90% sản phẩm mây tre đan của HTX được xuất ngoại, cả làng không ai thất nghiệp

Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng nghề mây tre đan Xuân Hội, ông Đặng Ngọc Quyết đã biến đam mê và tâm huyết của mình thành những sản phẩm thủ công tinh xảo, góp phần đưa sản phẩm của HTX mây tre đan Ngọc Quyết (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) vươn ra thị trường quốc tế. Hoạt động hiệu quả của HTX giúp các thành viên cũng như bà con làng nghề không chỉ ổn định cuộc sống, mà còn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, mang đến sự thịnh vượng cho quê hương.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thoáng rộng dẫn vào HTX, ông Đặng Ngọc Quyết – Giám đốc HTX mây tre đan Ngọc Quyết phấn khởi giới thiệu về những dãy nhà cao tầng san sát, những công trình cộng đồng to đẹp của thôn, góp phần cùng xã Lạc Vệ cán đích nông thôn mới vào năm 2015.

Giữ lửa nghề truyền thống

Trong “bức tranh” tươi sáng ấy, vóc dáng của làng nghề mây tre đan nổi danh hàng trăm năm hiện lên đầy sức sống. Những chuyến xe chở nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm tấp nập ra vào...

“Nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và tìm hướng xuất khẩu nên nghề mây tre đan truyền thống ở Xuân Hội phát triển tốt. Hiện có tới 80% hộ dân trong thôn tham gia vào HTX để có đầu ra ổn định cho sản phẩm”, ông Quyết tự hào nói.

Chia sẻ với VnBusiness về hành trình “giữ lửa” nghề truyền thống không bị mai một, ông Quyết cho biết: "Chúng tôi từ người nông dân làm chủ cơ sở sản xuất, kinh nghiệm không có, vốn liếng đầu tư hạn hẹp nên những bước đi đầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với suy nghĩ "quê mình có nghề truyền thống, chẳng lẽ không thể sống bằng nghề mà cứ phải bươn chải ngành nghề khác", nên chúng tôi quyết phải giữ nghề và làm giàu từ nghề đan mây tre".

Những chiếc giỏ, rổ, khay, và nhiều sản phẩm khác ra đời không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, đem lại niềm tự hào cho người dân địa phương.

Những chiếc giỏ, rổ, khay, và nhiều sản phẩm khác ra đời không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, đem lại niềm tự hào cho người dân địa phương.

Để HTX hình thành và phát triển được như ngày hôm nay là cả một quá trình dài. Năm 2009, ông Quyết cùng một người anh em đến làng nghề ở Phú Xuyên (Hà Nội) để học hỏi thêm cách đan hàng mây, sau đó về dạy nghề cho 9 người trong thôn và thành lập HTX mây tre đan, với số vốn ban đầu chỉ hơn chục triệu đồng.

Để có thể tiếp cận được với thị trường, ông Quyết đích thân đi chào hàng ở các công ty xuất nhập khẩu, các cửa hàng lớn nhỏ, các khu trưng bày đồ lưu niệm,... Ban đầu, HTX chưa thu hút được những đơn đặt hàng số lượng lớn do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Cuối năm 2009, HTX thành lập tổ kỹ thuật, tập hợp những người tay nghề giỏi để tìm những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, nâng cao tay nghề cho người lao động là nâng cao chất lượng sản phẩm cho chính HTX, vì vậy hàng năm HTX Ngọc Quyết thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn huyện Tiên Du và một số tỉnh bạn.

Với những đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống, năm 2014, ông Đặng Ngọc Quyết vinh dự dược Hiệp hội làng nghề Việt Nam, UBND tỉnh phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân mây tre đan".

Nỗ lực tạo thành quả

Nghề mây tre đan không kén lao động bởi bất kỳ ai, từ người già đến trẻ nhỏ nếu chăm chỉ cũng có thể học và đan được. Tuy nhiên, để làm ra các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang thị trường quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và ưa thích của người tiêu dùng thì ngoài tay nghề khéo léo, kỹ thuật cao còn phải luôn sáng tạo được những mẫu mã riêng biệt.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài, Giám đốc Đặng Ngọc Quyết chia sẻ: “Từ những mặt hàng dân dụng bằng mây, tre, chúng tôi đã nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ cao như lọ hoa mây, lẵng hoa, ấm ủ chè… để tiếp cận các thị trường quốc tế. Trước hết cần tìm hiểu đặc tính, nhu cầu của từng thị trường. Chẳng hạn khách hàng người Nga thường chuộng màu gụ, Đài Loan chuộng màu xanh và đỏ, Đông Âu thích màu mộc trắng…, từ đó phối màu sản phẩm phù hợp”.

Ngoài ra, hàng xuất khẩu có tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe, chỉ cần trong lô hàng có 1 sản phẩm lỗi là bị trả lại tất cả. Khi nhân công làm việc phải yêu cầu thực hiện đúng kỹ thuật, kiểm soát hết sức cẩn thận. Hiện nay, HTX cũng áp dụng công nghệ trong giao dịch, thường phác thảo bản vẽ kỹ thuật vi tính sau đó gửi khách hàng xem trước, nếu họ chấp nhận mới bắt tay vào sản xuất.

Nhờ sự nỗ lực của ban lãnh đạo cùng các thành viên HTX, cũng như bà con làng nghề, trung bình tổng giá trị sản xuất đạt 30-40 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 30% GDP toàn xã với 90% lượng sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường: Nga, Nhật Bản, HongKong,... Nhiều người gọi vui Xuân Hội là làng “không ai thất nghiệp” cũng vì lẽ đó.

Bà VươngThị Hải (54 tuổi) – thành viên HTX kể: “Tôi làm việc này đã hơn 7 năm nay với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Công việc đan mây tre này không nặng nhọc, tận dụng được thời gian rảnh rỗi nên rất phù hợp với lứa tuổi trung niên, người già mà lại cho thu nhập ổn định. Nếu như không có công việc này, chúng tôi chỉ biết trông vào mấy sào ruộng thì cuộc sống rất khó khăn”.

Ấp ủ những ước mơ xa

Trên tường phòng khách treo kín bằng khen, giấy chứng nhận, Giám đốc Đặng Ngọc Quyết hồ hở khoe: “Sản phẩm “Ấm ủ trà xanh” của HTX được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn mở ra cơ hội cho HTX tiếp cận thêm khách hàng trong nước, quốc tế”.

Qua đó, HTX cũng đã liên kết hợp tác được với một số đối tác cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại làng nghề mây tre đan Ngọc Quyết, mỗi sản phẩm không chỉ là kết quả của kỹ thuật điêu luyện mà còn chứa đựng tâm huyết và tình yêu nghề của những người thợ. Trải qua hành trình nỗ lực vươn lên, HTX Ngọc Quyết được coi là biểu tượng của sự bền bỉ trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Quyết cho biết, 90% sản phẩm mây tre đan của HTX đã xuất ngoại.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Quyết cho biết, 90% sản phẩm mây tre đan của HTX đã xuất ngoại.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, những sản phẩm công nghiệp ngày càng chiếm lĩnh thị phần, HTX Ngọc Quyết vẫn kiên trì với con đường bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan. Những chiếc giỏ, rổ, khay, và nhiều sản phẩm khác ra đời không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường quốc tế, đem lại niềm tự hào cho người dân địa phương.

Dù đã đạt được nhiều thành công nhất định, HTX mây tre đan Ngọc Quyết vẫn luôn nhìn về tương lai với những ước mơ lớn. HTX không ngừng tìm kiếm những thị trường mới, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Với sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành, HTX đang lên kế hoạch đào tạo thêm nhiều lao động trẻ, truyền dạy kỹ năng và kiến thức về nghề mây tre đan, giúp duy trì và phát triển làng nghề. Những ước mơ xa ấy không chỉ là mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là tâm huyết gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.

“Sự kiên định và khát vọng vươn xa đang dần biến những ước mơ thành hiện thực. Hy vọng trong tương lai, những sản phẩm mây tre đan tinh xảo của HTX sẽ tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính, góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm thủ công Việt Nam trên bản đồ thế giới”, Giám đốc Đặng Ngọc Quyết bày tỏ.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/90-san-pham-may-tre-dan-cua-htx-duoc-xuat-ngoai-ca-lang-khong-ai-that-nghiep-1101884.html