Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Hội thi 'Dân vận khéo' trong BĐBP khu vực I năm 2024 vừa khép lại, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực của các đơn vị BĐBP. Qua hội thi, các đơn vị đã phổ biến, tuyên truyền, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo', xây dựng đơn vị 'Dân vận tốt'. Thành công của hội thi một lần nữa khẳng định, 'dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'.

Đại tá Nguyễn Thanh Hải trao giải Nhất cho đội thi của BĐBP Lạng Sơn. Ảnh: Chiến Khu

Đại tá Nguyễn Thanh Hải trao giải Nhất cho đội thi của BĐBP Lạng Sơn. Ảnh: Chiến Khu

Nhiều đổi mới mang tính đột phá

Hội thi “Dân vận khéo” trong BĐBP khu vực I năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 5 va 6/8 với 14 đội thi, 143 thành viên đến từ BĐBP các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các đội đã tranh tài với 3 phần thi, gồm: Giới thiệu tóm tắt về đơn vị, địa bàn; thi kiến thức và xử lý tình huống công tác vận động quần chúng; giới thiệu, tuyên truyền về mô hình công tác vận động quần chúng tiêu biểu của đơn vị.

Đối với phần thi giới thiệu tóm tắt về đơn vị, địa bàn, các đội thi đã xây dựng chương trình kịch bản chất lượng, tổ chức luyện tập tích cực, với nhiều hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn, cách làm sáng tạo, mang nhiều màu sắc khác nhau của các đơn vị. Thông qua các tiểu phẩm, dân ca, hò vè..., các đội thi đã khéo léo giới thiệu khái quát về truyền thống, lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng tiêu biểu của cơ quan, đơn vị, địa phương; những hoạt động công tác dân vận đã được triển khai hiệu quả trong thực tế đời sống. Các đội thi đã kết hợp tốt giữa trình chiếu video, hình ảnh minh họa với lời bình; hình ảnh được lựa chọn kỹ, gây được ấn tượng và lôi cuốn người xem.

Đối với phần thi kiến thức, các đội đã thể hiện sự hiểu biết căn bản những nội dung mới, trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập đến công tác dân vận; tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một số văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về “tăng cường đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”; về quy chế công tác dân vận của Đảng, Quân đội và BĐBP; xử lý tốt các tình huống trong thực tế tại đơn vị, địa bàn công tác.

Đối với phần thi tuyên truyền mô hình, các đội đã có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, xây dựng nội dung và hình thức thể hiện tiểu phẩm, tiết mục tuyên truyền công tác dân vận của cơ quan, đơn vị rất phong phú, sinh động, sát với tình hình thực tế; hoàn thành tốt phần thi theo quy định. Nhiều đội đã vận dụng linh hoạt giữa thuyết trình với phóng sự ngắn, hình ảnh minh họa để giới thiệu; lồng ghép vào nội dung tiểu phẩm một cách tinh tế về những mô hình giúp nhau phát triển kinh tế tại địa phương.

Khẳng định “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, các đội thi có rất nhiều cố gắng trong công tác chuẩn bị, chủ động sưu tầm tài liệu, ôn luyện nâng cao kiến thức, sáng tạo trong xây dựng kịch bản, thục luyện làm chủ nội dung tuyên truyền. Trong đó, tiểu phẩm tuyên truyền là phần thi nhận được sự chú ý nhiều nhất tại hội thi. Dù tiểu phẩm của các đội được xây dựng để tuyên truyền về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị "Dân vận tốt” nhưng không hề có sự khô khan, cứng nhắc. Từng câu chuyện được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu, mang nhiều cung bậc cảm xúc. Điểm chung của nhiều tiểu phẩm là truyền tải thông điệp “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Tiểu phẩm “Người con của bản” của BĐBP Quảng Ninh được Ban giám khảo đánh giá cao, thu hút khán giả theo dõi. Ảnh: Chiến Khu

Tiểu phẩm “Người con của bản” của BĐBP Quảng Ninh được Ban giám khảo đánh giá cao, thu hút khán giả theo dõi. Ảnh: Chiến Khu

Với tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, mỗi tiểu phẩm mà các đơn vị dàn dựng và biểu diễn đều có một thông điệp ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Trong đó, phải kể đến các tiểu phẩm: “Con đường lên mốc” (BĐBP Lạng Sơn); “Người con của bản” (BĐBP Quảng Ninh); “Chắp cánh những ước mơ” (BĐBP Thái Bình); “Tiếng khóc phía sau núi” (BĐBP Lào Cai); “Chuyện nhà Seo Mỷ” (BĐBP Điện Biên)...

Các tiểu phẩm được xây dựng kịch bản cụ thể, tái hiện tình huống từ những câu chuyện có thật, người thật nên tạo được cảm giác gần gũi, thu hút người xem, tạo hiệu quả tuyên truyền cao. Điểm nhấn nổi bật của phần thi, các đơn vị đều có sự góp mặt của đông đảo nhân dân, cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên... các đơn vị kết nghĩa, có trường hợp còn có vợ của cán bộ BĐBP cùng tham gia dự thi. Với lực lượng quần chúng tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay nên các tiết mục biểu diễn rất sinh động, đã mang đến sự gần gũi, phát huy tinh thần đoàn kết quân dân.

Tiểu phẩm “Con đường lên mốc” của BĐBP Lạng Sơn truyền tải rất rõ thông điệp đó. Tiểu phẩm nói về việc triển khai xây dựng các tuyến đường đi lên cột mốc, trong đó, cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Lạng Sơn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng thực hiện. Phần kết của tiểu phẩm truyền tải thông điệp rõ ràng, đầy thuyết phục: “Chỉ khi nào biên giới quốc gia được giữ vững, thì cuộc sống của nhân dân mới được ấm no, tự do và hạnh phúc”.

Là tổng đạo diễn toàn bộ chương trình dự thi của BĐBP Lạng Sơn, chị Nông Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Văn Lãng (chồng là Thiếu tá Trần Văn Phương, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma) vui vẻ cho biết: “Tôi rất vui mừng vì được góp công sức, trí tuệ vào thành tích chung của BĐBP Lạng Sơn. Sau hội thi, tôi sẽ tiếp tục gắn bó cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong công tác vận động quần chúng để góp sức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Đối với tiểu phẩm “Người con của bản” do BĐBP Quảng Ninh dàn dựng và dự thi, có những phân đoạn cao trào, kịch tính đến nghẹt thở làm khán giả hồi hộp, lại có những phân đoạn đã lấy đi nước mắt của khán giả và vỡ òa trong niềm vui khi quân - dân chung một niềm tin, một ý chí. Tiểu phẩm đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng dũng cảm, không ngại hiểm nguy, gian khổ với tinh thần “vì dân phục vụ”, lay động lòng người, có sức cảm hóa, thuyết phục người dân.

Còn BĐBP Thái Bình đã tận dụng lợi thế của miền quê khai sinh ra nghệ thuật chèo truyền thống. Những phần thi của đội đã phô diễn tinh tế, mượt mà những làn điệu chèo làm say đắm lòng người, nhất là giọng ca ngọt ngào, truyền cảm của chị Quách Thị Xiêm, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho BĐBP Lạng Sơn; giải Nhì cho BĐBP các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Phòng; giải Ba cho BĐBP các tỉnh: Thái Bình, Lào Cai, Hà Giang, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La; giải Khuyến khích cho BĐBP các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Lai Châu, Cao Bằng.

“Sau hội thi, các cơ quan, đơn vị tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận. Cấp ủy, chỉ huy các cấp không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; nội dung hoạt động công tác dân vận phải hướng mạnh về cơ sở, được cụ thể hóa bằng các chương trình, mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với địa bàn, nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị...” - Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhấn mạnh.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-cach-lam-hay-sang-tao-trong-phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo-post479281.html