Nhiều chính sách thúc đẩy giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm ở Đà Nẵng

Bước vào năm 2024, Đà Nẵng còn gần 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,39%; phấn đấu cuối năm 2025, thành phố sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Trong ba năm (2021-2023), thành phố Đà Nẵng đã có 8.200 hộ thoát nghèo. Bước vào năm 2024, toàn thành phố còn gần 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,39%; phấn đấu đến cuối năm 2025, Đà Nẵng sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố.

Theo Quyết định số 934/QĐ-TTg ngày 6/9 điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022-2025 của 5 địa phương, Trung ương giao Đà Nẵng giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,15%/năm.

Tháng 9, UBND TP Đà Nẵng có công văn đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, thành phố phấn đấu cuối năm 2024 không còn gia đình chính sách có công cách mạng thuộc hộ nghèo. Các chính sách, hoạt động giảm nghèo cũng tập trung ưu tiên giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo theo chuẩn Trung ương để tạo điều kiện và tiếp sức cho các hộ này ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều chính sách nhân văn dành cho người nghèo được Đà Nẵng ban hành.

Nhiều chính sách nhân văn dành cho người nghèo được Đà Nẵng ban hành.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung trú tại tổ 32, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng, thuộc diện hộ nghèo. Nhiều năm nay, bà ở trong căn nhà xuống cấp, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên không có đủ kinh phí để sửa chữa.

Thấu hiểu và chia sẻ hoàn cảnh của hộ gia đình này, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng thành phố) đã tự nguyện hỗ trợ toàn bộ ngày công, giúp gia đình bà Nhung xây dựng và các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, tổng cộng 140 triệu đồng. Dự kiến ngôi nhà sẽ hoàn thành vào tháng 10.

Bà Dương Thị Hòa, tổ 58, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, cũng là trường hợp được hỗ trợ để có căn nhà khang trang, vững chãi. Trong căn nhà mới, bà Hòa nhớ lại những ngày gia đình phải sống trong ngôi nhà xuống cấp nhiều năm, đặc biệt, nỗi lo mất an toàn càng lớn mỗi khi vào mùa mưa bão. Rồi hộ gia đình bà Hòa được Bộ đội biên phòng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương quan tâm hỗ trợ để có ngôi nhà kiên cố.

Để hoàn thành công trình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng hỗ trợ gia đình bà 80 triệu đồng, một ngân hàng hỗ trợ 50 triệu đồng. Toàn bộ ngày công được cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp đỡ.

Tại Đà Nẵng, năm 2024, rất nhiều ngôi nhà kiên cố, vững chãi khác được dựng lên, sửa chữa giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn... được bộ đội biên phòng và chính quyền chung tay hỗ trợ bằng kinh phí, ngày công...

Công tác xóa nhà tạm, hỗ trợ chăm lo chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, cận nghèo được cấp ủy, chính quyền thành phố, mặt trận và các ban, ngành, đơn vị, cộng đồng rất quan tâm. Hộ nghèo tại thành phố được hỗ trợ xây mới nhà ở với mức 80 triệu đồng/nhà; sửa chữa nhà là 30 triệu đồng/nhà; giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và miễn tiền thuê nhà hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Ngày 30/7, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố trong năm 2025", nhằm tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn thành phố.

Điều này góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Các hoạt động đồng thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Phong trào thi đua sẽ tập trung vào 5 nội dung chính, như: Thi đua huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn thành phố trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân.

Trong hơn 4.000 hộ nghèo còn sức lao động có 900 hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn của Trung ương (chiếm tỷ lệ 0,3% tổng số hộ dân). Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, giai đoạn 2024-2025, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm 100% hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố; Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tham mưu triển khai hàng loạt các chính sách về giảm nghèo, trong đó: nâng mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội năm 2024 (từ 57.000 đồng/hộ/tháng lên mức 60.000 đồng/hộ/tháng); Phê duyệt triển khai chính sách tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố.

HĐND TP Đà Nẵng cuối tháng 7 ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 10/8, nguồn ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/thiết bị/hộ cho mỗi hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố, mà tất cả thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh (mỗi hộ gia đình chỉ hỗ trợ tối đa 1 lần)...

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-chinh-sach-thuc-day-giam-ngheo-ben-vung-da-chieu-bao-trum-o-da-nang-2331484.html