Nhiếp ảnh gia Phước 'khùng': Đắm đuối một tình yêu Đà Lạt

Cái tên Phước 'khùng' không còn xa lạ với người dân, du khách tới Đà Lạt (Lâm Đồng). Bao năm qua, người đàn ông có phần lạ lùng này vẫn thế, vẫn một mình với chiếc máy ảnh cũ, rong ruổi khắp phố phường Đà Lạt để khám phá cái hay, cái đẹp của mảnh đất Tây nguyên.

MPK Phước có con mắt nghệ thuật rất đặc biệt.

MPK Phước có con mắt nghệ thuật rất đặc biệt.

MPK Phước: “Khôn kia dễ bán khùng này khó mua”

Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Đà Lạt, nhưng năm 13 tuổi Nguyễn Văn Phước (SN 1957) đã mê đi bụi, làm những gì mình thích. Nhiều người xem Phước như một gã bụi đời. Nhưng với Phước, anh không bụi như những gã khùng lang thang khắp đầu đường xó chợ. “Tôi chính là hạt bụi lăn vào đời để kiểm chứng cuộc sống này bằng ngũ quan của mình”.

Khoa học phải kiểm chứng, phải thấy được, khoa học nằm trong sách vở là khoa học chết. Đó là điều mà Phước ngộ ra từ rất sớm, cũng là một phần lý do năm 13 tuổi “gã khùng” quyết định “vào đời” để có một cuộc “đại học”. Phước cùng bạn đi bốc vác thuê, mỗi ngày vác 3 tấn lúa, gạo nhưng tiền công cũng chẳng đủ sống.

Thế rồi một lần kia, Phước cùng bạn xuống Hồ Xuân Hương chụp tấm hình làm kỉ niệm, mất 8 đồng/tấm ảnh. Phước chợt nghĩ: “Ô! Hay thế, chỉ cần tách tách là có 8 đồng, gấp mấy lần tiền công đi bốc vác”. Thế rồi Phước cũng góp tiền, mua cái máy ảnh đi chụp ảnh thuê.

“Lúc đó tôi chẳng biết chụp ảnh ra sao cả, bắt chước người ta thôi. Tôi lấy phim, lắp vào máy và bấm, may nhờ có tài câu khách nên có nhiều người thuê. Một lần kia, tôi đem hình đi rửa, mấy người làm ở đó chê ảnh xấu, và chỉ cho tôi phải chụp như thế nào để có một tấm ảnh đẹp. Có thể là từ đó, tôi chính thức trở thành một thợ chụp ảnh”, Phước nhớ lại.

Cái nghề bấm máy giúp Phước kiếm được rất nhiều tiền, thế nên “tên thợ ảnh” bắt đầu ăn chơi, sống buông thả. Một lần Phước dẫn đoàn khách lên Thung lũng tình yêu chụp ảnh, đang chụp ảnh “gã khùng” chợt nghĩ: “Phước ơi! Nếu mi cứ ăn chơi thế này thì chết đi sẽ thành con heo chứ chẳng thành con người được”, thế là Phước mặc kể đoàn khách ở đó.

Phước nhìn lên trời, thấy trời xanh, mây trắng đẹp quá, anh đưa một tay lên trước mắt và bấm máy. Thế là cho ra đời bức ảnh “khát vọng”, nhờ cảm giác hào hứng từ bức ảnh nghệ thuật đầu tiên, Phước ngộ ra nhiều điều, từ đó Phước không còn làm thợ chụp ảnh nữa, anh ta muốn trở thành một nghệ sỹ.

Gia đình yêu thương của Phước.

Gia đình yêu thương của Phước.

Phước yêu thiên nhiên, vũ trụ và có một luận đề riêng về nó. Nhiều người thấy Phước chẳng lo làm ăn, chỉ lo chui rúc ở các xó xỉnh với chiếc máy ảnh cũ mèm. Họ dè bỉu, kêu phước là “gã khùng”. “Lúc đầu tôi nghe họ gọi tôi khùng tôi cũng tự ái lắm, tôi phong độ, lãng tử sao lại bảo tôi khùng”, Phước cười nói.

Thế rồi Phước nghĩ, tên thánh của mình là Michel- là tổng lãnh Thiên Thần, người có uy lực trong kinh Thánh Công giáo, là một biểu tượng đẹp. Tên Phước mà bố mẹ đặt cho cũng đẹp biết bao. Hai cái đẹp nhất mình đã nhận rồi, sao cái danh “khùng” xấu xí kia lại không nhận. Từ đó, Phước tập quen với cái tên “Phước khùng”. Đến bây giờ, đáp lại những lời nhận xét tục tỉu của người khác, Phước trả lời dứt khoát “khôn kia dễ bán, khùng này khó mua”.

Sở thích chụp ảnh côn trùng, sương, cây cỏ

Từ khi ngộ ra cái hay của nghệ thuật nhiếp ảnh, Phước ít chụp ảnh thuê mà chỉ thích lang thang đây đó để “săn” ảnh đẹp. “Tôi là người không có kinh nghiệm, kinh nghiệm chính là quá khứ, mà quá khứ sẽ không có sự sáng tạo. Nên tôi chỉ sống ở hiện tại, quá khứ chỉ tạo ra sản phẩm chứ không tạo ra tác phẩm, mà sản phẩm thì không mang tính nghệ thuật”, Phước nói.

Người thầy của Phước chính là tự học, anh học từ những người xung quanh. Người đàn ông này quan niệm, nghệ thuật chính là sự bắt gặp và phát hiện, anh không bao giờ tìm vì tìm sẽ không bao giờ thấy. Phước nổi tiếng với những bức ảnh chụp côn trùng, sương, cây cỏ,...anh thích những thứ đó vì chúng mang nét đẹp của Đà Lạt, “chúng làm tôi “sướng” mỗi khi bấm máy”.

Bức ảnh trong bộ sưu tập “Yêu” của MPK Phước.

Đà Lạt chính là thế giới của Phước, Đà Lạt có những thứ rất lạ mà những nơi khác không có được. Một ngày ở Đà Lạt chúng ta có thể được sống trọn bốn mùa. Buổi sáng, Đà Lạt có cái nắng ngai ngái của mùa xuân, buổi trưa có sự oi ả của mùa hè, buổi chiều lại mang sự ảm đảm của mùa thu và đêm về có cái lạnh của mùa đông.

Theo Phước, điều đặc biệt của Đà Lạt chính là không khí nắng lạnh đã giúp anh cảm nhận sự khác biệt và tạo nên chất riêng trong những bức ảnh của Phước. Để cảm nhận được tự nhiên thì con người phải hợp nhất trong nó, phải hòa nhập với thiên nhiên thì mới phát hiện ra cái gì là đẹp, cái gì là xấu. Đồng thời, không phải cái gì đối lập nhau cũng luôn nằm trong mối tương quan rời rạc.

Bởi thế trong những tác phẩm của MPK Phước ngoài mang nét đẹp đơn sơ, tự nhiên, ta còn bắt gặp được những sự đồng điệu rất lạ. Một số bộ sự tập nổi tiếng của MPK Phước, có thể kể đến như: Sương và nắng; Mưa và trăng; Mầm; Mắt côn trùng; Yêu;...

Quan niệm nghệ thuật không phát sinh từ những cẩu thả

Đầu năm 2015, nhiều người ngỡ ngàng nghe tin MPK lấy vợ. Chẳng điêu khi nói MPK chính là “đặc sản” của Đà Lạt, người ta quen với hình ảnh một gã nghệ sỹ tóc dài, bụi bặm, loay hoay khắp các ngõ ngách của Đà Lạt, mò mẫm chụp những bức ảnh “lạ”.

“Tôi chưa bao giờ áp đặt suy nghĩ mình sẽ lấy vợ, sẽ làm cái này cái nọ. Tất cả nhũng điều xảy ra với tôi chúng tự va vào tôi chứ không có sự chủ động nào ở đây cả. Ngay cả việc lấy vợ cũng vậy, chúng tôi gặp nhau, nhận ra nhau và thế là cứ đến với nhau thôi”- Phước cười nói.

Từ lúc lấy vợ, nhiều người hỏi Phước về sự tự do, liệu rằng Phước có giữ được chất riêng của mình không. Đối với Phước, tự do chính là không sợ hãi, “tôi không sợ hãi khi quyết định lập gia đình, thì việc có lập gia đình chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của tôi cả”. Nhiều người bảo rằng, lấy vợ như đeo gông vào mình, đó là vì người ta chỉ nghĩ cho chính mình, thỏa mãn những kế hoạch của riêng mình.

Nhiều người quan niệm đã là nghệ sỹ thì sẽ có một cuộc sống phóng khoáng, được làm những gì mình thích. Nhưng với Phước, là một người nghệ sỹ phải sống thật chỉn chu, khuôn khổ, vì nghệ thuật không phát sinh từ những cẩu thả.

Sự ra đời của đứa con gái đầu lòng đã giúp Phước trở thành một người lớn thực thụ. Phước chia sẻ, trước đây tôi ngoài chụp ảnh thì chẳng biết làm gì, ngay đến bản thân mình còn không lo nổi. Nhưng bây giờ thì khác, tôi biết chăm sóc cho gia đình của mình ngoài công việc, bản thân. Hàng ngày, Phước dậy sớm lo đồ ăn sáng cho vợ, đi chợ nấu ăn, chăm con gái,...Chính nhờ cuộc hôn nhân định mệnh mà Phước có một ngôi nhà đúng nghĩa. Trước đây Phước chỉ ở nhà trọ, hoặc ở nhờ nhà bạn, sau khi lấy vợ anh mới cùng vợ tự làm cho mình một căn nhà nhỏ, anh tự đóng phòng riêng, giường tủ, ghế,...

Phước kể: “Môt lần kia, bạn tôi bắt gặp tôi lúc đi chợ. Họ gọi tôi vào uống cà phê và ra vẻ khinh thường việc tôi đi chợ, cho đó là chuyện nhỏ nhặt. Tôi đã giận và trả lời họ ngay, không làm được chuyện nhỏ thì làm sao làm được việc lớn, và tôi bỏ đi ngay sau khi dạy cho mấy đứa bạn một bài học nhớ đời”.

Trở về nhà Phước đã suy nghĩ và nhận ra rằng, chính đứa con đã dạy anh làm người lớn, từ “lão ngoan đồng” sống hết mình với nghệ thuật, anh trở thành người chồng, người cha trách nhiệm, giàu lòng thương yêu. Từ khi có gia đình, Phước như được tiếp thêm năng lượng tích cực. Chính tình yêu gia đình đã nuôi lớn “chất” nghệ sỹ trong anh. “Phước vẫn khùng”, vẫn rong ruổi để bắt gặp những cái đẹp của Đà Lạt. Chỉ khác là phước bây giờ không còn lang thang nữa mà anh đã có một “tổ ấm” thực thụ để trở về sau những bộn bề.

Cuộc sống gia đình vẫn chẳng thể nào kéo Phước vào hai chữ “kiếm tiền”. Anh vẫn thế, chỉ thích chụp côn trùng, cây cỏ,...vì chúng đẹp một cách tự nhiên. Anh hạn chế đi chụp ảnh thuê cho khách kiếm tiền, vì là khách thì sẽ yêu cầu thế này, thế kia,... “đó không còn là bức ảnh do mình “chụp” nữa rồi”.

Phước luôn là niềm tự hào của bố mẹ, của gia đình. Mẹ anh mỗi lần nghe được những lời nhận xét của người khác rằng “thằng Phước nó hay lắm, thú vị lắm” là lại vui vẻ hẳn lên, “đó cũng chính là câu trả lời mà Phước dành cho mẹ khi anh tự quyết định đi con đường riêng của mình”.

Phan Hòa – Bách Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhiep-anh-gia-phuoc-khung-dam-duoi-mot-tinh-yeu-da-lat-post441767.html