Nhiều chiêu trò vô hiệu hóa camera giám sát
Nghị định 10/NĐ-CP năm 2021 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải yêu cầu phải lắp camera trên ôtô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ ngày 1-7-2021.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết cả nước hiện có trên 103.000 xe trong tổng số 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát. Tuy nhiên, đến nay, nhiều chủ xe, tài xế vẫn chưa thực hiện Nghị định 10.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số hội, nhóm tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia chống đối chủ trương lắp đặt camera giám sát hành trình trên phương tiện. Thậm chí, các hội, nhóm này còn đăng nhiều hình ảnh camera lắp trong xe khách được bịt, cột thắt bằng các khẩu trang y tế để ngăn ghi hình và truyền hình ảnh về trung tâm xử lý của cơ quan quản lý.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết hiện nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải đường bộ ngày càng tăng, đặc biệt là khi các trường tổ chức học trực tiếp ở tất cả các cấp học; các hoạt động kinh doanh, du lịch trở lại bình thường sau thời gian phòng chống dịch.
UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan liên quan triển khai những loại hình kinh doanh vận tải để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thế nhưng, có hiện tượng đối phó với các quy định về kinh doanh vận tải nhằm tránh né việc phát hiện vi phạm.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5-4-2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, ông Thọ cho biết Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ôtô kinh doanh vận tải. Hệ thống này phải bảo đảm kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hướng dẫn các sở GTVT thực hiện quản lý, xử lý dữ liệu thông qua các thiết bị này; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Tước phù hiệu 1-3 tháng
Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt quy định: Phạt từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức nếu sử dụng ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera; có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên ôtô về máy chủ của đơn vị... Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1-3 tháng.