Nhiều bất cập khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông
Ngày 26.12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại 2 huyện Thanh Hà, Nam Sách về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.
Tại các buổi làm việc, bên cạnh đánh giá cao những chuyển biến tính cực khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, 2 huyện đã nêu những khó khăn, bất cập. Đó là khó tìm đơn vị thẩm định giá khi mua sắm tập trung trang thiết bị trường học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu. Đội ngũ giáo viên giảng dạy một số môn học, phục vụ hoạt động giáo dục còn thiếu, chưa được bồi dưỡng, đào tạo để giảng dạy một số môn mới trong chương trình.
Về đổi mới sách giáo khoa, 2 huyện đều nêu những khó khăn về việc mỗi địa phương sử dụng một bộ sách giáo khoa khác nhau gây bất cập khi học sinh chuyển trường phải sử dụng bộ sách khác. Cùng với đó, một bộ sách không được dùng đi dùng lại nhiều lần gây lãng phí.
2 địa phương đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. UBND huyện Thanh Hà đề nghị Chính phủ xem xét việc thực hiện tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù ngành giáo dục giai đoạn 2022-2026, không thực hiện tinh giản 10% như các ngành khác.
Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định việc thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội gặp nhiều khó khăn chung trên toàn quốc và cả những khó khăn riêng ở địa phương. Đồng chí đánh giá các trường đã linh hoạt, khắc phục những khó khăn khi thực hiện nghị quyết, đồng thời đề nghị 2 huyện quan tâm chỉ đạo triển khai theo đúng chủ trương, tinh thần của nghị quyết, quan tâm bố trí nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và ưu tiên quy hoạch đất đai cho giáo dục.