Nhiếp ảnh gia xây nhà tình thương tặng người nghèo

Sau 3 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), điêu khắc gia, họa sĩ Nguyễn Thành Trung (65 tuổi, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP Bảo Lộc) đã tự mình bỏ tiền túi và quyên góp từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xây được 15 căn nhà tình thương tặng người nghèo.

Nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung (bìa trái) tặng sách ảnh tri ân mạnh thường quân ủng hộ tiền xây nhà cho người nghèo. Ảnh: K.Phúc

Nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung (bìa trái) tặng sách ảnh tri ân mạnh thường quân ủng hộ tiền xây nhà cho người nghèo. Ảnh: K.Phúc

Chuyện nghề người nghệ sĩ

Chúng tôi biết NSNA Nguyễn Thành Trung từ khá lâu và cũng được nhiều bạn bè, nghệ sĩ trong giới nhiếp ảnh kể về chuyện nghề và chuyện đời của ông. Qua trò chuyện, chúng tôi được nghe ông Trung kể về những chuyến đi “săn ảnh” tại các vùng sâu, vùng xa hẻo lánh trên khắp mọi miền đất nước. Với những gì ông Trung đã và đang theo đuổi thì khó có một “danh xưng” chính xác và đầy đủ nào để gắn cho người nghệ sĩ đa tài này. “Bản thân tôi đam mê nghệ thuật ở rất nhiều lĩnh vực như hội họa, thiết kế, điêu khắc và nhiếp ảnh. Món nào tôi cũng đam mê và theo đuổi đến tận cùng. Chắc cũng vì lẽ đó mà bạn bè, người thì gọi tôi là NSNA, người lại bảo tôi là họa sĩ và cũng có người gọi tôi là nhà điêu khắc. Trong chuyện nghề, ai mà chả muốn gắn cho mình một danh xưng tử tế, nhưng đối với tôi điều đó không quan trọng. Miễn là bản thân mình được mọi người yêu quý và trân trọng là tôi hạnh phúc” - ông Trung chia sẻ.

Là một người nghệ sĩ, nhưng về chuyên môn ông Trung lại tốt nghiệp đại học ngành nông - lâm nghiệp. Song giờ đây, ông lại là người nghệ sĩ đa năng. Đối với nhiếp ảnh, hiện ông Trung đang sở hữu cho mình một bộ sưu tập ảnh đồ sộ, với hàng ngàn bức ảnh giá trị về cuộc sống bình dị, đơn sơ và chân thực nhất. Từ cái nhìn chân thực và bằng những góc máy của người nghệ sĩ đa tài, trong bộ sưu tập ảnh của ông có cuộc sống chân chất của người dân vùng quê sông nước miền Tây Nam Bộ; sự náo nhiệt của đêm hội cồng chiêng bên bếp lửa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên; sự trù phú, mộc mạc của vùng quê Bắc Bộ hay cả cái đẹp hoang sơ, mà hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc... Qua đó, thể hiện rõ “cái tôi” của người nghệ sĩ là “tôn trọng khoảnh khắc tự nhiên của cuộc sống”.

Trong khi đó, ở những tác phẩm điêu khắc và hội họa của ông luôn tràn ngập sự lãng mạn, yêu chuộng hòa bình và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm là những “đứa con tinh thần” với sự tỉ mỉ, khéo léo, kỳ công và cả tâm huyết của ông. Nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Những gì tôi đang có cả nhiếp ảnh, hội họa và điêu khắc là từng mảng vụn của những chuyến rong chơi dọc chiều dài đất nước, tôi đã chắp nối lại. Đó là những ký ức vui, buồn, đẹp, xấu... là cảm nghiệm để trở thành “vốn liếng” trong cuộc đời mình. Qua đó, tôi biết rằng, ngày hôm qua mình đã sống như thế nào và ngày hôm nay mình phải sống ra sao cho xứng đáng? Ở đó, điều rõ nhất là tôi cảm nghiệm được dòng đời trôi chảy khi mạnh mẽ khoe sức, lúc lặng lẽ âm thầm. Đó cũng chính là chuyện nghề của chính tôi!”.

Và chuyện tử tế

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung, chính từ những chuyến “rong chơi” đến các vùng sâu, vùng xa chụp ảnh giúp ông nhận ra cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Họ là những gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không những thiếu cái ăn, mà những căn nhà của họ đang ở cũng chẳng thể gọi là căn nhà. Từ những cảnh nghèo khó ấy, qua góc máy chân thực của mình, rồi ông đưa lên trang facebook cá nhân để kêu gọi tấm lòng nhân ái của bạn bè, đồng nghiệp. Từ đó, có nhiều người thương cảm hoàn cảnh của bà con đã gửi tiền nhờ ông chuyển tới người nghèo, bà con đồng bào DTTS.

“Ban đầu, cùng với số tiền bạn bè đóng góp và tiền túi của mình, tôi đã trao tận tay cho những gia đình nghèo khó. Nhưng rồi tôi nghĩ, cứ đưa trực tiếp tiền và họ sử dụng không đúng múc đích thì cũng cứ nghèo mãi. Vậy là, tôi nghĩ ngay đến việc quyên góp để xây nhà cho người nghèo. Với ý tưởng này, tôi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia giúp đỡ bà con” - ông Trung tâm sự.

Từ năm 2017, ông bắt tay vào việc xây ngôi nhà tình thương đầu tiên cho người nghèo. Căn nhà đầu tiên ấy, có tổng kinh phí khoảng 30 triệu đồng và ông Trung kiêm luôn thợ xây làm nhà tặng cho gia đình anh K’Tôi (xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai). Từ đây, hình ảnh người đàn ông hiền lành, da đen sạm cùng chiếc xe bán tải cũ kỹ luôn chất đầy vật liệu xây dựng, gạo, mì tôm và quần áo cũ... đã quá quen thuộc với người dân nghèo tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Sau 3 năm bắt tay làm thiện nguyện, nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng và vận động quyên góp từ bạn bè, người thân xây dựng được 15 căn nhà tình thương cho người nghèo trị giá từ 30 - 60 triệu đồngg/căn.

Căn nhà của gia đình ông K’Rôm (Thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) là căn mới nhất được ông Trung vận động xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 11 vừa qua. “Mình chỉ là chiếc “cầu nối” những tấm lòng nhân ái giúp bà con nghèo. Mình có công chạy tới chạy lui thôi, phải nhờ nhiều người lắm, cảm ơn những ân nhân đã cộng tác và gửi trọn sự tin tưởng cho mình. Để hiệu quả, mình cũng phải rạch ròi và tử tế với bạn bè bằng cách thông tin chi tiết nguồn đóng góp và kinh phí xây nhà lên facebook. Nhờ đó, người nghèo có nhà ở ấm áp khi mùa mưa tới, khi gió lạnh về” - ông Trung nói trong hân hoan.

Không chỉ xây nhà tình thương, mà đối với những gia đình quá khó khăn, ông còn giúp đỡ nhu yếu phẩm, quần áo và đồ dùng học tập cho con trẻ. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, ông Trung đã cùng bạn bè tìm nhiều nguồn học bổng để giúp đỡ con em người nghèo có thêm điều kiện đến trường. Vì theo ông, chỉ có học vấn mới giúp con em họ thoát khỏi khó khăn để thay đổi tương lai. Những học sinh được tặng học bổng, không chỉ học văn hóa mà còn được học các môn nghệ thuật như đánh đàn, hội họa, điêu khắc...

Thật đáng quý hơn ở người nghệ sĩ này là làm bằng cái tâm của mình mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được trả ơn. Đó cũng là lý do, tất cả những căn nhà tình thương ông xây tặng người nghèo đều không gắn biển “nhà tình thương” và tên người tài trợ. “Tôi nghĩ làm nhà tặng họ là để giúp gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Vì thế, xây nhà gắn thêm cái biển “tình thương” khiến họ mặc cảm với hàng xóm, bạn bè là không nên. Do đó, tôi nhất quyết không gắn biển” - ông Hùng thành thật chia sẻ.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201912/nhiep-anh-gia-xay-nha-tinh-thuong-tang-nguoi-ngheo-2977404/