Nhiếp ảnh gia Anh chụp được khoảnh khắc 'tỷ lần có một'

Nhiếp ảnh gia Anh Andrew Fusek Peters chụp được bức ảnh gây kinh ngạc về chim sẻ ngô xanh trong khoảnh khắc 'tỷ lần có một'.

 Nhờ góc chụp và hiệu ứng ánh sáng, đôi cánh của con chim sẻ ngô xanh chuyển thành màu cầu vồng. Ảnh: Andrew Fusek Peters.

Nhờ góc chụp và hiệu ứng ánh sáng, đôi cánh của con chim sẻ ngô xanh chuyển thành màu cầu vồng. Ảnh: Andrew Fusek Peters.

Một “sự sắp đặt kỳ lạ của tự nhiên” đã giúp nhiếp ảnh gia chuyên về động vật hoang dã Andrew Fusek Peters có thể chụp được những bức ảnh hiếm hoi về các loài chim ở Anh, cho thấy ánh sáng khúc xạ qua đôi cánh của chúng tạo thành hiệu ứng cầu vồng, BBC đưa tin hôm 20/2.

Andrew Fusek Peters nói rằng anh rất “kinh ngạc” trước những hình ảnh này.

Ban đầu, vị nhiếp ảnh gia chỉ đang chụp ảnh một con chim sẻ ngô xanh trong vườn nhà ở Shropshire. Anh đã dành vài tuần qua để thực hiện một bộ sưu tập các loài chim đến thăm vườn.

“Chúng thật đẹp”, anh nói.

Vị nhiếp ảnh gia cho biết chỉ có thể chụp được những chú chim dưới ánh nắng mùa đông.

Peters giải thích rằng anh đã chụp ảnh những con chim trong khu vườn nhà trong suốt thập kỷ qua và lúc cho chim ăn vào mùa đông là thời điểm tốt nhất để chụp ảnh.

Nhưng rồi một hình ảnh gần đây đã đặc biệt thu hút sự chú ý của anh. “Tôi dựng một chiếc gậy với những hạt thức ăn và chụp ảnh qua cửa sổ nhà bếp”, Andrew Fusek Peters nói.

“Hôm đó là bình minh một ngày tháng 12/2023, một con chim sẻ ngô xanh bay lên, tôi nhìn vào phía sau camera và nhận thấy đó không phải con chim sẻ xanh nữa, đôi cánh chuyển thành màu cầu vồng. Tôi sửng sốt cực độ”, nhiếp ảnh gia kể lại.

Nhiếp ảnh gia Andrew Fusek Peters đã chụp được khoảng 100 bức ảnh ánh sáng khúc xạ qua cánh chim. Ảnh: Andrew Fusek Peters.

Nhiếp ảnh gia Andrew Fusek Peters đã chụp được khoảng 100 bức ảnh ánh sáng khúc xạ qua cánh chim. Ảnh: Andrew Fusek Peters.

“Tôi không biết mình đã làm gì và tại sao lại như vậy cho tới khi tra cứu và nhận thấy rõ ràng hiện tượng này có liên quan đến sự khúc xạ trên các layer khác nhau”.

Anh giải thích: “Hiện tượng biến đổi chỉ có thể chớp được trong một số điều kiện nhất định. Ánh sáng phải ở một góc nhất định, bạn phải hướng vào ánh sáng, bởi nếu tôi ở phía bên kia thì tất cả những gì tôi có được là ánh nắng đầu tiên chiếu lên lũ chim.

“Có đúng khoảng 15 phút vào buổi sáng khi ánh sáng ở đúng góc”.

Peters chụp trong điều kiện “gần tối” bằng máy ảnh có “khả năng tự động lấy nét và chụp thiếu sáng”.

“Chúng tôi sống trong một thung lũng và khi ánh sáng chiếu qua hàng rào, nó sẽ chiếu vào cây gậy đó và những con chim ở ngay đúng góc”.

“Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

“Thật phi thường”.

Một nhiếp ảnh gia Australia có tên Christian Spencer nổi tiếng với những bức ảnh về chim ruồi và hiện tượng này.

“Nhưng tôi nghĩ tôi là người đầu tiên ở Anh làm điều này”, nhiếp ảnh gia ở Shropshire nói.

Anh nói thêm: “Các loài chim trong vườn rất đẹp nhưng chim sẻ ngô xanh đẹp xuất sắc và có khá nhiều”

“Nhưng một con chim sẻ ngô xanh với đôi cánh cầu vồng óng ánh thì cả tỷ con mới có một”, Peters cho hay.

Nhiếp ảnh gia cho biết anh đang thực hiện một cuốn sách ghi lại các loài động vật hoang dã trong vườn, bao gồm các loài chim, cáo và lửng, dự kiến xuất bản vào năm 2025.

Anh cho biết anh đã chụp được khoảng 100 bức ảnh trong tháng qua, nhưng ánh sáng không còn đúng góc để chụp được cầu vồng.

“Tôi đang cố gắng tiếp tục canh góc chụp trong tháng 2 và tháng 3, nhưng tôi phải ngồi trong vườn với máy ảnh, và lũ chim không thích điều đó chút nào”, anh giải thích.

“Tôi đã canh chụp được một tháng và tôi hài lòng với những bức ảnh chụp được”.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhiep-anh-gia-anh-chup-duoc-khoanh-khac-ty-lan-co-mot-post1460997.html