Nhiệt độ tăng kỷ lục, thiên tai ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu
Tính đến tháng 4/2024, do biến đổi khí hậu nhiệt độ trung bình nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận cao nhất trong gần 130 năm qua.
Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, thế giới vừa trải qua tháng 4 nóng kỷ lục. Đây là mức cao kỷ lục trong 12 tháng vừa qua và là tháng thứ 11 liên tiếp chứng kiến kỷ lục nhiệt độ cao toàn cầu được tính từ tháng 6/2023 đến nay.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng 4 ấm nhất kể từ năm 1973. Theo hãng tin Yonhap, nhiệt độ trung bình trong tháng này là 14,9 độ C, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 14,7 độ C năm 1998.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng lưu ý nhiệt độ trung bình tại nước này đã tăng 0,8 độ C trong 51 năm qua. Nhật Bản cũng vừa trải qua tháng 4 có nhiệt độ trung bình cao nhất trong gần 130 năm qua.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, cái nóng kỷ lục ở châu Á và Đông Nam Á trong tháng 4 vừa qua được ghi nhận là do dòng xiết gió Tây nhánh phía Nam cao nguyên Tibet rút lui lên phía Bắc sớm, tạo điều kiện cho vùng thấp nóng ở châu Á hoạt động sớm và mạnh hơn so với trung bình hàng năm, gây ra nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm.
Ngoài tác động của vùng thấp nóng châu Á, Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Cụ thể, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của gió phơn, khi tác động đến Hoàng Liên Sơn và phía Tây Trường Sơn sẽ gây ra hiệu ứng gió phơn làm cho mức độ nắng nóng ở Tây Bắc bộ và phía Tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gay gắt hơn.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, trong tương lai nắng nóng sẽ còn gay gắt hơn, dữ dội hơn. Với diễn biến như hiện nay, nguy cơ xác suất xảy ra sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đạt đến ngưỡng 1,5 độ C là sẽ xảy ra nhanh hơn trong khoảng 5 năm tới với xác suất là 50%.
Với đường bờ biển dài, lãnh thổ trải qua nhiều vĩ độ, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến đổi môi trường và tác động xấu đối với nền kinh tế và cuộc sống của con người.
Biến đổi khí hậu đã làm tăng mực nước biển có thể gây ra sự sụt lún, xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ sông, bờ biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất đai ở các vùng ven biển, làm mất mất môi trường sống tự nhiên và ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở những khu vực này.
Từ đầu thế kỷ trở lại đây, Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, tần suất các cơn bão lớn, có đường đi phức tạp đi vào biển Đông gây mưa, lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng kéo dài đã làm thiệt hại lớn về kinh tế, con người.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao, hạn hán kéo dài đất đai mất mùa màng, cây trồng bị hạn chế sinh trưởng, và động vật nuôi gặp khó khăn do thiếu thức ăn và nước cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.
Với kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình mùa hè ở Việt Nam sẽ gia tăng trong khoảng từ 3.3-4.6 độ C. Số ngày nắng nóng có nhiệt độ trên 35 độ C là sẽ tăng lên 75-90 ngày. Số ngày nắng nóng gay gắt trên 37 độ C cũng tăng trên nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Vì vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp. Đặc biệt, ảnh hưởng của nước biển dâng thêm để có những tính toán đầy đủ và phương án qui hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng có tính tích cực, biến những thách thức của biến đổi khí hậu thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.