Nhiều bộ, ngành không ủng hộ đề xuất nhập khẩu 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản
Các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp… đều không đồng thuận với đề xuất nhập khẩu 37 toa tàu tự hành đã qua sử dụng từ Nhật Bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Loại toa tàu Nhật Bản dừng sử dụng được VNR kiến nghị Chính phủ cho nhập khẩu, hoán cải để tái sử dụng.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ liên quan đến đề xuất xin nhập 37 toa tàu tự hành đã qua sử dụng từ Nhật Bản của VNR. Sau khi xem xét đề xuất của VNR, Bộ GTVT cho rằng, các toa tàu này thuộc diện bị cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt). Do vậy, việc giải quyết kiến nghị của VNR vượt thẩm quyền của Bộ GTVT theo quy định hiện hành.
Các toa tàu VNR kiến nghị cho phép nhập khẩu (37 toa) là loại tự hành diesel DMU (loại Kiha 40 và Kiha 48), đều được sản xuất từ năm 1979 - 1982; toa xe có bố trí ghế mềm loại 68 đến 82 chỗ ngồi và 28 đến 34 chỗ đứng; có điều hòa không khí; chạy trên tuyến đường sắt khổ 1.067mm (khổ đường sắt của Việt Nam là 1.000mm); các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn xe với các quy mô khác nhau.
Theo VNR, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe nêu trên không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Nếu được nhập khẩu, phía Tổng công ty đường sắt Đông Nhật Bản sẽ chuyển giao miễn phí, VNR chịu chi phí vận chuyển, nhập khẩu, cải tạo để phù hợp với quy định và yêu cầu kỹ thuật của hạ tầng đường sắt Việt Nam.
Về phía Bộ GTVT cũng cho biết, khi cho ý kiến về đề xuất trên của VNR, các Bộ Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng, đề xuất của VNR cho nhập các toa tàu đã qua sử dụng từ Nhật Bản không đúng với quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, các bộ cho rằng, VNR chưa đánh giá cụ thể, chi tiết về các nội dung về tình trạng kỹ thuật, an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Hơn nữa, việc nhập khẩu những toa tàu đã 40 năm sử dụng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.
Mặt khá, quy định hiện hành về nhập khẩu toa tàu qua sử dụng quy định rõ phải không quá 10 năm, niên hạn sử dụng toa tàu tại Việt Nam cũng giới hạn không quá 40 năm.
Từ các phân tích trên, Bộ GTVT cho rằng, dù việc nhập 37 toa tàu đã qua sử dụng từ Nhật Bản kể trên của VNR có một số lợi ích nhất định, nhưng quy định của Việt Nam đã rõ ràng, nên bộ này không ủng hộ kiến nghị của VNR.
Trước đó, chia sẻ về đề xuất nhập 37 toa tàu đã qua sử dụng từ Nhật Bản, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT VNR cho rằng, hiện các nước là Philippines, Indonesia… đã đăng ký mua lại những toa tàu này, nhưng phía Nhật Bản chưa đồng ý mà muốn ưu tiên chuyển giao miễn phí cho VNR.
Theo ông Minh, giá trị đóng mới các toa tàu này khoảng 30 tỷ đồng/toa, tổng 37 toa sẽ vào khoảng 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tiếp nhận toa tàu cũ, VNR chỉ phải bỏ ra khoảng 140 tỷ đồng chi phí vận chuyển, cải tạo cho phù hợp với khổ ray đường sắt Việt Nam để khai thác..
Lãnh đạo VNR tính toán, sau hoán cải, các toa tàu trên có thể khai thác tốt trong 15 năm, thời gian hoàn vốn khoảng 7 năm, các toa tàu này sẽ phục vụ các đoạn ngắn, như: tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Nha Trang - TPHCM, Đà Nẵng - Quảng Bình...
Hiện VNR có 1.034 toa tàu khách, trong đó 50% toa sử dụng dưới 20 năm, 34% số toa đã sử dụng từ 20-40 năm và 16% số toa sử dụng từ 40 năm trở lên. Để thay mới số toa tàu đã hết niên hạn sử dụng, giai đoạn 2021-2025, đường sắt cần khoảng 7.000 tỷ đồng.