Nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp sinh thái
Không chỉ là xu hướng tất yếu, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái còn giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo số liệu từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Việt Nam có 400 khu công nghiệp và 19 khu kinh tế ven biển. Hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng bộc lộ những tồn tại, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp, khu kinh tế cũng không tận dụng khai thác triệt để nguyên, nhiên liệu vào quá trình sản xuất, gây lãng phí nguồn tài nguyên và năng lượng.
Trong bối cảnh đó, để khắc phục những tồn tại của các khu công nghiệp truyền thống, theo ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế cho rằng, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái theo hướng bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu và được nhiều quốc gia trên thế giới cũng như khu vực triển khai thực hiện như: Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản… và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó.
Ông Lê Thành Quân khẳng định, việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp sinh thái cũng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong sản xuất công nghiệp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam tại hội nghị COP 26.
Trên thực tế, để tạo thuận lợi phát triển khu công nghiệp sinh thái, ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó nêu rõ, nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới hoặc chuyển đổi toàn bộ, hoặc một phần khu công nghiệp thuộc quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Nghị định này.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đã có hạ tầng trong khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với đầu tư vào khu công nghiệp, ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề theo quy định pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp sinh thái, mới đây Chính phủ lại ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 82/2018, quy định nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Để hỗ trợ, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái cũng đã được hình thành bởi “Dự án triển khau khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với mục đích đánh giá hiệu quả hoạt động và đo lường tiến độ chuyển đổi của các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Qua đó xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thử nghiệm về khu công nghiệp sinh thái và quy định của pháp luật Việt Nam về khu công nghiệp sinh thái với các nhóm chỉ tiêu về môi trường, kinh tế xã hội.
Phát biểu tại hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu và đề xuất áp dụng Bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái diễn ra mới đây, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – nhận định: Bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái được tích hợp từ Khung quốc tế và các quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam gồm trên 70 chỉ số; do đó cần được sàng lọc, lựa chọn để tìm ra các chỉ số phù hợp, khả thi với điều kiện của Việt Nam.
Bộ chỉ số được hoàn thiện sẽ hỗ trợ các khu công nghiệp, doanh nghiệp khu công nghiệp tự định vị mình theo các tiêu chí, từ đó xây dựng được lộ trình để đạt được các yêu cầu của khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Bộ chỉ số còn hỗ trợ các khu công nghiệp, doanh nghiệp đã được chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái tự kiểm soát và cải thiện liên tục quá trình thực hiện; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện và chứng nhận lại khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái theo quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
Với tính phù hợp của Bộ chỉ số, đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế cho rằng, bộ chỉ số là cơ sở để doanh nghiệp tự đánh giá được bản thân đang ở mức nào. Đồng thời, là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi theo định hướng phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kỹ thuật UNIDO, bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái phải đảm bảo tính phù hợp, khả năng thực hiện và có căn cứ khoa học phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các khía cạnh: Môi trường, quản lý khu công nghiệp, xã hội và kinh tế.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách từ nhà nước, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế như SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ), UNIDO, World Bank (Ngân hàng Thế giới)… việc triển khai các khu công nghiệp sinh thái rất cần sự thống nhất, quyết tâm cao từ các cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương, công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nguyễn Hòa