Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới

Theo dữ liệu mới nhất do cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu tổng hợp, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục mới trong vòng hai ngày.

Hôm thứ Tư (24/7), Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,15 độ C vào thứ Hai (22/7) và vượt qua kỷ lục trước đó là 17,09 độ C được thiết lập vào Chủ nhật (21/7).

Cơ quan giám sát khí hậu của EU đã cảnh báo rằng những kỷ lục nhiệt độ mới là không thể tránh khỏi khi hành tinh ngày càng nóng lên.

Các nhà khoa học đã nhiều lần kêu gọi giảm khẩn cấp và nhanh chóng lượng khí thải nhà kính để ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên.

Mức cao mới xảy ra khi nắng nóng quá mức đã bao trùm phần lớn Mỹ, Nga và Nam Âu trong những ngày gần đây. Nhiệt độ cực cao có nhiều khả năng xảy ra do khủng hoảng khí hậu, nguyên nhân chính là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Bill McKibben, một nhà hoạt động môi trường cho biết: “Chủ nhật được coi là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh này kéo dài cho đến… thứ Hai”.

Giám đốc C3S, Carlo Buontempo cho biết: “Điều thực sự đáng kinh ngạc là sự khác biệt lớn đến mức nào giữa nhiệt độ trong 13 tháng qua và các kỷ lục nhiệt độ trước đó…Chúng ta hiện đang ở trong lãnh thổ thực sự chưa được khám phá, và khi khí hậu ngày càng ấm lên, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những kỷ lục mới bị phá vỡ trong những tháng và năm tới”.

Phát hiện này được đưa ra khi phần lớn thế giới đang phải chịu nắng nóng gay gắt. Thời tiết nắng nóng gây ra những đám cháy rừng dữ dội, đốt cháy nhà cửa và gây ra những làn sóng tử vong hàng loạt thầm lặng tràn qua các khu bệnh viện và viện dưỡng lão.

Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu làm việc trong dự án dữ liệu Trái đất Berkeley cho biết, kỷ lục này “chắc chắn là một dấu hiệu đáng lo ngại” sau 13 tháng lập kỷ lục và nó sẽ xuất hiện trong bộ dữ liệu từ các nhóm nghiên cứu khác. “Nó cũng nhiều khả năng khiến năm 2024 sẽ đánh bại năm 2023 để trở thành năm nóng nhất được ghi nhận”.

Trong khi đó, tốc độ nóng lên nhanh chóng của hành tinh dự kiến sẽ chậm lại vào cuối năm nay, ít nhất là trong thời gian ngắn, nếu hiện tượng thời tiết El Nino chuyển sang hiện tượng La Nina.

Đầu tháng này, C3S nhận thấy thế giới đã nóng lên trong 12 tháng liên tiếp và cao hơn 1,5 độ C so mức trung bình trước kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù chỉ một năm nắng nóng như vậy không có nghĩa là các nhà lãnh đạo thế giới đã thất bại trong việc ngăn chặn hành tinh nóng lên thêm 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này - mục tiêu được đo lường qua nhiều thập kỷ chứ không phải từng năm riêng lẻ - nhưng nó đẩy nhiều người và hệ sinh thái đến nhiều nguy cơ hơn.

Lộ trình của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy cần phải cắt giảm mạnh nhu cầu nhiên liệu hóa thạch để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái – giả định mức độ loại bỏ carbon dioxide thực tế hơn so với các nghiên cứu trước đây – cho thấy rằng từ năm 2020 đến năm 2050, nguồn cung than sẽ phải giảm 99%, dầu giảm 70% và khí đốt giảm 84% để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhiet-do-toan-cau-tiep-tuc-ghi-nhan-muc-ky-luc-moi-post350065.html