệu sinh học sẽ có thể thay thế xăng và dầu diesel và cứu ngành công nghiệp ô tô của Italy"./.