Nhiều bác sĩ bị 'kiệt sức' ở mức cao
Tỷ lệ kiệt sức của bác sĩ cao hơn so với cá nhân làm nghề nghiệp khác, có nhiều bác sĩ bệnh viện tuyến cơ sở nguy cơ bị kiệt sức và 'kiệt sức đỏ' – mức độ cao. Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị khoa học thường niên lần 6 do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM tổ chức hôm nay (26/10).
Kết quả nghiên cứu do Bệnh viện TP.Thủ Đức phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện với 374 bác sĩ của Bệnh viện TP.Thủ Đức từ tháng 8/2022 đến tháng 2 năm nay cho thấy: Có hơn 41% bác sĩ có nguy cơ kiệt sức, hơn 16% trong tình trạng “kiệt sức cam” và hơn 12% có triệu chứng kiệt sức tình trạng đỏ (cao). Các triệu chứng gặp phải của bác sĩ là mệt mỏi, suy giảm cảm xúc, suy giảm nhận thức, khoảng cách tâm lý.
Những yếu tố liên quan đến kiệt sức của bác sĩ là khác nhau, như: tuổi, trình độ học vấn, số năm công tác ở bệnh viện, thời gian làm việc mỗi tuần và mỗi ca, số đêm trực mỗi tuần, số lượt bệnh nhân cần chăm sóc...
Trong đó, số đêm trực của bác sĩ có mối tương quan nghịch đến triệu chứng kiệt sức chung. Nhóm nghiên cứu kết luận, tỷ lệ bác sĩ có nguy cơ kiệt sức tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức khá cao.
Theo nhóm nghiên cứu, tình trạng kiệt sức của bác sĩ là vấn đề quan trọng, vì có liên quan đến những hậu quả tiêu cực đối với việc chăm sóc bệnh nhân, nhân lực bác sĩ, chi phí hệ thống chăm sóc sức khỏe và an toàn của chính bác sĩ.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian chiến đấu với đại dịch Covid-19 ở giai đoạn đỉnh điểm, có rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng kiệt sức.
Tại thời điểm tháng 10/2021, kết quả khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương trên 466 nhân sự tại đây cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9% và stress là 17,6%.
Ngày 19/8 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM đã ký Biên bản ghi nhớ với tổ chức Family Health International (FHI 360) trong việc phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn. Bên cạnh phát triển tổng đài tư vấn, các bệnh viện thiết lập phòng nghỉ ngơi nhằm cung cấp không gian cho y bác sĩ giải tỏa căng thẳng.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, các nghiên cứu cho thấy, y bác sĩ có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Stress nghề nghiệp gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, giảm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-bac-si-bi-kiet-suc-o-muc-cao-post1055105.vov