Nhiều bộ sách giáo khoa mới lớp 1 sắp được công bố
Sách giáo khoa (SGK) mới dành cho học sinh lớp 1 sẽ được công bố đầu tháng 10 tới. Như vậy chỉ còn một năm nữa, học sinh lớp 1 trên toàn quốc là lứa đầu tiên học bộ sách này theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được tự chọn môn học và thực hiện học 2 buổi/ngày.
Nhiều bộ SGK để lựa chọn
Theo ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ tiểu học (Bộ GD&ĐT) thời điểm này, các Hội đồng đang thẩm định 5 bộ SGK lớp 1. Dự kiến, đầu tháng 10/2019, Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ SGK đạt chuẩn để các địa phương lựa chọn. Khoảng tháng 11-12/2019, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 thực hiện theo chương trình phổ thông mới. Theo đó, năm nay, tất cả đội ngũ dạy giáo viên dạy lớp 1 cho năm sau sẽ được tập huấn trước khi thực hiện chương trình.
Ông Tài cho biết, đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, đội ngũ chuyên gia viết sách là những nhà khoa học uy tín, có chuyên môn. Các bộ SGK mới rất đa dạng, các nhóm tác giả có cách tiếp cận khác nhau nhưng phải đảm bảo chương trình GDPT mới, đây là yếu tố thuận lợi cho địa phương lựa chọn SGK phù hợp với đối tượng và điều kiện thực hiện. Mỗi hội đồng thẩm định từ 7-15 người tùy thuộc từng môn và có thành phần đa dạng gồm: các nhà khoa học, thầy cô giảng dạy tại các trường, giáo viên tất cả các vùng miền.
Đối với bộ sách đã kiểm định lần 1 nhưng không đạt, tác giả và NXB có thể tiếp thu điều chỉnh theo góp ý của hội đồng và đề nghị thẩm định lại, Bộ trưởng sẽ xem xét và bố trí thẩm định lại. Trả lời câu hỏi về yếu tố đảm bảo chất lượng các bộ sách, ông Tài cho hay: “Sản phẩm lần này thông qua nhiều bộ lọc biên soạn và xuất bản, thẩm định bởi hội đồng chuyên môn vì thế tôi tin tưởng sẽ có những bộ sách chất lượng”.,
Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất
Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương xác định một trong những vấn đề cốt lõi để thực hiện chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên. Trong đó, chương trình GDPT mới quy định cấp tiểu học 2 buổi/ ngày với yêu cầu 1.5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện nay, toàn ngành có gần 400.000 giáo viên, trung bình 1.4 giáo viên/lớp. Vì thế, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chưa bố trí đủ giáo viên triển khai đề án tuyển dụng, cơ cấu đủ giáo viên cho các môn học, đặc biệt là các môn bắt buộc theo chương trình mới như: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).
Cũng theo ông Thái Văn Tài, Luật GD năm 2019 yêu cầu giáo viên phải có trình độ tốt nghiệp ĐH, nhưng hiện nay, mới chỉ có trên 60% giáo viên đáp ứng được yêu cầu này. Gần 35% số giáo viên chưa đạt chuẩn cần được tăng cường đào tạo còn một tỷ lệ nhỏ giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng sắp về hưu. Hiện các địa phương đã rà soát để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng thực hiện chương trình mới.
Trên thực tế, một số vùng trung tâm như Đồng bằng Bắc Bộ, một số tỉnh biên chế còn nhưng khó tuyển giáo viên đặc biệt là các môn như Tiếng Anh, Tin học. Nguyên nhân không phải nguồn tuyển thiếu, mà do mức lương thiếu cạnh tranh với các lĩnh vực khác. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp khá giỏi môn Tiếng Anh, Tin học nhưng họ không lựa chọn giáo dục vì mức lương ở các vị trí công việc khác cao hơn giáo viên rất nhiều.
Ông Thái Văn Tài cho rằng, cùng là các môn này nhưng đi vào các vùng khó khăn, thiếu cả người dạy lẫn người học, điều động giáo viên đến cũng khó. Vì thế, khi thực hiện rất cần có chính sách địa phương để thu hút. Bộ chỉ yêu cầu thực hiện chương trình bắt buộc, còn các môn tự chọn tùy vào tình hình địa phương. “Hiện nay, nguồn vốn đã phân về các địa phương để đáp ứng điều kiện dạy học theo lộ trình. Do đó, việc của các địa phương là phải tính toán, đầu tư cho lớp 1 đầu tiên, năm tiếp theo đầu tư từ lớp 2, lớp 6 để thực hiện chương trình mới theo lộ trình một cách hợp lý”, ông Tài nói.
Theo khảo sát, hiện nay có nơi thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày đạt 80% nhưng có nơi mới chỉ thực hiện được 20%. Do đó, việc tiến tới dạy học 2 buổi/ ngày cho chương trình mới nhiều nơi còn gặp khó khăn.