Nhiều bất cập tại dự án chăn nuôi gia súc Đắk Lắk
Đại dự án chăn nuôi gia súc ở tỉnh Đắk Lắk triển khai rầm rộ với kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thay đổi bộ mặt kinh tế của huyện nghèo MĐrắk...
Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, dự án đã không mang lại như kỳ vọng mà gây lãng phí ngân sách Nhà nước, thất thoát tài nguyên, khiếu kiện kéo dài…
Ưu đãi lớn, hiệu quả thấp
Tháng 4-2010, Công ty TNHH Liên hiệp công - nông nghiệp bền vững Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê 1.513ha đất tại xã Ea Lai, huyện MĐrắk với thời hạn 50 năm để thực hiện Dự án “Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt”.
Theo đó, dự án có quy mô nuôi khoảng 13.000 con bò, trồng ngô, đậu nành và cỏ làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, Công ty Sao Đỏ phải quản lý, bảo vệ hơn 70ha rừng; trồng 96,5ha rừng sản xuất… với tổng vốn đầu tư dự án lên đến 224 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng).
Theo dự kiến, đến cuối năm 2012, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản, đưa vào khai thác sử dụng. Dự án đã nhận được nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh.
Cụ thể như được ưu đãi về thuế nhập khẩu, miễn tiền thuê đất suốt thời gian thực hiện đối với phần diện tích trồng rừng; miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động với diện tích đất chăn nuôi gia súc; miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động với diện tích quản lý, bảo vệ rừng; được hỗ trợ tín dụng và đào tạo lao động theo quy định...
Tuy nhiên, sau hơn 9 năm triển khai, dự án đã lộ ra nhiều bất cập, sai phạm. Theo kết quả Thanh tra của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm này, Công ty Sao Đỏ chỉ mới thực hiện việc giải phóng mặt bằng được 1.000/1.500ha đất, số còn lại bị người dân lấn chiếm dẫn đến bị vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân.
Cũng tại thời điểm thanh tra, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án chỉ khoảng 125 tỷ đồng (đạt 56% tổng vốn đăng ký). Công ty cũng chỉ mới trồng cỏ để chăn nuôi bò đạt 24% so với kế hoạch; số lượng bò hiện có là 3.223 con (đạt 24,9% so với kế hoạch) và chủ yếu là nhập bò sống từ các nước về nuôi vỗ béo để bán làm thịt, chưa chế biến thành sản phẩm thịt bò, chỉ một số ít được lựa chọn làm bò giống nên chưa thúc đẩy việc cải tạo giống đàn bò nuôi của địa phương...
Bên cạnh đó, Công ty Sao Đỏ chỉ mới trồng được 29,5ha rừng keo (đạt 30,6%) diện tích trồng rừng sản xuất theo dự án phê duyệt. Về sử dụng lao động, tổng số lao động ký hợp đồng dài hạn tại dự án chỉ là 32 người, ngoài ra công ty có thuê mướn khoảng 70 lao động thời vụ...
Đất bỏ hoang, người dân khó khăn
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án của Công ty Sao Đỏ không chỉ triển khai ì ạch, kém hiệu quả mà còn nợ hơn 80 tỷ đồng tiền bồi thường, trong đó ngân sách tỉnh cho ứng hơn 50 tỷ và 30 tỷ tiền nợ người dân.
Theo hồ sơ, tổng số tiền phải chỉ trả bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án là hơn 105,8 tỷ đồng. Đến nay, đã bố trí hơn 75,8 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước cho ứng hơn 50,4 tỷ đồng), còn thiếu người dân hơn 30 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp đang nợ ngân sách Nhà nước 50,4 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Huy (60 tuổi, trú thôn 1, xã Krông Jing, MĐrắk) cho biết, gia đình ông bị UBND huyện MĐrắk thu hồi khoảng 15ha đất từ 2011, với tổng số tiền được bồi thường hơn 3,4 tỷ đồng. “Thế nhưng, huyện mới đưa cho gia đình tôi gần 1,4 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 1,9 tỷ đồng không thấy trả dù gia đình đã nhiều lần gởi đơn thư”, ông Huy bức xúc nói.
Tương tự, ông Lê Văn Minh (54 tuổi, trú thôn 10, xã Ea Lai) cũng bị thu hồi 7ha đất từ năm 2010 với tổng số tiền được bồi thường gần 2,2 tỷ đồng nhưng bị nợ lại gần 1,4 tỷ đồng. Ông Huy và ông Minh chỉ là 2 trong số khoảng 200 hộ dân, đơn vị bị Công ty Sao Đỏ nợ tiền đền bù với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Trước những bức xúc của dân, tháng 8-2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành thanh tra đối với dự án của Công ty Sao Đỏ và chỉ ra nhiều sai phạm. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải thanh toán hơn 80 tỷ đồng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, mới đây ông Đặng Thái Nhị, Tổng giám đốc Công ty Sao Đỏ, vừa có đơn khiếu nại kết luận thanh tra của UBND tỉnh Đắk Lắk đối với dự án của đơn vị. Theo ông Nhị, đến nay doanh nghiệp mới nhận bàn giao trên thực địa diện tích khoảng 450ha đất để triển khai dự án, diện tích còn lại chỉ được bàn giao trên giấy, chưa thể triển khai nên khiến dự án chậm tiến độ, cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện MĐrắk cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh, huyện đã làm việc với Công ty Sao Đỏ nhưng doanh nghiệp này cố tình dây dưa để không trả tiền.
“Theo quy định, nhà đầu tư phải đảm bảo kinh phí để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai dự án và được khấu trừ vào tiền thuê đất, giá trị đầu tư sau này. Thế nhưng, doanh nghiệp cố tình hiểu sai và cho rằng việc đảm bảo kinh phí để chi trả tiền bồi thường mặt bằng và giao “đất sạch” thuộc trách nhiệm của nhà nước để chây ì”, ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, do năng lực tài chính yếu kém, Công ty Sao Đỏ đã đề xuất thu nhỏ dự án xuống còn hơn 400ha đất mà đơn vị này đang quản lý, sử dụng. Trên diện tích này, doanh nghiệp đã xây dựng nhiều trang trại nuôi bò vỗ béo nhưng chưa có quyết định thuê đất.
“Hiện các sở, ngành, địa phương đang rà soát các diện tích là sông suối, đường nông thôn nằm trong 424ha mà doanh nghiệp xin thuê để tách ra phục vụ cộng đồng. Đối với các diện tích còn lại nằm trong hơn 1.500ha đất trước đây của dự án, địa phương tiếp tục rà soát, lên phương án để thực hiện dự án khác. Trên diện tích này, nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư nhưng chưa thể thực hiện do vướng dự án Công ty Sao Đỏ”, ông Khiêm thông tin.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết, trong quá trình đầu tư, do doanh nghiệp đang khó khăn nên tỉnh đã cho ứng 50,4 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
“Kết luận Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước đều khẳng định: Công ty Sao Đỏ phải trả lại số tiền này cho ngân sách nhưng doanh nghiệp kêu đang khó khăn, khiếu nại nên chưa trả”, ông Yên thông tin.