Nhiều chia sẻ tâm huyết để phát triển giáo dục đại học
Tại chương trình 'Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục' diễn ra chiều 15-8, nhiều ý kiến của cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm trong phát triển giáo dục đại học. Nhiều chia sẻ, đề xuất liên quan đến vấn đề tự chủ, nghiên cứu khoa học và bảo đảm công bằng giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục cũng đã được bày tỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Tăng cường truyền thông về tự chủ đại học
Từ thực tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, về việc triển khai tự chủ trong đại học hiện nay, xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí, thiên về tài chính và nghĩ là tự chủ là nhà nước không hỗ trợ học phí. Đây là vấn đề cần được truyền thông để xã hội rõ, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chung tay truyền thông về tự chủ đại học và có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tại chính hợp lý trong thời gian tới.
Nội dung cần tăng cường truyền thông về tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Các trường được chủ động liên kết tạo các mối quan hệ, thêm cơ hội để người học được có thêm thực tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các trường tự chủ được chủ động mời các chuyên gia quốc tế, tăng cường các hoạt động đối ngoại để nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam.
Các trường tự chủ hướng đến chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế. Các trường được tự chủ trong liên kết tạo ra dịch vụ đại học mang đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ còn bao gồm tự chủ tài chính, bảo đảm thu đúng thu đủ để xã hội không phàn nàn về vấn đề học phí.
Tiến sĩ Đinh Minh Hằng, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Cần tạo thêm động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng hiện nay. Trong đó, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở mỗi nhà trường. Vấn đề về liêm chính học thuật, đạo đức nhà giáo đang là chủ đề nóng trong cộng đồng những người làm khoa học.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện có 636 giảng viên, trong đó có 424 tiến sĩ, 128 giáo sư, phó giáo sư. Mỗi năm, trường được đầu tư khoảng 6-8 tỷ đồng, tức là mỗi giảng viên có từ 10 - 15 triệu đồng/năm để nghiên cứu khoa học. Đây là còn số chưa đủ lớn để thu hút nhiều người nghiên cứu khoa học.
Thực tế, đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay còn khá nhỏ lẻ, do đó, cần có giải pháp nhằm tạo thêm động lực, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học để đạt được hiệu quả nghiên cứu. Nhà trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có các giải pháp, chính sách để tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học…
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa: Điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường ngoài công lập
Các trường ngoài công lập đều tự chủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, thu hút nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong các nhà trường.
Thực tế triển khai cho thấy, kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng khoa học tại trường thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Chính phủ đã trao quyền tự chủ cao hơn cho giáo dục đại học. Dựa vào đó, các trường đã thực hiện tốt chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Với những trường được hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế, đã có sự đầu tư lớn tạo môi trường đào tạo, thực hành, nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với sản xuất, giúp sinh viên phát triển kỹ năng, thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên, hệ thống các trường ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, lớn nhất là đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, vấn đề chính sách tài chính, tài trợ, thi đua khen thương, vinh danh nhà giáo... có phần thiệt thòi so với các trường công lập. Vì vậy, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận sự đóng góp của các trường ngoài công lập, tiếp tục có điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập; trong đó, các trường ngoài công lập được tiếp cận với quỹ đất xây dựng, được ưu đãi về chính sách thuế.