Nhiều bị cáo cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa được tuyên án dưới mức đề nghị
Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên án 13 bị cáo cựu quan chức, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phạm tội, gây thất thoát, lãng phí khi thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh và giao khu 'đất vàng' tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án Nha Trang Center 2 (nay là khu Gold Coast).
Phiên toàn hình sự xét xử sơ thẩm 13 bị cáo trong vụ án trên vừa kết thúc tuyên án vào gần trưa ngày 6.1.2023, sau hơn 10 ngày xét xử, nghị án (kể từ 23.12.2022).
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra khi thực hiện dự án BT (xây dựng-chuyển giao) Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và giao khu “đất vàng” tại cơ sở cũ Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang), là một trong các “vụ án trọng điểm” mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và đã có chỉ đạo phải khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm trong năm 2022.
Trong 13 bị cáo vừa bị tuyên án có hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên. Có 7 bị cáo đều là cựu giám đốc, cựu phó giám đốc các sở, cựu phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh. Các bị cáo còn lại là Lê Huy Toàn (cựu phó chủ tịch UBND TP Nha Trang), Trần Văn Thọ (cựu trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh), Nguyễn Văn Tuấn (cựu phó Phòng vật giá Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa).
Tất cả 13 bị cáo trong vụ án đều đã bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự. Mỗi bị cáo đều bị truy tố đã gây thiệt hại hơn 62,603 tỷ đồng, liên quan đến các việc giao khu “đất vàng” (7.388,9m2) tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án Nha Trang Center 2 là dự án hoàn vốn dự án BT đã nêu.
Riêng hai bị cáo Đào Công Thiên và Nguyễn Ngọc Tâm (cựu phó giám đốc Sở Tài chính, cựu phó chủ tịch thường trực Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Khánh Hòa) còn bị truy tố đã gây thất thoát 11,601 tỷ đồng, liên can đến việc giảm (55%) giá bán tài sản của Trường Chính trị tỉnh trên khu “đất vàng” cho Công ty CP Thanh Yến. Vì vậy, hai bị cáo vừa nêu đã bị truy tố mỗi người gây thiệt hại tổng cộng hơn 74,204 tỷ đồng.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự tại điều luật (khoản 3 Điều 219) đã truy tố đối với các bị cáo trên có mức án từ 10 năm đến 20 năm tù. Tuy vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo các mức án đều dưới khung hình phạt của điều luật đã truy tố. Cụ thể, mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Chiến Thắng là từ 7-8 năm tù, hai bị cáo Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên từ 6-7 năm tù, bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm từ 5-6 năm tù, bị cáo Lê Văn Dẽ (cựu giám đốc Sở Xây dựng) từ 4-5 năm tù.
Các bị cáo Võ Tấn Thái (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường), Vũ Xuân Thiềng (cựu phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường), Nguyễn Văn Nhựt (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư), Trần Quang Bửu (cựu phó giám đốc Sở Xây dựng) và Trần Sỹ Quân (cựu phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa) đều bị đề nghị mức án từ 3-4 năm tù. Còn các bị cáo Trần Văn Thọ, Lê Huy Toàn, Nguyễn Ngọc Tuấn đều bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù.
Theo bản án của tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên, tất cả 13 bị cáo trong “vụ án trọng điểm” thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo xử lý, xét xử kể trên đều phạm các tội như cáo trạng của Viện KSND tỉnh đã truy tố. Còn mức án mà Viện KSND tỉnh đã đề nghị đối với nhiều bị cáo đều đã được nằm dưới cả khung liền kề của khung hình phạt thấp nhất bị truy tố.
Thế nhưng, mức án mà tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên phạt đối với nhiều bị cáo trong “vụ án trọng điểm” nêu trên còn thấp hơn cả mức án thấp nhất mà Viện KSND tỉnh đã đề nghị. Đó là 8 bị cáo: Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Lê Văn Dẽ, Nguyễn Ngọc Tâm, Trần Sỹ Quân, Nguyễn Văn Nhựt và Trần Quang Bửu.
Cụ thể, mức án sơ thẩm mà tòa vừa tuyên phạt đối với từng bị cáo như sau: bị cáo Nguyễn Chiến Thắng 6 năm 6 tháng tù; hai bị cáo Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên mỗi bị cáo đều bị phạt 5 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm 4 năm 6 tháng tù, bị cáo Lê Văn Dẽ 3 năm 6 tháng tù.
Hai bị cáo Võ Tấn Thái và Vũ Xuân Thiềng đều bị tuyên phạt 3 năm tù, bị cáo Trần Quang Bửu bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù.
Còn các bị cáo Trần Văn Thọ, Trần Sỹ Quân, Lê Văn Nhựt, Lê Huy Toàn, Nguyễn Ngọc Tuấn đều bị tuyên phạt mức án 2 năm tù.
Tổng hợp hình phạt của cả bản án trong vụ án xảy ra tại khu vực núi Chín Khúc, án tù mà các bị cáo cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các cựu giám đốc sở phải chấp hành như sau: bị cáo Nguyễn Chiến Thắng là 12 năm tù, hai bị cáo Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên đều 10 năm tù, bị cáo Lê Văn Dẽ 6 năm 6 tháng tù và bị cáo Võ Tấn Thái 6 năm tù.
Trúc Nam Sơn
Buộc doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả vụ án và nộp lại tiền hưởng lợi từ “đất vàng” được giao
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên, các bị cáo trong vụ án liên can đến dự án BT, gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước tại khu “đất vàng” Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang) có trách nhiệm liên đới phải bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Tuy nhiên, ngoài số tiền một số bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả và đã được xem xét là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt, tất cả bị cáo đều không phải nộp số tiền thiệt hại trong vụ án như đã bị truy tố.
Về việc khắc phục hậu quả, theo đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa và Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh xét xử vụ án trên đều cho rằng, khu đất 7.388,9m2 đã giao cho Công ty CP Thanh Yến làm dự án hoàn vốn tại số 1 Trần Hưng Đạo (nay đã chuyển đổi toàn bộ thành đất ở) “là vật chứng trong vụ án, theo quy định pháp luật cần phải thu hồi”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay Công ty CP Thanh Yến đã xây dựng xong công trình trên khu “đất vàng” đó là dự án Gold Coast hiện nay, gồm trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư và đã đưa vào sử dụng.
Toàn bộ 920 căn hộ thuộc dự án vừa nêu đã được Công ty CP Thanh Yến bán cho người thứ ba, gồm hơn 600 khách hàng. Trong đó, có nhiều căn hộ đã được mua đi bán lại nhiều lần và bán cho nhiều người. Vì vậy, theo tòa, để đảm bảo quyền lợi cho những người thứ ba ngay tình theo quy định tại điều 133 Bộ Luật Dân sự và đảm bảo tính khả thi trong việc thi hành án thì cần thu hồi toàn bộ giá trị tài sản liên quan trong vụ án.
Theo bản án sơ thẩm vừa tuyên, tòa đã buộc Công ty CP Thanh Yến – nhà đầu tư dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa phải nộp thêm tổng số tiền hơn 336,115 tỷ đồng. Trong đó, có số tiền để khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án mà các bị cáo đã gây ra là hơn 74,204 tỷ đồng. Nhưng do đã trừ khoản tiền một số bị cáo đã tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả nên Công ty CP Thanh Yến chỉ còn phải nộp hơn 72,96 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng theo án sơ thẩm, trong khoản tiền còn lại mà Công ty CP Thanh Yến phải nộp là có toàn bộ số tiền hưởng lợi hơn 261,91 tỷ đồng từ khu đất dự án hoàn vốn (tại số 1 Trần Hưng Đạo, TP Nha Trang) do có được từ hành vi phạm tội của 13 bị cáo nêu trên.
Cũng liên quan đến việc khắc phục hậu quả trong việc giao khu “đất vàng” Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án hoàn vốn dự án BT đã nêu, theo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo yêu cầu Công ty CP Thanh Yến phải nộp 641,31 tỷ đồng. Đó là tiền “nghĩa vụ tài chính” liên quan đến việc thực hiện dự án Nha Trang Center 2 (nay là Gold Coast) trên khu “đất vàng” đã được giao (nay đã chuyển toàn bộ thành đất ở đô thị).
Tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành việc nộp số tiền “nghĩa vụ tài chính” (641,31 tỷ đồng) trước ngày 10.8.2022. Nhưng đến nay, Công ty CP Thanh Yến vẫn chưa nộp tiền theo thông báo đó.