Nhiều chuyên gia lo ngại về dự thảo kiểm soát khí thải ô tô tại Hà Nội, TP.HCM

Các chuyên gia ủng hộ mục tiêu kiểm soát khí thải ô tô nhưng lo ngại về tính khả thi, công bằng của dự thảo đề xuất.

Lách luật bằng cách đăng ký xe ở tỉnh ngoài

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo quyết định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô ở Việt Nam. Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị này sẽ áp tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn cho ô tô tại hai đô thị lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Dự thảo quy định mới về kiểm định khí thải, với việc áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn (như Euro 4, Euro 5) cho xe ô tô đăng ký tại Hà Nội và TP.HCM, ngay cả với những xe đã sản xuất nhiều năm trước, đang được đưa ra lấy ý kiến.

Kỹ sư Lê Văn Tạch

Kỹ sư Lê Văn Tạch

Liên quan đến vấn đề này, kỹ sư Lê Văn Tạch nêu quan điểm ủng hộ chủ trương của Chính phủ về tăng dần tiêu chuẩn khí thải với xe ô tô mới bán ra thị trường để từng bước giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cùng với đó là ủng hộ việc không cấp phép đăng kiểm cho những xe cũ nát, không được bảo dưỡng, sửa chữa chu đáo gây ô nhiễm môi trường, không đạt tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn tại thời điểm xe đó được sản xuất và đã được cấp phép lưu hành.

Tuy nhiên, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng: "Tôi không ủng hộ việc dùng tiêu chuẩn cao của xe đời mới áp dụng cho xe cũ có tiêu chuẩn khí thải lúc xuất xưởng thấp hơn. Cùng với đó là ý tưởng phân biệt xe mang biển số khác nhau lại áp dụng tiêu chuẩn khác nhau là không hợp lý. Đề xuất này có sự thiếu hợp lý khi áp dụng tiêu chuẩn khác nhau dựa trên nơi đăng ký xe. Việc quy định xe biển số Hà Nội, TP.HCM phải đạt chuẩn Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026, trong khi xe ở tỉnh khác thì không, là thiếu logic về mặt kỹ thuật. Hơn nữa, quy định này rất dễ bị lách luật. Người dân hoàn toàn có thể đăng ký xe ở các tỉnh lân cận, không bị áp tiêu chuẩn cao, rồi sau đó đưa xe về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng hàng ngày. Như vậy, mục tiêu giảm ô nhiễm tại các thành phố lớn sẽ khó đạt được”.

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, việc áp đặt tiêu chuẩn mới lên xe cũ là không thực tế. Xe được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải nào thì khi kiểm định lưu hành cũng cần được đánh giá theo tiêu chuẩn đó. Không thể bắt một chiếc xe đạt Euro 3 hay Euro 4 phải “nhảy vọt” lên Euro 5 chỉ vì nó đang lăn bánh ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

"Điều này không chỉ bất khả thi về mặt kỹ thuật đối với nhiều dòng xe cũ mà còn tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho chủ phương tiện, buộc họ phải nâng cấp tốn kém hoặc bán xe với giá rẻ. Tôi đề xuất là cần có quy định đồng bộ trên toàn quốc, không phân biệt vùng miền. Quan trọng nhất là lấy tiêu chuẩn khí thải tại thời điểm xe xuất xưởng làm cơ sở để kiểm định. Xe nào khi kiểm định không còn đạt được mức tiêu chuẩn ban đầu do hư hỏng, xuống cấp, không được bảo dưỡng đúng cách thì không cho phép lưu hành. Cách làm này vừa đảm bảo môi trường, vừa công bằng cho người dân", kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ.

Lo ngại về cách làm

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách TP.HCM ủng hộ về mục tiêu hướng tới nhưng không đồng tình với phương pháp thực hiện được đề xuất trong dự thảo.

"Một trong những lo ngại lớn nhất là nguy cơ quy định mới gây mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt quy định niên hạn sử dụng xe ô tô. Hiện nay, xe ô tô kinh doanh vận tải có niên hạn sử dụng rõ ràng, xe tải thường là 25 năm, xe khách là 20 năm. Xe ô tô cá nhân thậm chí không bị áp niên hạn. Người dân, doanh nghiệp dựa vào các quy định này để tính toán hiệu quả đầu tư, quyết định mua xe. Thế nhưng, nếu áp dụng cứng nhắc tiêu chuẩn khí thải mới theo dự thảo, ví dụ yêu cầu xe sản xuất từ năm 2017 đến 2025 phải đạt Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026 tại Hà Nội và TP.HCM, thì rất nhiều phương tiện mới chỉ hoạt động được khoảng 8-9 năm, còn rất xa mới hết niên hạn sử dụng theo luật định, đã có nguy cơ không đáp ứng tiêu chuẩn và bị hạn chế lưu thông tại hai thành phố lớn nhất nước. Điều này là quá khắt khe. Quy định mới cần cân nhắc kỹ yếu tố này để tránh gây mâu thuẫn với quy định về niên hạn xe đã có. Việc đột ngột thay đổi sẽ gây khó khăn, thiệt thòi cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã đầu tư chi phí rất lớn vào phương tiện, là điều cần xem xét lại. Nó có thể dẫn đến sự lãng phí đầu tư”, ông Lê Trung Tính chia sẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, Kỹ sư Lê Văn Tạch chỉ ra: "Dự thảo đề xuất việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới cho những xe mà khi xuất xưởng đã tuân thủ đúng quy định hiện hành tại thời điểm đó là không hợp lý. Ô tô là tài sản có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Khi nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn, cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu bán ra thị trường và cho phép người dân đăng ký lưu hành hợp pháp, thì không thể vài năm sau lại dùng một tiêu chuẩn mới cao hơn để loại bỏ những chiếc xe đó chỉ vì chúng được đăng ký ở Hà Nội hay TP.HCM".

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận xét cho rằng: "Trước mỗi chính sách bao giờ cũng có nhiều luồng dư luận, vì vậy, cần lộ trình và hướng dẫn rõ ràng để người dân hiểu và thực hiện đúng. Cùng với đó, Nhà nước đẩy mạnh phát triển, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân".

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-chuyen-gia-lo-ngai-ve-du-thao-kiem-soat-khi-thai-o-to-tai-ha-noi-tphcm-post1199331.vov