Nhiều bộ tem bưu chính được phát hành kỷ niệm Ngày Quân đội Nhân dân

Trong 80 năm qua, Bưu chính Việt Nam đã phát hành nhiều bộ tem kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Qua đó, nhằm tôn vinh những công lao to lớn của 'Bộ đội Cụ Hồ' trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trưng bày tem tem bưu chính Hà Nội 2024. Ảnh: Internet.

Trưng bày tem tem bưu chính Hà Nội 2024. Ảnh: Internet.

Tem bưu chính về Quân đội Nhân dân tôn vinh "Bộ đội Cụ Hồ"

Việc phát hành các bộ tem bưu chính về Quân đội Nhân dân ngoài việc tôn vinh những công lao đóng góp của ‘Bộ đội Cụ Hồ’, còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng.

Những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; mối quan hệ gắn kết giữa quân và dân tạo nên sức mạnh nội lực đưa đất nước vượt qua mưa bom, bão đạn, vững vàng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... đều đã được ghi dấu trên tem bưu chính Việt Nam.

Theo Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung, qua ngôn ngữ và hiệu quả tuyên truyền của tem bưu chính, những bộ tem về Quân đội Nhân dân Việt Nam là một thông điệp đa chiều, góp phần khẳng định truyền thống cách mạng vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua 80 năm cùng những cống hiến, hy sinh to lớn của những người lính Cụ Hồ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong 3 ngày 20 - 22/12, tại Bưu điện Trung tâm Hoàn Kiếm, Hội Tem TP Hà Nội và Công ty Tem Bưu chính đã phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội tổ chức trưng bày 100 khung tiêu chuẩn giới thiệu 26 bộ sưu tập của 23 nhà sưu tập về chủ đề 'Quân đội nhân dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước'.

Ban tổ chức triển lãm tem bưu chính Hà Nội 2024 chủ đề 'Quân đội nhân dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước' mong muốn truyền tải đến các tầng lớp nhân dân Thủ đô về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước được tái hiện qua những con tem, lá thư, bưu ảnh… Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội của đất nước.

Phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh “Người Hà Nội” - Nguyễn Đình Thi

Tem bưu chính kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Tem bưu chính kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Bộ tem bưu chính kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi - một người con Hà Nội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chính thức phát hành.

Bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003) khắc họa chân dung Nguyễn Đình Thi cùng những tác phẩm tiêu biểu của ông, trong đó có bài hát ‘Người Hà Nội’. Bộ tem nhằm tôn vinh những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Với 1 mẫu tem khuôn khổ 43 x 32 mm có giá mặt 4.000 đồng, bộ tem bưu chính, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 20/12/2024 đến ngày 30/6/2026.

Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post thiết kế theo phong cách đồ họa. Trung tâm mẫu tem khắc họa chân dung nhà thơ Nguyễn Đình Thi trên nền màu vàng ấm, bên cạnh là những tác phẩm tiêu biểu của ông như bài hát 'Người Hà Nội'; kịch 'Hòn Cuội'; tiểu luận 'Công việc của người viết tiểu thuyết'; truyện, văn xuôi 'Xung kích', 'Vỡ bờ'...

Trước đó, Bộ TT&TT đã phát hành một số bộ tem như lời tri ân đến các thế hệ nhà văn, nhà thơ đã có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam, gồm: Kỷ niệm 100 năm ngày mất Trần Tế Xương, phát hành tháng 1/2007; kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến, phát hành tháng 2/2009; kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, phát hành tháng 12/2015; kỷ niệm 100 năm sinh Xuân Diệu, phát hành tháng 2/2016; kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Bính, phát hành tháng 2/2018; kỷ niệm 100 năm sinh Nguyên Hồng, phát hành ngày 5/11/2018; kỷ niệm 100 năm sinh Tố Hữu, phát hành tháng 10/2020.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924, có nguyên quán làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong những năm 1940, ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc. Năm 1945, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Sau năm 1954, Nguyễn Đình Thi tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến 1989 ông làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1995, ông làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1/1996. Ông mất ngày 18/4/2003 tại Hà Nội.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-bo-tem-buu-chinh-duoc-phat-hanh-ky-niem-ngay-quan-doi-nhan-dan.html