Nhiệt điện, sắt thép và xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch khí thải trong thời gian tới nhằm cắt giảm khí thải nhà kính.
Đây cũng là nhóm ngành cần phải đi đầu trong các giải pháp cắt giảm khí nhà kính (KNK) với việc đang chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK...
3 lĩnh vực phát thải lớn được đề xuất
Theo đề xuất của Bộ TN&MT tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone (gọi là Nghị định 06).
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi Điều 12 theo hướng phân kỳ thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2025-2026, đối tượng được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK là các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, cơ sở sản xuất xi măng.
Theo quy định, các cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê phát thải KNK do Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK.
Đồng thời, các cơ sở có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê KNK định kỳ hai năm một lần. Kết quả kiểm kê KNK là cơ sở để vận hành thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Vì vậy, thời điểm phân bổ hạn ngạch cần theo lộ trình phù hợp với thời điểm các cơ sở nộp báo cáo kiểm kê KNK.
Theo quy định hiện hành, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm xác định hạn ngạch để phân bổ cho các cơ sở dựa trên cường độ phát thải trên đơn vị sản phẩm.
Cho phép trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon
Tại hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ; và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT tháng 5/2024 vừa qua, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường cho biết, triển khai quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về giảm nhẹ phát thải KNK tại Điều 91, bảo vệ tầng ozone tại Điều 92, tổ chức và phát triển thị trường carbon tại Điều 139, ngày 07/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06 và bối cảnh quốc tế cũng như trong nước đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải KNK, phát triển thị trường carbon, bảo vệ tầng ozone.
Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong đó có quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê KNK phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK để chuẩn bị cho thị trường carbon; quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; Cùng với đó, dự thảo cũng quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước; quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế và bảo vệ tầng ozone.
Thông tin cụ thể về những nội dung sửa đổi, bổ sung, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, với nhu cầu áp dụng các công cụ định giá carbon để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế trong thời gian tới sẽ dẫn đến một số yêu cầu phải thay đổi quy định liên quan đến kiểm kê KNK.
Theo đó, cần phải tăng cường công tác kiểm kê KNK để phục vụ quá trình phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho một số đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, có 3 đối tượng (nhiệt điện, sắt thép, xi măng) sẽ được kiểm kê KNK theo hình thức mới, chi tiết hơn.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê này để đảm bảo các số liệu đầy đủ, chính xác và cập nhật. Bổ sung thêm hoạt động hấp thụ carbon từ rừng, cung cấp số liệu chi tiết đến từng địa phương để hỗ trợ các hoạt động hướng tới phát thải ròng bằng 0, cũng như việc tham gia tín chỉ tự nguyện trong tương lai…
Sửa đổi quy định về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở. Một điểm mới đó là dự thảo đã bổ sung danh mục cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK ngành chăn nuôi.
Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cũng cho biết, dự thảo nghị định cũng đề xuất bổ sung lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, trong giai đoạn đầu (2025-2026) sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến sẽ có khoảng 200 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải khí nhà kính của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Điều này phục vụ, áp dụng với các hệ thống trao đổi hạn ngạch tín chỉ carbon (thị trường bắt buộc, thị trường tuân thủ) đối với một số doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực này.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép.
Bộ Xây dựng đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng cơ sở sản xuất xi măng, gửi Bộ TN&MT trước ngày 31/10/2024.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK kèm theo danh mục cơ sở dự kiến được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK trước ngày 30/11/2024.
Căn cứ tổng hạn ngạch phát thải KNK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở trước ngày 31/12/2024.
Liên quan đến các quy định về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Minh cho biết, dự thảo sửa đổi đối tượng tham gia thị trường carbon; Bổ sung quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia.
Đặc biệt, dư thảo đã bổ sung quy định về Sàn giao dịch carbon; Sửa đổi quy định về hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ carbon trên sàn.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã góp ý đảm bảo tính khả thi của các nội dung sửa đổi, bổ sung; đồng thời nhấn mạnh về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định nhằm đẩy nhanh xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giảm phát thải, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, và nguồn kinh phí từ thị trường này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến nhanh hoàn vốn, mở rộng sản xuất.