Nhiều câu hỏi về quản lý condotel chờ Bộ trưởng Xây dựng

Theo các chuyên gia, tính pháp lý chưa rõ ràng, đặc biệt là vấn đề thời hạn sở hữu, khiến nhà đầu tư còn chưa an tâm với loại hình căn hộ condotel.

Chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Một trong số các chủ đề dự kiến được Bộ trưởng Xây dựng giải đáp liên quan đến việc quản lý căn hộ du lịch (condotel).

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014 và đặc biệt "nóng" trong 2 năm gần đây, condotel là căn hộ được quản lý kinh doanh kiểu khách sạn với sở hữu hỗn hợp. Cụ thể, khách hàng mua căn hộ condotel thuộc sở hữu của một chủ đầu nhưng không tự kinh doanh mà phải kinh doanh theo tiêu chuẩn thống nhất của khu du lịch.

Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết năm 2018 có khoảng 7.800 condotel cung ứng ra thị trường với tỷ lệ hấp thụ đạt 92%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, khoảng trống pháp lý với loại hình condotel tồn tại những năm qua khiến nhiều chủ đầu tư còn "chùn tay" khi đầu tư vào mô hình bất động sản mới này.

Hết thời hạn 50 năm sở hữu, condotel sẽ ra sao?

Một trong những câu hỏi liên quan đến condotel nhận được nhiều quan tâm của dư luận trong thời gian qua là hết thời hạn 50 năm, quyền sở hữu loại căn hộ này sẽ ra sao.

Theo ông Chu Thanh Hiếu, Tổng giám đốc công ty MIK Home, phải căn cứ vào quy định pháp luật tại thời điểm đó để có câu trả lời chính xác.

Phó tổng giám đốc công ty Danh Khôi Việt Vũ Lý Cung cũng đồng tình với quan điểm trên và mong sớm có quy định cụ thể hơn.

"Quyền sử dụng đất với condotel chỉ trong 50 năm hay lâu dài vẫn là câu hỏi khiến khách hàng lấn cấn. Cần có thêm quy định cụ thể của cơ quan chức năng và Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới", ông Cung chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, lưu ý dự án condotel có thể do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hết thời hạn, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại dự án cho Nhà nước. Do đó, Chủ tịch HoREA đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn với dự án condotel do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.

Một thiếu sót khác với việc quản lý condotel theo chuyên gia này là loại hình này chưa được quy định là bất động sản hình thành trong tương lai trong Luật Kinh doanh Bất động sản. Do đó, chưa xác định được thời điểm cụ thể chủ đầu tư được phép bắt đầu huy động vốn với dự án condotel như trường hợp căn hộ chung cư phải xong phần móng.

Ngoài ra, ông Châu còn nêu bất cập khi có địa phương cấp sổ đỏ công nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài với condotel nhưng lại kèm theo nội dung "không hình thành đơn vị ở".

"Vừa rồi ở Đà Nẵng, có dự án sau khi thanh tra kết luận thì lại cấp sổ đỏ mới thời hạn là 39 năm, trừ đi khoảng thời gian từ 2008-2019, làm nhà đầu tư chịu thiệt", Chủ tịch HoREA cho hay.

Theo ông, cơ quan chức năng cần phải cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất với căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp theo thời hạn của dự án, có thể 50 hoặc 30 năm tùy dự án cụ thể. Với trường hợp lỗi thuộc về địa phương, thì sổ đỏ cấp lại cho người mua condotel vẫn nên có thời hạn 50 năm hoặc trọn thời hạn của dự án.

Cần quy định buộc chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết sinh lời?

Tìm kiếm từ khóa "condotel" trên Google, có hơn 6,4 triệu kết quả được trả về với nhiều dự án tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc được quảng cáo hấp dẫn như tỷ suất lợi nhuận cam kết 10% mỗi năm. Cá biệt, có dự án cam kết tỷ suất sinh lời lên tới 14%/năm.

Ông Châu nhận định nhiều chủ đầu tư đang cam kết tỷ lệ sinh lời của căn hộ condotel là 8-12%/năm trong 8-12 năm nhưng không đi kèm biện pháp cụ thể để thực hiện cam kết với khách hàng.

Chủ tịch HoREA cho biết tại nhiều nước, tỷ suất lợi nhuận cam kết của loại hình căn hộ condotel chỉ khoảng 6%/năm. Theo vị chuyên gia bất động sản, mỗi nước có điều kiện kinh doanh khác nhau như chi phí lãi vay hay tỷ lệ lạm phát nên các chủ đầu tư trong nước có thể đưa ra cam kết lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tỷ lệ cam kết nếu lên tới 14, 15% là phi lý.

Nhiều chủ đầu tư hiện cam kết tỷ suất lợi nhuận của condotel lên tới 14%/năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Nhiều chủ đầu tư hiện cam kết tỷ suất lợi nhuận của condotel lên tới 14%/năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Ông Châu chỉ ra trong thực tế một số dự án condotel ở Đà Nẵng, Nha Trang, chủ đầu tư không thực hiện được cam kết sinh lời "hấp dẫn" hứa hẹn với khách hàng.

Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể để đảm bảo chủ đầu tư phải làm đúng cam kết. "Cần có chế tài để chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết sinh lời với người mua condotel", ông Châu nêu ý kiến và đề xuất Luật Kinh doanh Bất động sản cần quy định chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết nhằm bảo đảm lợi ích của khách hàng.

Trước đó, vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể về từng loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel (căn hộ khách sạn) và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2019.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng chưa công bố bất kỳ quy định nào liên quan đến loại hình căn hộ này.

Đầu tháng 4, Thủ tướng cũng đã ký văn bản giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy định liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới trong đó có condotel.

Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-cau-hoi-ve-quan-ly-condotel-cho-bo-truong-xay-dung-post950836.html