Nhiều bị cáo thừa nhận thiếu hiểu biết pháp luật và xin được khoan hồng

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Được quyền tranh luận, các bị cáo đều nhận tội, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về xã hội. Trình bày về hành vi sai phạm của mình đã thực hiện, nhiều bị cáo rơi lệ khi nói bản thân và gia đình. Bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng Thương mại điện tử, Hãng Vietjet) bị Viện kiểm sát đề nghị từ 3 - 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Cương vừa khóc vừa trình bày, vì sai lầm đã gây ra mà ngày hôm nay phải đứng trước tòa. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét, tạo điều kiện để bị cáo sớm có cơ hội trở lại.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) bị Viện kiểm sát từ 3 - 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tự bào chữa cho mình, bị cáo Quang trình bày, sau khi biết mình phạm tội, bị cáo đã rất sốc.

“Sau đó, bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội của mình trước khi bị cáo bị khởi tố. Trong quá trình điều tra, bị cáo luôn ý thức phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, giúp sớm làm sáng tỏ nội dung vụ án”, bị cáo Quang trình bày.

Trước khi bị đề nghị hình phạt tù trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2), bị cáo Quang đã bị tuyên phạt 4 năm tù ở giai đoạn 1 của vụ án này. Bị cáo Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) khi tự bào chữa cho mình cũng tỏ rõ sự ân hận.

Quá trình luận tội, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với bị cáo Quyên từ 2 - 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Quyên trình bày, sau khi được bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) giao nhiệm vụ thực hiện công tác cách ly các công dân Việt Nam ở nước ngoài hồi hương, bị cáo không ngại nguy hiểm, gian khó trực tiếp làm công tác này, nhiều khi bị cáo còn tiếp xúc trực tiếp với những người mắc COVID -19.

Theo lý giải của Quyên, bị cáo không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Chỉ tới khi cơ quan điều tra giải thích thì bị cáo đã hiểu ra, việc làm của mình là vi phạm pháp luật. “Bị cáo sinh ra trong gia đình con nhà nghèo, hiện phải chăm sóc bố mẹ. Bị cáo mong được hưởng sự khoan hồng nhất của pháp luật để sớm có điều kiện chăm sóc gia đình và con”, bị cáo Quyên rơi lệ khi trình bày.

Bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) bị Viện kiểm sát đề nghị từ 2 - 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Thắng được xác định có hành vi đưa tiền cho người trung gian để chuyển tới bị án Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bị phạt tù chung thân ở giai đoạn 1 của vụ án này) để được cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.Bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, hành vi phạm tội dẫn đến việc bị cáo Thắng phải đứng trước phiên tòa hôm nay nguyên nhân một phần là do sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch COVID -19.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến và luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến và luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết.

Theo luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết, bị cáo Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bởi ở thời điểm thực hiện hành vi giúp sức đưa hối lộ, bị cáo không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp. Luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Thắng giữ vai trò giúp sức thứ yếu và phạm tội giản đơn, thụ động. Từ phân tích của mình, luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn về tính chất, mức độ trong hành vi giúp sức của bị cáo Thắng trong nhóm các bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”.

Cùng bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đồng quan điểm với luật sư đồng nghiệp. Luật sư Trịnh Văn Tuyến đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm một phần công lao của bị cáo Thắng trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh COVID- 19. Đồng thời, xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi của bị cáo Thắng so với các bị cáo khác.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến cũng đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể áp dụng được cho bị cáo Thắng theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị xin tòa giảm nhẹ cho bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). Lý do xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Tùng được đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra là, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều bằng khen gồm của cấp Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng là địa phương phát triển kinh tế “nóng” trong 10 năm gần đây, và việc này có sự đóng góp của bị cáo Trần Tùng.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/nhieu-bi-cao-thua-nhan-thieu-hieu-biet-phap-luat-va-xin-duoc-khoan-hong-i754471/