Nhiều chương trình kết nối xuất khẩu sang thị trường tỷ dân
Nhiều chương trình xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tiếp tục được triển khai, kiếm thêm đơn hàng, bù đắp cho sự suy giảm tại các thị trường Mỹ, EU đang giảm mua hàng từ Việt Nam.
Các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp tìm kiếm thêm bạn hàng tại thị trường tỷ dân liên tục được Bộ Công thương tổ chức từ đầu năm đến nay.
Theo ước tính, đã có hàng chục sự kiện lớn, nhỏ được tổ chức giữa nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc với phía Việt Nam để "bắc cầu" cho hoạt động giao thương.
Động thái này tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 1/2023 sau một thời gian dài thực hiện chính sách “Zero Covid”
Ngày 31/3 tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới, tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.
Chiều 27/3, tại hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc, Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Trung Quốc quan tâm, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản có thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài đại diện các cơ quan chính quyền Quảng Tây, các hiệp hội ngành hàng, có khoảng 80 doanh nghiệp Quảng Tây trong các ngành: dịch vụ logistics, sản xuất và thương mại nông lâm thủy sản (tinh bột sắn, trà, rau củ, hoa quả, phân bón, sữa dê, đồ gỗ…), du lịch, vật liệu xây dựng, thương mại điện tử, đầu tư, dịch vụ công trình (nghiên cứu thiết kế, tư vấn, xây dựng, đánh giá nghiệm thu, bao thầu EPC), sản phẩm cơ khí, ô tô, xe điện, đồ gia dụng…đều có mặt tại Việt Nam để kết nối với các doanh nghiệp Việt.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Thị trường lớn nhất là Mỹ đạt 13,1 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ, EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, với chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 đã tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam, nhờ đó, xuất khẩu sang thị trường này 2 tháng đạt 8,2 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương):"Trung Quốc mở cửa trở lại đã tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hóa. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tỷ dân đã và đang được tiếp tục để đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả, nhất là với nhóm hàng nông thủy sản".
"Bộ Công thương đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ", ông Phú cho biết thêm.
Việc thực thi chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta sang thị trường này trong năm 2022 bị ảnh hưởng đáng kể, tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 3%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 đạt hơn 57,7 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với mức thực hiện này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đã có sự sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân của mức tăng trưởng thấp này là do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid nên xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, trong đó rau quả, gạo, hàng dệt may, hạt điều, dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo... bị sụt giảm mạnh.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc dự báo sẽ cải thiện đáng kể trong thời gian tới nhờ các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại được 2 bên phối hợp tổ chức.