Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ 1.200 km cao tốc cho đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt mục tiêu hoàn thành 600 km cao tốc trong nhiệm kỳ này và 600 km tiếp theo trong nhiệm kỳ sau để cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 1.200 km cao tốc phục vụ cho bà con nhân dân.

Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với các tỉnh, thành phố để xử lý các vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng khu vực ĐBSCL. Tham dự cùng Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Lãnh đạo các địa phương báo cáo, thảo luận về các khó khăn, trách nhiệm trong việc triển khai các dự án giao thông

Lãnh đạo các địa phương báo cáo, thảo luận về các khó khăn, trách nhiệm trong việc triển khai các dự án giao thông

Từng bước tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu

Tại buổi làm việc, các địa phương trong khu vực và vùng lân cận đã báo cáo, thảo luận về các khó khăn, trách nhiệm từng địa phương và tình hình triển khai các dự án giao thông, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, việc cung ứng nguyên vật liệu, tiến độ thi công, việc mở các nút giao kết nối các tuyến cao tốc…

Theo báo cáo của Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, các dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh sẽ hoàn thành năm 2027.

Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ các dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp.

Hiện nay, đã xác định nguồn cung ứng cát đắp với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3 so với nhu cầu 55,5 triệu m3 cho 5 dự án, trong đó đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3. Vấn đề còn lại là cần thực hiện đồng thời, song song các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp mỏ cát, nâng công suất các mỏ đá mới đáp ứng được tiến độ đề ra.

Để đảm bảo tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các nhà thầu để hoàn thành các thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác đúng thời hạn, nâng công suất mỏ; hoàn thành công tác rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ trên địa bàn và triển khai thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cho các dự án.

Đồng thời, khẩn trương điều phối khối lượng cát đã cấp cho các nhà thầu đang khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đảm bảo hoàn thành việc đắp cát trong tháng 7/2024. Cùng với đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thủ tục để gia hạn thời gian khai thác và nâng công suất (50%) mỏ đá Antraco theo cơ chế đặc thù.

UBND các tỉnh trong khu vực có nguồn vật liệu đá phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) rà soát nâng công suất 50% theo cơ chế đặc thù để ưu tiên cấp cho các dự án. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thuê đất mặt nước thực hiện dự án khai thác khoáng sản cát sông và trường hợp các mỏ không nằm trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp huyện.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương chỉ đạo các sở, ngành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án trong tháng 7/2024. Bộ Công thương, EVN và các cơ quan chủ quản đẩy nhanh thủ tục di dời đường điện cao, trung và hạ thế.

Đối với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, hiện nay tiến độ các dự án thành phần 3 vẫn đang triển khai theo kế hoạch. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Đồng Nai chỉ mới đạt 32,6%, đây cũng là địa phương gặp khó khăn do có nhiều dự án lớn. Hiện tỉnh Đồng Nai đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt để sớm tháo gỡ và bàn giao đất cho nhà thầu thi công.

Thi công tại dự án đường Vành đai 3 TP. HCM gặp nhiều khó khăn khi không tìm được nguồn cát

Thi công tại dự án đường Vành đai 3 TP. HCM gặp nhiều khó khăn khi không tìm được nguồn cát

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, vấn đề lớn hiện nay của dự án đường Vành đai 3 vẫn là cát. Tổng khối lượng cát đã huy động cho dự án mới chỉ đạt 900.000 m3, trong khi năm nay dự án cần khoảng 6 triệu m3, riêng TP. HCM cần đến 4,7 triệu m3.

Ông Mãi nhấn mạnh, hiện nay nguồn cát cho dự án không có, các đơn vị đã tính đến phương án mua cát từ Campuchia. Quá trình nghiên cứu các thủ tục, nếu trong thẩm quyền thì địa phương sẽ quyết nhưng nếu bù giá thì phải xin ý kiến các bộ, ngành hỗ trợ và cho chủ trương để thực hiện. Hiện nay, giá cát từ Campuchia về tới sân bay Long Thành là khoảng 360.000 đồng/m3, trong khi đó giá cát trong hợp đồng đang là 240.000 đồng/m3. Trong tuần tới, TP. HCM sẽ cùng các tỉnh họp bàn để tính toán phương án bù giá mua cát từ Campuchia và sẽ có báo cáo cụ thể trình lên Thủ tướng.

Nỗ lực nhân đôi số km cao tốc cho ĐBSCL

Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL khoảng 391.200 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Về thực hiện các quy hoạch đã ban hành, Bộ GTVT cho biết, về đường bộ sẽ hình thành mạng đường bộ cao tốc gồm 3 trục dọc và 3 trục ngang, cùng với 33 tuyến quốc lộ dài khoảng 3.611 km sẽ đảm nhận vai trò gom hành khách, hàng hóa để kết nối với các tuyến cao tốc "xương sống" chính của vùng.

Theo Thủ tướng, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các nhà thầu thi công của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong hai ngày qua

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các nhà thầu thi công của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong hai ngày qua

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các địa phương đã tích cực cùng các bộ, ngành giải quyết khó khăn liên quan tới nguồn nguyên, vật liệu cho dự án.

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương thực hiện các thủ tục hành chính, dứt điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng; phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, hoàn thành trong tháng 7/2024. Các tỉnh, thành phố trong khu vực giao mỏ cần điều chỉnh công suất và điều phối vật liệu san lấp phục vụ dự án, đặc biệt là việc sử dụng cát biển và tro xỉ vào san lấp mặt bằng.

Nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 ĐBSCL phải có 600 km, đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc và giao mục tiêu tiến độ đối với từng dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", “3 ca, 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”; huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc".

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/no-luc-day-nhanh-tien-do-1200-km-cao-toc-cho-dong-bang-song-cuu-long-183240713163649735.htm