Nhiều cơ hội cho các 'ông lớn' trong giới sản xuất xe hơi tại Việt Nam

Theo thống kê, trong 1.000 người dân Việt Nam thì có 50 người sở hữu xe ô tô. Con số này phản ánh nhiều thách thức về thu nhập, giá xe và hạ tầng giao thông, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các hãng xe.

Ước tính khoảng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 15 - 20%.

Nhiều khó khăn tồn tại

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ cứ 1.000 dân mới có khoảng 50 người sở hữu ô tô, vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe,… Với GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 USD (101,8 triệu VNĐ) thì tỷ lệ sở hữu ô tô có thể sẽ còn tăng hơn nữa trong các năm tới.

Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô. Chính vì thế, Việt Nam được coi là “thỏi nam châm" đối với các “ông lớn” trong giới sản xuất xe hơi.

Cứ 1.000 người dân Việt Nam thì có 50 người sở hữu xe ô tô.

Cứ 1.000 người dân Việt Nam thì có 50 người sở hữu xe ô tô.

Mặc dù vậy, dựa trên kết quả bán hàng từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy một thực tế rất khác. Dù Việt Nam có mức dân số cao hơn các nước như: Brunei, Thái Lan, Malaysia, Singapore nhưng tổng số lượng ô tô lại ở mức thấp.

Theo tổng hợp dữ liệu bán hàng của Nikkei Asia từ các hiệp hội xe ô tô tại 5 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường ô tô lớn thứ 5 khu vực. Trong tháng 4.2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng 3.2024 và tăng 9% so với cùng kì năm 2023. Doanh số quý đầu tiên tại Việt Nam giảm 16% so với cùng kì năm 2023, đạt 58.165 chiếc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sở hữu xe ô tô thấp. Phải kể đến, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn chưa đủ cao để đa số người dân có thể dễ dàng mua sắm ô tô, một tài sản có giá trị lớn. Giá ô tô ở Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với các nước khác do thuế nhập khẩu và các loại phí liên quan.

Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng phát triển, cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả và kinh tế hơn cho việc di chuyển hàng ngày. Nhiều người dân vẫn chọn sử dụng xe máy hoặc các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện để tránh chi phí cao và những phiền toái liên quan đến việc sở hữu và bảo dưỡng ô tô.

Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng giao thông và mật độ dân số cao ở các đô thị lớn cũng khiến việc sở hữu xe ô tô trở nên ít hấp dẫn. Tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe và chi phí cao liên quan đến việc đỗ xe là những rào cản lớn đối với những người có ý định mua ô tô.

Cơ hội nào cho các hãng xe tăng doanh số?

Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Nhiều công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz… đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất - lắp ráp chi tiết ô tô lâu dài tại nhiều địa phương.

Có thể nói, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Khi mức sống được cải thiện, nhu cầu sở hữu các sản phẩm tiêu dùng cao cấp như xe hơi cũng sẽ tăng lên. Các hãng xe có thể tận dụng cơ hội này bằng cách tung ra các dòng xe phù hợp với khả năng tài chính của tầng lớp trung lưu mới nổi.

Các hãng xe có thể phát triển và cung cấp những dòng xe giá rẻ, phù hợp với đại đa số người dân. Đồng thời, xu hướng xe điện đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn do chi phí vận hành thấp và chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Việc đầu tư vào sản xuất và phân phối xe điện có thể mở ra một thị trường mới đầy tiềm năng. Các hãng xe trong và ngoài nước cũng không ngừng tung ra các mẫu xe mới với nhiều mức giá và tính năng khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, bao gồm giảm thuế (đặc biệt là giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4 có thể được thông qua), hỗ trợ vay vốn mua xe và đầu tư vào hạ tầng giao thông. Các hãng xe cần tận dụng các chính sách này để giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường nông thôn và các khu vực ngoại thành còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Với cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện, nhu cầu sở hữu xe hơi ở những khu vực này sẽ tăng. Các hãng xe có thể tập trung vào những dòng xe bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với điều kiện sử dụng tại nông thôn.

Thị trường ô tô Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, thu nhập của người dân được cải thiện, cùng với sự ra đời của các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, tỷ lệ sở hữu ô tô được dự báo sẽ tăng trong những năm tới.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Việc thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh, phát triển các loại xe điện và xe tiết kiệm nhiên liệu không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//xe-hoi/nhieu-co-hoi-cho-cac-ong-lon-trong-gioi-san-xuat-xe-hoi-tai-viet-nam-1100092.html