'Nhiệt tình' viện trợ Ukraine, Mỹ gặp khó trong việc lấp đầy kho tên lửa
Giám đốc điều hành công ty quốc phòng Raytheon cảnh báo rằng đơn vị này sẽ không thể bổ sung kho dự trữ tên lửa chống tăng và phòng không của Mỹ trong ít nhất vài năm tới, sau khi Washington gửi hàng loạt tên lửa đến Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp với các nhà đầu tư hôm 26/4, Giám đốc điều hành Raytheon – ông Greg Hayes cho biết việc lấp đầy kho tên lửa của Mỹ sẽ khá khó khăn với lý do thiếu hụt các linh kiện điện tử.
“Chúng tôi sẽ phải thiết kế lại một số linh kiện điện tử trong tên lửa. Điều đó sẽ tốn một chút thời gian”, ông Hayes nói.
Theo Defense One, Hayes đang đề cập đến FIM-92 Stinger – loại tên lửa phòng không di động mà Lầu Năm Góc cung cấp cho quân đội Ukraine. Ngoài ra, tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin mà Mỹ đang gửi tới Kiev cũng là sản phẩm của Raytheon hợp tác với Lockheed Martin. Các quan chức Ukraine hồi tháng trước nói với Mỹ rằng họ cần 500 tên lửa Stinger và Javelin mỗi ngày.
Raytheon đã không sản xuất tên lửa Stingers cho quân đội Mỹ trong gần 20 năm qua. Và số tên lửa chuyển giao cho Ukraine được lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết Raytheon “có nguồn nguyên liệu rất hạn chế cho việc sản xuất tên lửa Stinger”, và Lầu Năm Góc “đang tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho nhà sản xuất”.
Giám đốc Raytheon cho rằng Lầu Năm Góc có thể sẽ không đặt hàng 2 tên lửa nói trên với số lượng lớn cho đến năm 2023 hoặc 2024.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết nước này và các đồng minh sẽ tiếp tục viện trợ Ukraine để giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.
Ông Austin đang ở Ramstein (Đức) để chủ trì cuộc họp với đại diện của gần 40 quốc gia cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đến thăm Kiev vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Austin cho biết Mỹ muốn thấy Nga suy yếu do xung đột với Ukraine.