Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk đạt thấp so với kế hoạch

Sáng 16/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng với cùng kỳ năm 2023. Quy mô nền kinh tế ổn định, duy trì ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP- giá so sánh năm 2010) ước đạt 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 39,56% kế hoạch năm 2024. Trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,38%, bằng 31,4% kế hoạch; công nghiệp-xây dựng ước tăng 4,52%, bằng 39,83% kế hoạch, riêng công nghiệp ước tăng 3,34%, bằng 40,84% kế hoạch; dịch vụ ước tăng 4,04%, bằng 45,37% kế hoạch; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 2,38%, bằng 49,33%.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.683,6 tỷ đồng, tăng 3,62%, bằng 40,63% kế hoạch năm 2024. Xuất khẩu ước đạt 920 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 57,5% kế hoạch năm 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 53.458 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 53,6% kế hoạch năm 2024.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.257 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 60,8% dự toán Trung ương giao và bằng 50,1% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, thu thuế và phí ước đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 15,65% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 64,84% kế hoạch năm 2024; thu biện pháp tài chính ước đạt 789 tỷ đồng, bằng 24,73% kế hoạch năm 2024, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 688,61 tỷ đồng, gồm cấp tỉnh thực hiện 1,483 tỷ đồng, bằng 0,11% kế hoạch và cấp huyện thực hiện 687,13 tỷ đồng, bằng 43,2% kế hoạch năm.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 715 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 38,7% kế hoạch năm 2023. Lũy kế đến 30/6, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.841 doanh nghiệp còn đăng ký, hoạt động, trong đó có 11.858 doanh nghiệp và 983 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh; có 35 hợp tác xã thành lập mới, đạt 53,85% kế hoạch.

Hoạt động du lịch tăng trưởng khá, toàn tỉnh đón khoảng 119.500 lượt khách du lịch, tăng 4,63% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 17.400 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 646 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 68% kế hoạch năm 2024.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2024, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Lắk là 6.496,86 tỷ đồng, trong đó tổng kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý để thực hiện dự án là 4.559,96 tỷ đồng, đã giao chi tiết đầu năm đến từng dự án là 4.376,97 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương đã giao 2.389,736/2.415,73 tỷ đồng, đạt 98,9% kế hoạch.

Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giao 1.987,23/2.144,22 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch; số vốn còn lại chưa giao là chi tiết là 156,99 tỷ đồng.

Đến ngày 17/6, đã giao chi tiết đến từng dự án là 4.376,97 tỷ đồng, giải ngân đạt 1.298,24/4.376,97 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch, cao hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 924,531/2.389,7 tỷ đồng, đạt 38,7%; nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 373,7/1.987,23 tỷ đồng, đạt 18,8% kế hoạch...

Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2024 tổng vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là 1.188,5 tỷ đồng, trong đó giao chi tiết đầu năm là 1.158,5 tỷ đồng, số vốn còn lại 30 tỷ đồng phân bổ sau. Đến nay đã giải ngân được 258,75/1.188,5 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, đối ngoại, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, nổi bật là các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tại các địa phương trong tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng trường, giữ vững...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều nhiệm vụ thực hiện chưa đạt kết quả đề ra như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt kịch bản đề ra; thu tiền sử dụng đất đạt thấp, ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công bằng ngân sách tỉnh đã có trong kế hoạch được duyệt.

Thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu đề ra và việc triển khai thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm do công tác lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và các phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực có thời điểm xảy ra phức tạp. Các vụ vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội, vi phạm về lâm luật còn xảy ra trên một số địa bàn...

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, nêu rõ những kết quả đạt được cũng như thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tỉnh Đắk Lắk dự báo trong 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi khi tình hình tăng trưởng kinh tế của cả nước sẽ có nhiều triển vọng cải thiện thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch... kết hợp với các dự án đầu tư công của tỉnh đã cơ bản hoàn thành các thủ tục hồ sơ và trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ giải ngân, việc thu hút đầu tư có nhiều cải thiện... điều này sẽ là điều kiện để kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh có sự phục hồi chậm, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi xung đột xảy ra ở một số nước trên thế giới; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ... diễn biến khó lường.

Do đó, để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Khẩn trương tham mưu, triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk và kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu quy hoạch và hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, nhất là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ giữa các loại quy hoạch làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, các chính sách mới đã có hiệu lực thi hành và tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật không còn phù hợp với các Luật mới, quy định mới ban hành để kịp thời tham mưu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, nhất là các chỉ tiêu dự báo có khả năng không đạt, chỉ tiêu đạt thấp trong 6 tháng đầu năm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hoàn thành kế hoạch cả năm 2024.

Tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu lại kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Theo dõi, nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn. Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đúng tiến độ kế hoạch. Tham mưu triển khai hoạt động các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân của tỉnh; điều chuyển vốn từ dự án không có khối lượng, giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu có khả năng giải ngân cao để đảm bảo tiến độ giải ngân các nguồn vốn theo quy định.

Triển khai tốt các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư thu tiền sử dụng đất để tăng thu tiền sử dụng đất,... bảo đảm nguồn vốn bố trí cho các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh đã có trong kế hoạch.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột và thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 72 của Quốc hội và tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đề án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh địa bàn Tây Nguyên.

Đẩy mạnh quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, kiềm chế tội phạm và các loại tội phạm xã hội trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhieu-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-dak-lak-dat-thap-so-voi-ke-hoach-221583.html